Chống kẹt xe: cần giải pháp tổng thể

[ad_1]

Chống kẹt xe: cần giải pháp tổng thể

Trần Văn Tường

Kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM.

(TBKTSG) – Mới đây, Hà Nội đã xây dựng lộ trình cấm dần xe cá nhân để chống kẹt xe, gồm cả ô tô chứ không riêng gì xe máy và có nhiều ý kiến trái chiều. Trước đó, tại TPHCM đã từng có đề xuất một giải pháp tương tự nhưng không triển khai.

TPHCM cần áp dụng tổng thể các giải pháp, theo lộ trình, chú ý tính khả thi để tiến tới hạn chế xe cá nhân, giải quyết kẹt xe một cách cơ bản.

Thứ nhất, hạn chế xây nhà cao tầng ở nơi thường kẹt xe. Nội thành vốn đã chật hẹp, rất đông phương tiện giờ cao điểm nhưng lại chồng lên thêm nào là chung cư, trung tâm thương mại, cơ sở dạy học… mà dễ thấy nhất trên mặt tiền đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám… Mỗi khi mọc lên một tòa nhà là phải kết nối giao thông ra vào, xung đột trực tiếp với các phương tiện trên đường. Cần giãn dân cư bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng, khu vui chơi, giải trí, mua sắm, tạo việc làm cho khu vực ngoại thành. Việc này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành trong quy hoạch, xây dựng, giao thông.

Thứ hai, còn nhiều tuyến đường chưa mở rộng đúng quy hoạch, cần mở rộng mặt đường. Đây là việc nên làm để tăng diện tích đường cho xe chạy, phục vụ giao thông trước mắt và lâu dài. Chi phí dù cao do giải tỏa nhưng bù lại góp phần giải quyết kẹt xe, kết hợp với cải tạo mỹ quan đô thị, hướng đến thành phố văn minh hiện đại, là việc trước sau gì cũng phải làm.

Thứ ba, quản lý đô thị trên cơ sở khoa học. Nhiều công trình giao thông mới xây xong đã quá tải phương tiện, phải xây cầu vượt như nút giao thông tại công viên Gia Định. Cầu vượt tại Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ và Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám giúp giải quyết kẹt xe cục bộ, lại khiến mật độ dồn về các đường lân cận, phát sinh điểm kẹt xe mới. Đường Phạm Văn Đồng giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực Thủ Đức lại tạo áp lực giao thông trên quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình (kẹt xe ngày càng nghiêm trọng trên các đường Phan Văn Trị, Lê Quang Định, Nguyễn Kiệm, Hồng Hà, Bạch Đằng…). Khi mở đường, làm cầu cần cẩn trọng tính toán cho nhu cầu giao thông tương lai, phù hợp với sự phát triển dân số.

Thứ tư, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông. Phân luồng phân tuyến hợp lý để hạn chế xung đột giữa các phương tiện, giảm kẹt xe. Xa lộ Hà Nội rộng với 12 làn xe vẫn ùn tắc giao thông từ cầu vượt Cát Lái đến cầu Sài Gòn, làn đường xe máy quá hẹp so với làn đường xe ô tô. Giờ cao điểm có thể linh động cho xe máy lưu thông vào một phần làn đường xe ô tô như đã làm trên các trục đường Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng.

Thứ năm, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đầu tư thêm xe buýt chất lượng cao về cả xe lẫn người và quy trình phục vụ. Ưu tiên làn đường cho xe buýt để hạn chế kẹt xe giờ cao điểm, phân luồng hợp lý nhằm rút ngắn thời gian so với xe cá nhân. Đặc biệt, xây dựng bãi giữ xe đủ sức chứa để người dân gửi xe máy để đi xe buýt và giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè cho người đi bộ.

Thứ sáu, phát triển phương tiện giao thông công cộng mới: các tuyến metro đang và sắp xây dựng phải được kết nối thuận lợi, nghiên cứu tận dụng giao thông thủy.

Thứ bảy, sớm ứng dụng giao thông thông minh. Thủ đô Bangkok (Thái Lan) cũng giống TPHCM từng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ngoài xây dựng đường trên cao và metro, họ đã ứng dụng giao thông thông minh (ITS) giúp kiểm soát giao thông trên đường, tự động thay đổi thích hợp chu kỳ đèn tín hiệu… Đặc biệt, thông qua Internet và điện thoại thông minh báo cho người dân biết thông tin về tuyến đường sắp qua, cung đoạn bị kẹt xe để chuyển hướng đi khác.

Thứ tám, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông. Nếu không tuân thủ quy định pháp luật về giao thông thì dù đường có mở rộng và hạ tầng hoàn thiện vẫn sẽ kẹt xe.

Thứ chín, hạn chế xe cá nhân. Trước mắt, xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân. Một khi đã có chủ trương, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn phát triển phương tiện công cộng.

Hạn chế xe cá nhân nên làm thí điểm ở khu vực trung tâm thành phố hoặc trên một số tuyến đường trong phạm vi quận 1. Theo đó, phát triển xe buýt thuận tiện, an toàn, sạch sẽ. Cải tạo vỉa hè đủ lớn, thoáng mát, thông suốt cho người đi bộ (sau khi xuống xe buýt).

[ad_2]

— Đăng bởi HH —