Anh rời EU và những tác động lâu dài

[ad_1]

Anh rời EU và những tác động lâu dài

Nguyễn Thanh Lâm

(TBKTSG Online) – Cả thế giới bị chấn động vì sự kiện Brexit (Nước Anh rời EU). Sau Brexit là Nexit, Frexit chăng? Bắc Ireland với 56% và Scotland với 62% dân chúng bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EU (Bremain) liệu có thể sẽ trưng cầu dân ý để từ bỏ Liên Hiệp Anh hay không? 

Brexit sẽ gây thiệt hại cho sự đoàn kết, tin tưởng, và thanh danh của EU trên trường quốc tế, làm suy yếu trung tâm kinh tế và chính trị cấp tiến của Phương Tây.

Thị trường chứng khoán toàn thế giới chao đảo. Ngay ở Việt Nam , nơi tưởng như ít chịu tác động, VN-Index đã giảm 32 điểm tương đương 5% (1 tỉ đô la vốn hóa). Đồng Bảng Anh tụt dốc thảm hại nhất kể từ 35 năm nay và 1 Bảng Anh đang từ tỷ giá 1,5 đô la Mỹ đã xuống còn 1,33, gây khó khăn rất lớn cho giá cả hàng xuất khẩu vào Anh. Đồng Euro có tỷ giá 1,028 đô la Mỹ và theo ngân hàng HSBC dự báo, cả hai loại tiền này sẽ có khuynh hướng đi xuống và cuối năm nay, có thể 1 Bảng Anh chỉ còn 1,20 đô la Mỹ. Moody’s đã hạ bậc nước Anh từ “ổn định” xuống nấc “tiêu cực”.

Hiệu ứng tức thời là những quan điểm trái chiều. Tuy nhiên, hiệu ứng lớn nhất là sự ảm đạm và ngỡ ngàng, không riêng gì ở 27 nước thành viên EU còn lại. Mặc dù lộ trình thương thảo để rút ra khỏi EU của Anh, theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, kéo dài ít nhất 2 năm

Hiện tượng “thiên nga đen” đã xảy ra, nghĩa là diễn biến quá bất ngờ, ai cũng nghĩ rằng sẽ không xảy ra nhưng lại xảy ra. Phe Brexit đã khuấy động dư luận bằng mọi cách, kể cả những điều hứa hẹn sẽ đưa 350 triệu Bảng đóng góp cho EU mỗi tuần vào quỹ phúc lợi y tế. Bà Jo Cox, nhà lập pháp Anh bị sát hại vì ủng hộ Bremain. Nước Anh có thể bị chia rẽ, bị tổn thương ở nhiều mặt mà không thấy trước được.

Tỷ số thắng cuộc của Brexit rất sát sao: 51,9 so với 48,1%.

Thế nhưng số cử tri đi bầu chỉ là 72,2%, không vượt tỉ lệ tuyệt đối ¾. Cần chú ý thêm là 64% giới cử tri dưới 24 tuổi bỏ phiếu chống Brexit và 58% phiếu của cử tri già trên 65 tuổi (grey vote) ủng hộ Brexit, nghĩa là quyết định tương lai của lớp trẻ. Chỉ 30% hạ nghị sĩ ủng hộ Brexit , thế nhưng kết quả trưng cầu dân ý đã quá bán, người dân Anh tự hỏi, ý kiến ở Quốc hội có thực sự phản ánh bức tranh dân chủ của người dân không? Chính lời hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý  góp phần thắng cử 2015 của Thủ tướng David Cameron đã dẫn đến thất bại và sự từ chức của ông .   

Có thể chính từ những mâu thuẫn không ngờ của cuộc trưng cầu dân ý rất dân chủ, mà gần 2/3 người dân Ireland muốn ở lại, nhưng đành phải nói lời chia tay với EU. Tính đến 5 giờ chiều ngày 25-6-2016, chưa đầy hai ngày sau khi có kết quả bầu, hơn 1,1 triệu người đã ký tên yêu cầu tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý mới. Mạng của Hạ viện Anh đã bị sập vì quá nhiều người ký tên cùng một lúc.

Giả định là không có cuộc trưng cầu thứ hai, điều gì sẽ xảy ra?

Trước hết, Nước Anh sẽ có Thủ tướng mới từ tháng 10. EU sẽ thương lượng rất “rắn” với Anh. Jan Techau, Trung tâm Carnegie Châu Âu nhận định “ Điều khá rõ ràng là EU sẽ phải làm cho Anh gặp khó trong việc đàm phán, để các nước khác nhìn vào và hiểu điều gì sẽ xảy ra với họ nếu cố gắng làm điều tương tự”. Thương lượng về mặt ngoại giao, chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, hải quan, lao động, việc đi lại và thoả ước Schengen.

