Chuyện ghi nhân chuyến thăm xứ nhãn

[ad_1]

Chuyện ghi nhân chuyến thăm xứ nhãn

Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Nhân phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Châu Thành – Đồng Tháp, vựa nhãn nổi tiếng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, từ 24 đến 26-6, chiều 25-6 chúng tôi ghé thăm vườn nhãn của ông Phạm Hữu Hiện, một trong những nông dân trồng nhãn xuất sắc tại khu vực; nghe được nhiều câu chuyện hay và ghi lại nhiều hình ảnh đẹp.

Những cây nhãn với trái sum suê là hình ảnh rất phổ biến tại Châu Thành – Đồng Tháp ngày nay.

Trong câu chuyện chia sẻ cùng đoàn tham quan, ông Hiện cho biết hiện nay giống nhãn Ido rất được thị trường ưa chuộng và giá mua tại vườn với nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 38.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân với 1 héc ta trồng nhãn, mỗi héc ta trung bình cho 30 tấn/năm, sẽ đạt doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Như ông Hiện chia sẻ, có thể không quá khi nói rằng nhãn là cây giúp người nông dân thoát nghèo tại Châu Thành – Đồng Tháp.

Ông Phạm Hữu Hiện – người đứng thứ hai từ trái sang – chụp ảnh cùng đoàn tham quan tại vườn nhà mình

Ido là một giống nhãn với trái nhỏ, cơm dày, hạt nhỏ, ít nước, vị ngọt vừa phải, có thể ra quả quanh năm, được trồng phổ biến tại Châu Thành. Tuy vậy, ít ai biết được hành trình để giống nhãn này “nảy mầm và phát triển” tại Đồng Tháp lại lắm gian nan.

Lần lại chuyện gần 20 năm trước, ông Hiện kể, năm 1997 khi ông đưa giống nhãn này về Đồng Tháp thì không nhận được sự ủng hộ, thậm chí có phần phản đối từ mọi người xung quanh vì cho rằng đây là giống ngoại lai.

“Trong 5 năm đầu tiên, tôi gặp vô số khó khăn. một phần vì thiếu sự hỗ trợ, một phần vì chưa nắm hết đặc tính sinh học của giống nhãn mới để giúp nó phát triển tốt nhất có thể”, ông Hiện nhớ lại.

Rồi mọi thứ cũng qua, giống nhãn Ido do ông Hiện đem về chứng minh được hiệu quả kinh tế và ngày nay, tại huyện Châu Thành, có đến gần 4.000 héc ta chuyên canh trồng nhãn, trong đó Ido là một giống được trồng phổ biến.

Chuyện cái tên Ido cũng có một lịch sử riêng. Ông Hiện cho biết giống nhãn này khi được nhập về mang tên là Idor theo tiếng gọi bên Thái. Tuy vậy, cái tên Idor có thể dễ gây hiểu nhầm tế nhị về mặt ngôn ngữ, đặc biệt với một số đồng bào dân tộc tại Việt Nam, nên được bỏ chữ “r” đi và đổi thành Ido. Hiện một số nơi gọi trại đi là Edo, Edor nhưng theo ông Hiện, tên gọi nên là Ido.

Cây nhãn Ido do thân mềm dễ gãy nên phải được ràng thêm các cây khác để gắn thành mạng lưới giúp cây tránh bị ngã.

Mặc dù Ido là giống nhãn cho năng suất cao nhưng ngược lại, cây cũng có những điểm yếu do thân mềm, dòn, dễ gãy. Để khắc phục những điểm yếu này, đồng thời tạo thêm một giống nhãn mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông Hiện đang cho lai ghép giống nhãn Ido và giống nhãn Xuồng Cơm Vàng để tận dụng ưu điểm của hai giống nhãn này. Giống nhãn mới, hiện vẫn chưa đưa ra thị trường nhưng được ông Hiện đặt cho cái tên “Phát Tài” với hi vọng nông dân ai trồng cây này cũng sẽ phát tài lên, không còn khổ nữa.

Nhãn Châu Thành được cấp chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu

Có những người nông dân như ông Hiện luôn là một điều đáng mừng. Ngày hôm qua, 25-6, những người nông dân trồng nhãn Châu Thành – Đồng Tháp còn có một tin vui khác khi nhãn Châu Thành đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ – Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành – ĐT”. Đây là một bước đi cần thiết để Đồng Tháp phát triển thương hiệu cây nhãn cho địa phương.

Nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành – ĐT” đã được đăng ký bảo hộ. Ảnh: Kim Anh

Nhân dịp lễ công bố chứng nhận nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành – ĐT”, UBND huyện Châu Thành đã tổ chức giao lưu ẩm thực các món ăn được làm từ nhãn với sự tham gia từ các xã trong huyện. Sau đây là một số hình ảnh các món ăn đặc sắc được ghi lại từ lễ hội này.

Bánh đúc nhãn với màu xanh lá cây bắt mắt
Nhãn không chỉ ngon mà còn được trình bày rất đẹp mắt
Khách tham quan hào hứng với các món ngon địa phương

 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —