Cách bảo quản các sản phẩm làm từ sữa cho trẻ

Nhiều bà mẹ vẫn chưa biết cách bảo quản và sử dụng sản phẩm làm từ sữa.

Những sản phẩm dinh dưỡng bổ sung được làm từ sữa như sữa chua, pho mát, váng sữa được trẻ em rất yêu thích bởi vừa bổ dưỡng, thơm ngon và hợp khẩu vị.

Vì thế mà nhiều bà mẹ coi những sản phẩm này như một bữa phụ để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn chưa biết cách bảo quản và sử dụng sản phẩm nên dẫn đến những hiểu lầm về chất lượng sản phẩm.

Trời lạnh nhưng trước khi đi làm chị Loan vẫn dặn mẹ chồng mỗi ngày cho hai đứa nhỏ ăn 2 cốc sữa chua trong tủ lạnh và dặn bà là chỉ để ra ngoài cho đỡ lạnh một chút rồi cho cháu ăn, không được hâm nóng làm hỏng sữa. Nhưng bà lại sợ cháu bị viêm họng bèn cho vào nồi cơm điện “hâm” cho nóng, hoặc có lần cẩn thận hơn bà còn để ra ngoài từ sáng đến trưa mới cháu ăn để đảm bảo không bị viêm họng.

Còn chị Hồng mỗi lần cho con đi công viên thường mang theo rất nhiều đồ ăn sẵn cho con nào bimbim, xúc xích, sữa chua, váng sữa… đảm bảo cho con được nạp năng lượng đầy đủ để thỏa sức vui chơi. Chị Thu hàng xóm của chị Hồng thắc mắc, sữa chua luôn phải bảo quản ở tủ lạnh mà chị Hồng mang ra ngoài để cả buổi thế kia e rằng sữa chua sẽ bị hỏng. Chị Hồng lại cho rằng, thời tiết lạnh nên những loại thực phẩm bổ sung làm từ sữa có thể để cả buổi ở ngoài cũng không sao… dù chúng chỉ bị lỏng hơn bình thường một chút. Đúng là những lần trước không có sự cố gì xảy ra nhưng không hiểu sao lần này cu Bin nhà chị sau khi ăn hết 2 hộp váng sữa xong một lúc thì kêu đau bụng…

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong những thực phẩm bổ sung làm từ sữa có chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi, chỉ có để lạnh mới giữ được các khuẩn sống này. Những sản phẩm lên men chứa men sống như sữa chua thì phải bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ 6 – 8oC. Nếu để ở nhiệt độ cao hơn 8oC trong thời gian vài giờ thì chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, mùi bị nồng không thơm như ban đầu, sữa nhanh bị chua, bị lỏng và vữa… Do đó, nếu để trẻ ăn những sản phẩm làm từ sữa để ở ngoài quá lâu rất dễ bị đau bụng vì sản phẩm dễ bị lên men, bị vi khuẩn xâm nhập ở môi trường nhiệt độ thường, chưa kể nếu sản phẩm bị để nghiêng, bị lắc nhiều khi vận chuyển có thể làm hỏng cấu trúc sữa.

Với phoma và váng sữa cũng vậy, cần bảo quản sản phẩm ở ngăn mát của tủ lạnh, không được để ở cánh tủ (nơi độ lạnh không ổn định). Về mùa đông, vì sợ con bị viêm họng, nên nhiều bà mẹ cho các sản phẩm sữa đang để tủ lạnh vào lò vi sóng để làm nóng, hoặc để ra ngoài thật lâu cho bớt lạnh, thậm chí cho cả vào nồi cơm điện để hấp. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại sản phẩm này khi bị làm nóng sẽ giết chết những vi khuẩn có lợi, làm mất mùi vị và giảm giá trị dinh dưỡng. Đây cũng chính là lời giải thích cho việc tại sao những sản phẩm này nhanh bị hỏng khi để ở nhiệt độ thường.