Chống bệnh hình thức: Chính phủ đi đầu

[ad_1]

Chống bệnh hình thức: Chính phủ đi đầu

TS. Võ Duy Nghi

Mới đây, Chính phủ đã có quy định mỗi địa phương đón đoàn công tác Chính phủ dùng tối đa ba ô tô riêng. Đây là nét mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hướng tới một Chính phủ liêm chính, tiết kiệm.

(TBKTSG) – Người dân và doanh nghiệp rất mừng khi Chính phủ mới tỏ rõ quyết tâm đổi mới hoạt động của mình với thông điệp: Chính phủ kiến tạo, phục vụ lợi ích doanh nghiệp và người dân. Cùng với thông điệp mạnh mẽ đó, Chính phủ đã đi sâu chỉ đạo, điều hành nhiều công việc cấp bách, cụ thể như cải cách hành chính.

Tuy nhiên căn bệnh hình thức vẫn còn tồn tại rất sâu trong bộ máy quản lý điều hành các bộ, ngành, địa phương. Muốn đạt mục tiêu Chính phủ kiến tạo như đã đề ra thì cần xóa bỏ triệt để căn bệnh này.

Lâu nay từ trung ương đến địa phương, thỉnh thoảng các phát biểu chỉ đạo của một số lãnh đạo cấp trên đối với bộ ngành, địa phương chỉ mang tính chung chung, đại khái theo kiểu: “trồng cây gì, nuôi con gì”, “không để cho người dân, doanh nghiệp khó khăn…”. Những chỉ đạo dạng đó không có gì sai nhưng để thực sự giúp địa phương, doanh nghiệp phát triển thì rất khó. Cái mà địa phương, doanh nghiệp cần là những chỉ đạo sâu sát với đặc thù từng địa phương, đơn vị đó. Không thể mang một công thức chung, một diễn văn soạn sẵn để chỉ đạo cho tất cả các bộ, ngành, địa phương được.

Để làm được điều này, các cơ quan tham mưu giúp việc của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn để những chỉ đạo của lãnh đạo mang tính cụ thể, thiết thực hơn. Mặt khác, các cơ quan tham mưu giúp việc phải giúp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ việc thực hiện những chỉ đạo đó để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo nếu gặp khó khăn, vướng mắc.

Các chỉ đạo của Chính phủ vừa qua là rất quyết liệt và đi sâu vào từng vụ việc cụ thể: giao cho các bộ bao nhiêu nhiệm vụ, cách thức kiểm tra mức độ hoàn thành các nhiệm vụ đó.

Các cuộc gặp của lãnh đạo cấp trên với các địa phương, bộ, ngành không phải là những cuộc gặp xã giao, khen ngợi lẫn nhau mà phải đi vào những chuyên đề cụ thể, những vướng mắc mà địa phương, bộ, ngành đó gặp phải để tìm hướng giải quyết. Nói một cách khác, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phải mang tính định lượng, chứ không mang nhiều định tính, hình thức như lâu nay vẫn làm.

Văn phòng Chính phủ vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng đi kiểm tra sự tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng đối với một số bộ và chính người đứng đầu một số bộ đã đề nghị xem tính chất buổi làm việc là trao đổi chứ không phải là kiểm tra(1). Điều đó cho thấy chưa có sự sẵn sàng về nhận thức và quyết tâm ở các bộ, ngành, địa phương trong việc quán triệt mục tiêu Chính phủ hành động mà Thủ tướng đặt ra.

Để chống căn bệnh hình thức và chống lãng phí, Chính phủ vừa có quy định về việc mỗi địa phương đón đoàn công tác Chính phủ dùng tối đa ba ô tô riêng. Đây là nét mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hướng tới một Chính phủ liêm chính, tiết kiệm.

Căn bệnh hình thức này (mà đi kèm với nó là lãng phí) tồn tại từ rất lâu. Mỗi khi có đoàn công tác từ trung ương, các tỉnh thường tổ chức lực lượng rầm rộ đón tiếp. Nếu lãnh đạo đi qua nhiều tỉnh thì các tỉnh lân cận thường phối hợp đón và tiễn theo địa giới hành chính của mình. Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho cán bộ cấp cao là quan trọng, tuy nhiên việc bố trí nhiều xe, không đúng thành phần tham gia là không cần thiết và lãng phí. Ở cấp độ bộ, ngành, địa phương, Chính phủ cần có sự chỉ đạo tương tự, tránh trường hợp “tỉnh về thì xã mổ trâu” như hiện nay.

Một câu chuyện thường thấy nữa là các địa phương, doanh nghiệp thường tổ chức rình rang các lễ kỷ niệm, khai trương, động thổ dự án mới, lễ vinh danh doanh nghiệp, cá nhân… Tâm lý chung là các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương mong muốn có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao cho thêm phần long trọng và cũng không loại trừ mục đích quảng bá cho địa phương, doanh nghiệp mình. Chi phí tổ chức những buổi lễ mang tính hình thức như vậy tiêu tốn mỗi năm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Chính phủ cũng cần ban hành quy định nêu cụ thể những loại hình sự kiện nào lãnh đạo cấp cao có thể tham dự và nếu tham dự thì sự kiện đó cũng phải được tổ chức đơn giản, tiết kiệm. Tránh tình trạng lãnh đạo cấp cao tham gia nhiều sự kiện không có ý nghĩa. Câu chuyện một số cựu lãnh đạo tham gia các sự kiện bán hàng đa cấp và bị lợi dụng hình ảnh cũng là một bài học đắt giá. Chúng ta thường cho rằng những sự kiện doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền ra tổ chức thì Nhà nước không thiệt hại gì nhưng xét trên bình diện toàn xã hội thì xã hội vẫn bị thiệt hại do những chi tiêu lãng phí đó.

(1) http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tiep-to-cong-tac-cua-thu-tuong-bo-truong-kh-dt-than-hop-nhieu-20160825095140707.htm

[ad_2]

— Đăng bởi HH —