Ai sẽ đề xướng luật khi cần?

[ad_1]

Ai sẽ đề xướng luật khi cần?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh (ảnh) cho rằng, nhiều người thân của ông nắm các vị trí quan trọng ở tỉnh là do được bổ nhiệm đúng quy trình. Ảnh báo Tiền Phong

(TBKTSG) – Câu chuyện lãnh đạo một cơ quan, tổ chức hay một ngành bổ nhiệm người thân giữ chức vụ trong cơ quan, tổ chức hay ngành đó lại càng nóng dư luận khi những người trong cuộc thường biện bạch họ làm đúng quy trình.

Đúng là việc bổ nhiệm người thân trong cơ quan nhà nước chưa được luật tiên liệu và đề cập một cách rõ ràng, trừ mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Một khi luật chưa quy định, chúng ta chỉ có thể nhân danh “đạo lý làm quan” mà phê phán các biểu hiện “xung đột lợi ích” chứ về lý mà nói, khó lòng bắt bẻ gì hơn.

Cách giải quyết dứt khoát nhất, rõ ràng nhất và được lòng dân nhất sẽ là có một điều luật nghiêm cấm cha bổ nhiệm con, chồng phong chức cho vợ, anh ưu ái em… nói tóm lại là cấm lãnh đạo cơ quan nhà nước bổ nhiệm người thân vào những vị trí mà họ có thẩm quyền quyết định, từ đó mới hạn chế được tình trạng “chủ nghĩa gia đình trị”, hay hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Những điều luật và hướng dẫn kỹ lưỡng đi kèm theo đã có từ lâu ở các nước OECD, chú trọng vào cả chuyện bổ nhiệm người thân cũng như chỉ định thầu các gói mua sắm chính phủ cho công ty sân sau. Các điều luật này được tuân thủ tốt bởi sự giám sát của báo chí, công chúng và nhất là các cuộc vận động tranh cử trong đó nhất cử nhất động của giới lãnh đạo dân cử đều bị soi kỹ.

Thế nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, ai sẽ là người đề xuất một điều luật như thế để bổ sung vào một sắc luật có sẵn như Luật Cán bộ, công chức chẳng hạn? Lâu nay các bộ, ngành chủ trì soạn luật, xuất phát từ những vấn đề cần quản lý trong cuộc sống. Do vậy luật thường mang dấu ấn rất đậm của bên hành pháp, nghiêng về quản lý hơn là điều chỉnh hành vi của các bên liên quan. Nhu cầu của bên hành pháp có một điều luật nghiêm cấm bổ nhiệm người thân là thấp vì đó là lợi ích nên không ai muốn “lấy đá tự ghè chân mình”.

Con đường tốt nhất là dưới ý chí của đông đảo cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập ban soạn thảo với những phác thảo ý muốn lập pháp rõ ràng, vừa ngăn chặn chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi cho người thân nhưng cũng đồng thời đem lại sự danh chính ngôn thuận cho các trường hợp người thân của lãnh đạo hội đủ điều kiện, có đủ năng lực làm ở cơ quan khác, để không một tài năng nào bị bỏ phí.

Việc chuyển tải những ý muốn lập pháp này thành điều luật là khâu mang tính kỹ thuật, có thể giao cho các chuyên gia, tổ chức tư vấn hay thậm chí các trường luật như một công trình sẽ được nghiệm thu.

Xa hơn, rất cần những quy trình làm luật trong đó bản thân bất kỳ công dân nào, một tổ chức xã hội nào cũng có thể đề xuất sáng kiến luật. Chừng nào người đại biểu đại diện cho công dân đó đồng tình và khởi xướng cùng một số lượng đồng nghiệp đủ để đưa điều luật ra Quốc hội thảo luận, đấu tranh cho nó được thông qua, chừng đó chúng ta sẽ không còn phải ngồi đó than là không có luật để điều chỉnh các vấn đề mới nảy sinh như chuyện chị làm chủ tịch bổ nhiệm em làm giám đốc sở. Chừng đó chúng ta cũng không còn phải đem “Luật hồi tỵ” ngày xưa ra để tặc lưỡi và bế tắc. Một điều luật được xây dựng theo cách đó sẽ thật sự là nguyện vọng của người dân, thể hiện quyền lực của họ thông qua đại biểu của mình.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —