Cú “tuýt còi” dành cho MobiFone!

[ad_1]

Cú “tuýt còi” dành cho MobiFone!

Linh Trang

Tính minh bạch từ việc mua cổ phần AVG đã và sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình cổ phần hóa của MobiFone. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Chiếu theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP thì khó có thể nói MobiFone đã tuân thủ hoàn toàn các quy định về công bố thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước.

AVG được định giá bao nhiêu?

Vụ việc MobiFone mới đây nằm trong diện phải thanh tra toàn diện sau khi mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đang thu hút sự quan tâm không nhỏ của các nhà đầu tư. Quan tâm bởi lẽ đây là một thương vụ đầu tư được đánh giá là có giá trị lớn và được thực hiện bởi một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (mặc dù giá trị của thương vụ này cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ và đây chính là một trong những nội dung quan trọng cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ). Đặc biệt, đặt trong bối cảnh MobiFone đang trong quá trình chuẩn bị cho cổ phần hóa (lộ trình là diễn ra ngay trong năm 2016) thì câu hỏi về tính minh bạch lại một lần nữa được dư luận đặt ra đối với các dự án đầu tư được tiến hành bởi các doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước.

Theo MobiFone, vào tháng 12-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Tiếp đó, vào đầu tháng 1-2016, MobiFone đã chính thức công bố việc mua cổ phần của AVG để phục vụ cho việc kinh doanh truyền hình. MobiFone cho biết, việc đầu tư, kinh doanh truyền hình kỹ thuật số là bước đi nằm trong chiến lược kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2016-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Mặc dù thông báo đã mua cổ phần của AVG nhưng MobiFone không cho biết cụ thể số cổ phần đã mua là bao nhiêu. Tuy nhiên, trước đó, trên một số báo, lãnh đạo MobiFone cho biết là đã mua 95% cổ phần của AVG.

Câu hỏi lớn nhất lúc này là MobiFone đã chi bao nhiêu tiền để có được 95% cổ phần của AVG và tại sao giá trị của thương vụ không được công bố? Cách hành xử như trên của MobiFone liệu có đang “phạm luật” và nếu phạm luật thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Theo một số nguồn tin thì việc định giá AVG đã được tiến hành đến bốn lần bởi các công ty khác nhau (Công ty TNHH Kiểm toán AASC, Công ty TNHH Định giá Hà Nội – TPHCM, Công ty Thẩm định giá AMAX và đơn vị tư vấn là VCBS). Điều đáng nói là kết quả định giá của các công ty này có sự chênh lệch rất lớn, dao động từ 16.565 tỉ đồng (tương đương 720 triệu đô la Mỹ) đến 33.299 tỉ đồng (tương đương 1,5 tỉ đô la Mỹ). Việc khác nhau giữa các kết quả định giá là điều bình thường, vẫn thường hay xảy ra khi các công ty thẩm định lựa chọn thông số đầu vào và thời điểm thu thập chứng lý khác nhau. Tuy nhiên, chênh lệch ở mức quá lớn như trên thì quả là điều đáng bàn!

Không công bố thông tin là phạm luật?

Về phía dư luận nói chung, câu hỏi về tính hiệu quả và giám sát hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có sử dụng vốn Nhà nước lại một lần nữa được đặt ra, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải có câu trả lời thỏa đáng!

Trên thực tế, sau khi tách ra khỏi VNPT vào cuối năm 2014, MobiFone trở thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Vốn điều lệ của MobiFone được hai bộ Tài chính và Thông tin Truyền thông thống nhất điều chỉnh tăng lên mức 15.000 tỉ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại (trước khi cổ phần hóa), MobiFone vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Do vậy, về quy định, MobiFone vẫn phải tuân theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP ban hành ngày 18-9-2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Theo nghị định này, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước phải có nghĩa vụ công bố các thông tin mang tính định kỳ như: chiến lược phát triển của doanh nghiệp; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm năm của doanh nghiệp; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp; báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và ba năm gần nhất tính đến năm báo cáo; báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có); báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; báo cáo tài chính (sáu tháng) và báo cáo tài chính năm; báo cáo về chế độ tiền lương, tiền thưởng.

Riêng đối với các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư có nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước quyết định việc công bố nhằm tránh việc lạm dụng các quy định làm hạn chế tính công khai, minh bạch về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài các thông tin định kỳ như trên thì doanh nghiệp nhà nước cũng phải công bố các thông tin mang tính bất thường khi xảy ra một trong các sự kiện quy định tại khoản 1, điều 109 Luật Doanh nghiệp ngày 26-11-2014 (trong đó có bao gồm quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn tại các công ty khác).

Như vậy, chiếu theo các quy định trên, việc MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG vừa thuộc loại thông tin phải công bố định kỳ (MobiFone cho biết việc mua AVG nằm trong chiến lược kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2016-2020) vừa thuộc loại thông tin phải công bố bất thường (đầu tư tại một công ty khác không liên quan đến bí mật và an ninh quốc gia). Thời hạn để công bố các thông tin bất thường là không muộn hơn 36 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự kiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến gần đây, đại diện của MobiFone vẫn từ chối tiết lộ giá trị của thương vụ mua AVG. Mọi việc đúng sai vẫn cần chờ kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên chiếu theo các quy định như trên thì khó có thể nói MobiFone đã tuân thủ đúng các quy định về công bố thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước.

Ở một khía cạnh khác, tính minh bạch từ việc mua cổ phần AVG đã và sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình cổ phần hóa của MobiFone. Chắc chắn tiến trình này sẽ bị trì hoãn, ít nhất là cho đến khi kết quả thanh tra được công bố. Về phía dư luận nói chung, câu hỏi về tính hiệu quả và giám sát hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có sử dụng vốn Nhà nước lại một lần nữa được đặt ra, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải có câu trả lời thỏa đáng!

 

Xem thêm:

VAFI: MobiFone cần công bố giá mua AVG

Ban bí thư yêu cầu thanh tra việc MobiFone mua cổ phần AVG

[ad_2]

— Đăng bởi HH —