An toàn thực phẩm từ nông dân

[ad_1]

An toàn thực phẩm từ nông dân

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi phở ăn sáng trong lúc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên đường Nguyễn Hậu, Q.Tân Phú – Ảnh: THUẬN THẮNG/Tuổi trẻ

(TBKTSG) – Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chợ Long Biên và xã rau xanh Văn Đức trước buổi làm việc về an toàn thực phẩm (ATTP) với chính quyền Hà Nội là một điểm nhấn trên truyền thông đại chúng tuần qua.

Báo chí ghi nhận chuyến đi thực địa vào lúc sáng sớm là sự kiện mới nhất trong chuỗi nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ nhằm khắc phục những vấn đề ATTP vốn liên quan đến từng người dân. Theo tường thuật của báo chí, quyết tâm của Thủ tướng và chính quyền Hà Nội thể hiện qua nhiều chương trình cụ thể – chẳng hạn kiểm tra thường xuyên của UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành về ATTP – đã mang lại kết quả ban đầu. Báo chí cũng dẫn lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm, cho rằng hiện tượng xe gắn máy chở lợn vừa giết mổ tại các lò thủ công chạy ngông nghênh trên đường phố đã giảm bớt nhiều, phần nào cho thấy tác dụng của các biện pháp gần đây của chính quyền địa phương. Theo Thủ tướng, cách làm của Hà Nội cần được nhân rộng trên cả nước.

Đây là điều đáng mừng. ATTP chưa bao giờ là một vấn đề dễ dàng. Tăng cường kiểm tra ATTP ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM là bước khởi đầu cho một nỗ lực dài hơn, có tầm vóc rộng hơn khắp cả nước. Cách đây không lâu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng là một trong những lãnh đạo Chính phủ đã công khai trên phương tiện truyền thông một “bí mật mà ai cũng biết”. Đó là tình trạng nông dân trồng riêng sản phẩm để ăn và để bán.

Câu chuyện đằng sau thì đã rõ. Do vậy, ngoài việc thắt chặt kiểm tra ATTP ở các địa phương tiêu thụ, giải quyết vấn đề ATTP còn cần được tiếp cận từ gốc, nghĩa là từ người nông dân làm ra thịt, cá, rau xanh. Nói khác đi, nông dân phải từ bỏ thói quen tai hại như sử dụng quá nhiều các chất bảo vệ thực vật, phân bón và chất kích thích tăng trưởng. Đã từ lâu nông dân đã quen với cách làm này, tuy tai hại với người tiêu dùng nhưng lại giúp họ sống còn. Như vậy, liệu có thể thuyết phục được người nông dân “đập bể nồi cơm” của mình?

Đây là một chuyện khó. Nhưng không phải là không làm được. Trước hết, cần xác định rằng nông dân sẽ không từ bỏ thói quen của mình bằng những lời kêu gọi chung chung. Phải thuyết phục họ bằng hành động. Nên bắt đầu bằng việc cho người nông dân thấy rằng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, họ là một mắt xích quan trọng, nếu không nói là một khâu quyết định.

Nông dân phải được thuyết phục rằng họ sẽ không còn đơn độc, loay hoay tự giải quyết mà sẽ được giúp đỡ hết mình. Trong chuyến đi thực địa thứ Ba tuần rồi, Thủ tướng cũng đã nhắc đến điều này khi ông bảo cần loại bớt các khâu trung gian để thực phẩm từ người nông dân đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý, phải chăng hơn. Ai cũng biết hiện nay nông dân đang phải gánh bao nhiêu khâu trung gian trục lợi trên lưng họ, làm họ nghèo hơn. Phải kiên quyết cắt bớt sự trục lợi này để nông dân có thể giảm chi phí, tăng lợi nhuận mà không cần phải dùng thêm hóa chất. Hiện nay, chỉ có sự đồng lòng, chung tay của cả xã hội mới giúp nông dân giảm bớt gánh nặng này.

Một vấn đề khác cũng nằm ngoài tầm tay người nông dân – nạn phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả.

Cần loại bỏ vấn nạn này để giảm gánh nặng cho nông dân. Đây chẳng phải là trách nhiệm của chính quyền các cấp hay sao?

Thiết nghĩ, người nông dân sẽ không nỡ làm hại đồng bào mình nếu họ được giúp đỡ chí tình trong cuộc chiến dài hơi chống thực phẩm bẩn nhằm bảo vệ sức khỏe, bảo vệ giống nòi.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —