Ai cũng từng bị bóng đè nhưng không phải ai cũng giải thích được hiện tượng kì lạ này

Không ít người đã từng gặp phải hiện tượng ‘bóng đè’ nhưng không hiểu tại sao và ngay cả giới khoa học cũng phải đau đầu đi tìm câu trả lời về nó.

Có rất nhiều yếu tố tạo nên một giấc ngủ ngon. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm một chút bạn sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin hữu ích về tư thế ngủ, những việc nên làm trước khi ngủ để có một giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ liên quan đến giấc ngủ đều sẵn có trên mạng. Đặc biệt là những điều kỳ quái xảy ra trong lúc ngủ.

Một trong những vấn đề đó là việc nhiều người đột nhiên thức dậy vào lúc nửa đêm nhưng lại không thể cử động cơ thể. Hiện tượng này còn được biết đến với tên gọi ‘bóng đè’. Rất nhiều người đã từng gặp phải vấn đề này nhưng không thể giải thích nổi và ngay cả giới khoa học cũng phải đau đầu đi tìm câu trả lời về nó.

Một báo cáo năm 2011 tổng hợp kết quả nghiên cứu của 35 nghiên cứu trên 36.000 người cho thấy có 7,6% dân số bị tê liệt trong lúc ngủ hay bị bóng đè. Những người này thường là những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ và những người mắc chứng rối loạn tâm thần, hay lo lắng và trầm cảm.

Chứng tê liệt trong lúc ngủ xuất phát nhiều từ yếu tố di truyền nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nhiều người bị bóng đè do lo lắng, sợ hãi do áp lực cuộc sống hoặc do thói quen sinh hoạt không khoa học.

Bị bóng đè thường xuyên không chỉ khiến tinh thần con người bị hoảng loạn, sợ hãi mà lâu dần có thể khiến cơ thể bị suy nhược, huyết áp tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy bạn cần chú trọng đến chế độ sinh hoạt điều độ và suy nghĩ lạc quan để tránh áp lực giúp não bộ được giải tỏa khi ngủ.

Nếu như bạn bị bóng đè, hãy cố tập trung toàn bộ sức lực của mình để cử động nhẹ một bộ phận nhỏ trên cơ thể như ngón chân hoặc ngón tay. Điều đó sẽ giúp cảm giác bóng đè nhanh biến mất.

Tại sao bạn không thể cử động khi bị bóng đè?

Theo các nhà khoa học, giấc ngủ của con người được chia làm nhiều giai đoạn khác nhau gồm 4 giai đoạn non-REM (trạng thái vô thức) và một giai đoạn REM (chuyển động mắt nhanh). Trong khi não bộ có xu hướng hoạt động tích cực trong giai đoạn REM thì cơ thể con người lại tê liệt vào thời điểm này. Trong trạng thái này, cơ thể bị giữ cho tê liệt trong khi não bộ ra sức hoạt động tái tạo các giấc mơ. Điều đó lý giải tại sao một số người không thể cử động cơ thể ngay trong vài giây đầu sau khi thức giấc.

Theo lý giải của các nhà khoa học, bóng đè thực chất là vấn đề cơ thể bị tê liệt trong lúc ngủ. Ngạc nhiên hơn, bóng đè có ba loại khác nhau gồm ‘gánh nặng’ (incubus), ‘kẻ xâm nhập’ (intruder) và ‘trải nghiệm thể xác bất thường’ (unusual bodily experiences).

Loại 1 – Incubus: Mọi người cảm giác có gì đó đè nặng trên ngực và hô hấp gặp khó khăn. Theo nghiên cứu, đây thực chất là vấn đề ‘nhận thức về hô hấp’. Khi bị bóng đè, con người cảm thấy sợ hãi và sinh ra khó thở.

Loại 2 – Intruder: Người bị bóng đè cảm nhận thấy sự hiện diện mơ hồ của một cái gì ngay trước mắt. Về cơ bản, đây là những ảo giác được hình thành trong tâm trí khi cơ thể rơi vào trạng thái bị tê liệt. Một số người cảm thấy có ai đó xuất hiện rồi bóp cổ mình. Khi gặp phải loại bóng đè này, dù chỉ một âm thanh nhỏ cũng trở nên vô cùng đáng sợ đối với người bị bóng đè.

Loại 3 – Unusual bodily experiences: Đúng như tên gọi, đây là trạng thái con người cảm thấy mình dường như được thoát xác, bay vòng quanh phòng. Loại này xuất hiện trong giai đoạn REM khi mà tiểu não, cuống não và các trung tâm tiền đình vỏ não đều được kích hoạt.