Khuynh hướng tuột dốc của đồng Bảng Anh sẽ làm GDP tụt giảm, kéo theo sức mua kém đi và nhập khẩu khó khăn. Lợi ích từ du lịch rẻ hơn không bù đắp được thiệt hại, vì Anh vốn là nước cấp Visa khó nhất thế giới. 
Theo Quỹ nghiên cứu Bertelsmann nước Anh có thể sẽ thiệt hại khoảng 78 tỉ Euro/năm trong vòng 10 năm.  Theo Trung tâm nghiên cứu Open Europe thì Brexit sẽ làm giá cả tại Anh tăng, thuốc men tăng 4,5%, xe hơi tăng 10% và thực phẩm tăng 20%.

Nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới đứng trước rất nhiều câu hỏi của tương lai, kể cả phải tự vấn “to be or not to be?” (Shakespeare)

Hiện có 3 triệu dân EU sống tại Anh và 1,2 triệu dân Anh tại các nước EU. Ngành công nghiệp điện tử và nhất là xe hơi sẽ gặp khó khăn lớn nếu cửa ngõ vào EU không có những ưu đãi thuế quan như trước. Ngành công nghiệp phụ trợ nội địa của Anh chỉ cung cấp được 35% giá thành sản xuất xe hơi. Việc sản xuất xe hơi không người lái và các công xưởng được nước ngoài đầu tư ở Anh có thể sẽ rút đi. Chính vì thế mà Hiệp hội sản xuất xe hơi ở Anh là SMMT đã phản ứng ngay và bày tỏ sự lo lắng đó.

Nếu sự sống còn của nước Anh bị đe dọa trong tương lai, nếu có nguy cơ tan rã, khả năng trở lại EU theo điều 49 của Hiệp ước Lisbon có thể xảy ra, nhưng trong trường hợp đó, Anh phải chấp nhận bỏ đồng Bảng Anh và xài Euro. Một mô hình kiểu Na Uy hay Thụy Sĩ, tuy không là thành viên EU nhưng được kết nạp vào thể chế đi lại Schengen, sẽ khó áp dụng cho Anh, vì làn sóng nhập cư, bên cạnh sự trỗi dậy của đảng Độc Lập Anh (UKIP) là một trong những lý do chính đưa tới kết quả Brexit.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã nói “thảm kịch này tìm cách đưa đất nước trở lại một thế giới không còn tồn tại nữa” và “ ta có thể cưỡi một làn sóng dân chúng phẫn nộ nhưng nó không đem lại những câu trả lời” cho những vấn đề và những thách thức của sự toàn cầu hóa. 

Đối với EU, phải nhìn nhận một thực tế như tờ Financial Times nhận xét là Brexit sẽ gây thiệt hại cho sự đoàn kết, tin tưởng, và thanh danh của EU trên trường quốc tế, làm suy yếu trung tâm kinh tế và chính trị cấp tiến của Phương Tây.   

Bộ trưởng kinh tế Đức, ông Sigmar Gabriel nói đây là “một ngày tồi tệ với Châu Âu” còn Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb thì gọi là “cơn ác mộng”. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho rằng “không thể tiên liệu được hết những hệ quả chính trị từ sự kiện này, đặc biệt đối với Anh”. 

Với EU, giáo sư Karl Kaiser (Đại học Harvard) nhận định: Brexit làm suy yếu vai trò của Châu Âu, vốn là mô hình khắc phục các xung đột cũ để giúp tạo dựng sự ổn định lâu dài. Diễn biến này còn có thể tạo ra hiệu ứng lan rộng khiến các nước khác trong khối làm theo và gây đảo lộn ở khu vực cũng như thế giới.

Hiệu ứng domino, hiệu ứng làm giảm tính gắn kết ở các khối khác như ASEAN, sự điều chỉnh và tương thích với 50 FTA, kể cả EVFTA đã ký đầu năm nay và bắt đầu hiệu lực từ 2018 với Việt Nam.

EU sẽ tiếp tục đối mặt với chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu (Euroscepticism) với các khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc (hẹp hòi ?!) như bà Marine Le Pen(Pháp), ông Geert Wilders(Hà Lan) và Nord Liga(Ý) đã nói rằng “đến phiên chúng ta rồi đó!”

Với Việt Nam đã hội nhập có mức độ rồi thì cũng sẽ chịu ảnh hưởng chung như phần còn lại của thế giới.
Việt Nam đang xuất siêu qua Anh, với kim ngạch xuất khẩu 4,65 tỉ đô la Mỹ (2015), tăng gấp ba lần trong 10 năm qua, chiếm 15% giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam vào EU, trong đó 47% là điện thoại Samsung, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử. Chỉ có 3% kim ngạch hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu đến Anh trong tổng số 19-20% vào EU và 1/6 kim ngạch mặt hàng giày dép vào Anh trong tổng số qua EU là 2,88 tỉ đô la Mỹ, tương ứng 72% xuất khẩu toàn ngành. Các nhà đầu Anh sẽ phải lo ứng phó và tạm ngưng đầu tư ra nước ngoài.

Những tác động lâu dài khác cần có thêm thời gian theo dõi diễn biến và các bước đi tới đây của EU và Anh mới có thể tiên liệu được. Chúng ta hãy chờ xem!

[ad_2]

— Đăng bởi HH —