Cách “khuyến nghiệp” tốt nhất

[ad_1]

Cách “khuyến nghiệp” tốt nhất

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Khởi nghiệp đang nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ lãnh đạo UBND TPHCM. Ảnh: Chính Phong

(TBKTSG) – Xin nói ngay “khuyến nghiệp” chỉ là chữ dùng trong bài viết này bắt chước cách nói “khuyến nông”, “khuyến ngư” thường thấy. Sở dĩ viết như vậy là vì phong trào khuyến khích khởi nghiệp đang rộ lên trong thời gian gần đây. Ở khắp nơi, các tổ chức cổ xúy khởi nghiệp, đề ra các chỉ tiêu cho khởi nghiệp, làm thành cuộc vận động “thành phố khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp” có thể xem là chưa từng có tại Việt Nam.

Cần khẳng định rằng đây là hoạt động cần thiết nhằm hun đúc tinh thần khởi nghiệp có phần chùng xuống trong mấy năm gần đây khi số doanh nghiệp giải thể hay ngưng hoạt động cao hơn số thành lập mới.

Tuy nhiên, “khuyến nghiệp” không phải là một phong trào. Càng không thể để cho “khuyến nghiệp” bùng lên như một phong trào rồi sau đó lắng xuống. Muốn Việt Nam phát triển, tinh thần khởi nghiệp thúc đẩy nhiều người bỏ vốn ra làm ăn phải giữ được sự bền bỉ lâu dài qua các thế hệ nối tiếp nhau.

Vậy thì làm sao để thực hiện được điều này? Cần nhớ rằng tỷ lệ khởi nghiệp thành công theo các thống kê cho đến nay chỉ từ 5-10%. Nghĩa là có hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại hoặc sống cầm hơi. Và khi thất bại thường thì người khởi nghiệp phải chịu cảnh trắng tay.

“Khuyến nghiệp” là hết sức cần thiết, nhưng làm sao để giữ cho các doanh nghiệp trụ lại được trên thương trường và tiếp tục phát triển còn cần thiết hơn. Nói cách khác, Nhà nước phải làm tất cả những gì có thể làm được để càng có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ăn nên làm ra càng tốt. Thành công của các doanh nghiệp đang hiện diện trên thương trường chính là lời cổ vũ nhiệt tình, thuyết phục và hữu hiệu nhất đối với tất cả những ai đang nuôi mộng khởi nghiệp.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp sống èo uột, khốn khổ vì những mối đe dọa “không tên” thường trực, thì họ sẽ trở thành những tấm gương dị dạng làm lụi tàn nhiệt tình khởi nghiệp. Khi ấy không có phong trào “khuyến nghiệp” nào có thể thuyết phục người muốn khởi nghiệp chịu bỏ vốn làm ăn.

Như vậy, một trong những cách “khuyến nghiệp” tốt nhất là tạo điều kiện để các doanh nghiệp hiện có trong nền kinh tế thành công.

Xét về mặt này, Chính phủ đã làm được nhiều điều. Đã có những cam kết, những chương trình hành động cụ thể được đưa ra. Tuy nhiên, phần lớn những gì đã làm cho đến nay vẫn còn ở dạng kế hoạch. Quan trọng hơn là làm sao thực hiện các kế hoạch đó nhằm đạt các mục tiêu ban đầu.

Ở một số nước trên thế giới, 100 ngày đầu tiên của một chính phủ mới được xem là thời kỳ “trăng mật” khi các đề nghị được dễ dàng thông qua. Ở Việt Nam, điều kiện có khác. Nhưng cũng có thể lấy mốc 100 ngày đầu tiên là thời gian cần thiết để đề ra chương trình hành động. Sau đó phải là các bước cụ thể triển khai các kế hoạch này.

Ví dụ như trong cuộc chiến chống “nâng cấp” điều kiện kinh doanh trái luật ẩn trong thông tư thành nghị định. Hơn ai hết, doanh nghiệp hoàn toàn không muốn điều này xảy ra. Và để thuyết phục được họ, Chính phủ và Thủ tướng cần thắng trong cuộc chiến này. Không thể chấp nhận tình trạng bộ trưởng thì hô hào xóa bỏ các điều kiện kinh doanh trái luật trong khi chính bộ mình quản lý lại tiếp tục dựng lên những hàng rào khác.

Đây là việc trong tầm tay và là cách “khuyến nghiệp” hiệu quả mà lại chẳng tốn kém gì cho ngân sách.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —