Cuộc chiến nhận thức lại quy hoạch ngành

[ad_1]

Cuộc chiến nhận thức lại quy hoạch ngành

Quang Minh

Đến nay Việt Nam vẫn chưa có vùng nguyên liệu trái cây đủ lớn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) – Lần đầu tiên, số lượng các quy hoạch ngành được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) rà soát và công bố trong khi xây dựng dự án Luật Quy hoạch. Có 3.538 quy hoạch ngành cần lập theo quy định trong tổng số 13.767 quy hoạch các loại dự kiến lập trong giai đoạn 2011-2020.

Các quy hoạch ngành này ra đời trên cơ sở 73 luật, pháp lệnh và 59 nghị định, trong đó quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện từng loại quy hoạch.

Quy hoạch ngành đang là gì, nên là gì?

Bộ KH&ĐT kiến nghị xây dựng Luật Quy hoạch nhằm thống nhất khái niệm quy hoạch nói chung và quy hoạch ngành nói riêng trong một văn bản quy phạm pháp luật và theo đó là thống nhất về cách tiếp cận xây dựng, quản lý các quy hoạch ngành phù hợp với quản lý kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Bộ KH&ĐT coi quy hoạch ngành là một công cụ để quản lý sự phát triển được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền, sự phát triển của ngành hay lĩnh vực phải theo quy hoạch, đồng thời với yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cấp phép đầu tư; điều kiện đăng ký kinh doanh; giấy phép xây dựng; hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan khác,… Do quy hoạch được ban hành dưới hình thức quy định pháp luật nên các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ bắt buộc chứ không thể không rõ tính tuân thủ như hiện nay.

Hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định việc cấp phép thành lập, hoạt động doanh nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, nhưng quy hoạch lại không được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật nên việc điều chỉnh quy hoạch chỉ bằng một công văn – một hình thức văn bản không đủ giá trị pháp lý cũng như quy trình ban hành không bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, dẫn đến việc thực hiện tùy vào nhà đầu tư, doanh nghiệp có “xin” được công văn hay không.

Thông thường, nhà đầu tư không chỉ phải tuân thủ một loại quy hoạch mà phải tuân thủ cùng lúc nhiều loại quy hoạch. Ví dụ, muốn đầu tư thành lập doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhà đầu tư phải đáp ứng các loại quy hoạch liên quan: quy hoạch thăm dò, khai thác tài nguyên, quy hoạch về môi trường, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất (nếu có, ví dụ quy hoạch xi măng)… Nếu cứ theo thông lệ đi “xin” công văn như trên thì không chỉ tính quy phạm của quy hoạch không đảm bảo mà tất yếu sẽ đẻ ra chung chi để được “cho” công văn điều chỉnh quy hoạch nhanh gọn.

Sự cần thiết của các loại quy hoạch ngành, sản phẩm trong kinh tế thị trường cần được làm rõ để xác định Nhà nước cần quản lý đến mức độ nào, đối với ngành nào, còn lại là sự điều tiết theo quy luật của thị trường.

Quy hoạch là công cụ quản lý của Nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin quy hoạch cho doanh nghiệp, người dân để doanh nghiệp biết, thực hiện nhưng có khi trách nhiệm này của cơ quan quản lý nhà nước biến thành thủ tục doanh nghiệp phải xin cấp phép… quy hoạch. Ví dụ, quy định về thủ tục cấp phép quy hoạch xây dựng trong Nghị định 59/2015/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép để được có quy hoạch xây dựng đối với những nơi chưa có quy hoạch phân khu… Thực tế, các quy định về giấy phép quy hoạch kiểu như thế này đang tạo ra “giấy phép con” cản trở hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thị trường.

Hiện chưa có các nguyên tắc thống nhất ban hành quy hoạch, nên các cơ quan quản lý nhà nước mặc nhiên coi quy hoạch ngành là công cụ quản lý nhà nước đối với ngành đó, thể hiện chủ trương và biện pháp can thiệp của Nhà nước theo định hướng phát triển hoặc giới hạn sự phát triển của Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Giới hạn như thế nào, đến đâu thì… tùy cơ quan ban hành quy hoạch. Ví dụ, quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm giới hạn số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; quy hoạch hành nghề công chứng giới hạn số lượng phòng công chứng (doanh nghiệp) được thành lập trên từng địa bàn; quy hoạch sản xuất thuốc lá giới hạn vùng sản xuất nguyên liệu thuốc lá…

Cần làm rõ sự cần thiết của quy hoạch ngành!

Sự cần thiết của các loại quy hoạch ngành, sản phẩm trong kinh tế thị trường cần được làm rõ để xác định Nhà nước cần quản lý đến mức độ nào, còn lại là sự điều tiết theo quy luật của thị trường.

Sự cần thiết của quy hoạch ngành liên quan đến nội hàm của quy hoạch, đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan niệm coi quy hoạch là bản đồ không gian trên đó xác định các vị trí, phân bổ các nguồn lực và dự báo xu thế phát triển trên từng địa bàn. Nhưng cũng có quan niệm cho rằng quy hoạch không chỉ là bản đồ không gian, mà còn xác định các mục tiêu, phương hướng, quan điểm, phương án phát triển của ngành, lĩnh vực.

Do chưa thống nhất về nội hàm và phạm vi của các loại quy hoạch ngành, nên còn nhiều cách hiểu khác nhau về quy hoạch ngành, lẫn lộn giữa quy hoạch và chiến lược, kế hoạch phát triển ngành. Nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và một số ngành nghề thuộc diện kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn được một số bộ, ngành và địa phương lập thành một số loại quy hoạch như quy hoạch phát triển công tác thống kê; quy hoạch phát triển lực lượng quản lý thị trường; quy hoạch phát triển hải quan Việt Nam…

Sự cần thiết của các loại quy hoạch ngành còn gây tranh cãi ở chỗ những ngành nào cần lập quy hoạch. Hiện nay không có giới hạn nào về các ngành phải lập hoặc không phải lập quy hoạch. Do vậy, dựa trên chức năng quản lý trong lĩnh vực được phân công, các cơ quan quản lý có thẩm quyền tự xác định ngành phải lập quy hoạch. Ví dụ Bộ Công Thương xây dựng quy hoạch phát triển cho các ngành dầu khí, hóa chất, phân bón, thuốc lá… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch cho các ngành giống vật nuôi, thủy sản, phát triển tàu cá… Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy hoạch phát triển cảng biển, đường giao thông… Một số quy hoạch không rõ mục tiêu và phạm vi quản lý.

Do vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Luật Quy hoạch hạn chế các ngành cần lập quy hoạch; chỉ quy hoạch đối với các ngành gắn với cơ sở hạ tầng hoặc gắn với sử dụng tài nguyên; không nên xây dựng quy hoạch tràn lan đối với các ngành, sản phẩm phát triển theo cung – cầu của thị trường. Theo đó, dự thảo Luật Quy hoạch quy định chỉ còn 33 loại quy hoạch ngành, trong đó có nhiều loại quy hoạch ngành hiện hành được tích hợp với nhau trong một bản quy hoạch.

Nhận thức lại, hành động mới

Để quy hoạch ngành bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn phát triển và định hướng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thì Việt Nam, cần có một bản đồ quy hoạch ngành tổng thể, trong đó thể hiện đầy đủ các quy hoạch ngành cơ bản, lấy quy hoạch về hạ tầng làm nền tảng cho quy hoạch phát triển các ngành kinh tế – xã hội. Bản quy hoạch ngành tổng thể này cần xác định rõ và thống nhất về định hướng, thời kỳ, phạm vi, nội dung và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc Bộ KH&ĐT đề nghị các quy hoạch ngành mới sẽ được lập lại từ năm 2020, bởi vì việc lập quy hoạch mới này đòi hỏi năng lực, nguồn lực rất lớn, bên cạnh quyết tâm loại bỏ lợi ích cục bộ của tất cả các quy hoạch ngành hiện hành.

Các cơ quan lập quy hoạch phải nhất quán về mục tiêu: chỉ quy hoạch đối với những ngành thực sự cần thiết phải quản lý nhà nước về dài hạn vì lợi ích công (bảo đảm phát triển bền vững của đất nước). Quy hoạch ngành chỉ là quy định “khung” để phát triển các hoạt động kinh tế, không nên quy định quá chi tiết gây khó khăn cho việc thực hiện.

Cần xác định rõ quy hoạch ngành là công cụ điều tiết của Nhà nước theo hướng kiến tạo những nền tảng cơ bản, định hướng trên cơ sở dự báo sự phát triển. Việc lập quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy các cơ quan quản lý phải tự xác định sự phù hợp với quy hoạch. Cần loại bỏ tất cả các quy định hiện hành coi quy hoạch là điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Cuối cùng, cần khắc phục triệt để của những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch hiện nay. Theo đó, cần thay đổi tư duy quản lý quan liêu, bao cấp, cục bộ, lợi ích nhóm. Một số ý kiến cho rằng thay đổi tư duy này là việc khó nhất, Quốc hội hoặc cần lập ra cơ quan điều phối độc lập, đủ thẩm quyền để giải quyết tình trạng cục bộ lợi ích nhóm.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã nhiều lần trình Chính phủ bỏ các quy hoạch sản phẩm vì cho rằng việc quản lý các sản phẩm này cần tuân theo cơ chế kinh tế thị trường; nếu việc phát triển sản phẩm được lập thành quy hoạch, trong đó xác định danh mục các dự án và địa điểm được đầu tư sản xuất, kinh doanh sẽ tạo cơ chế “xin – cho” trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Trên thực tế, nhiều quy hoạch có tác động hạn chế trực tiếp đến hoạt động gia nhập thị trường của doanh nghiệp như quy hoạch hành nghề công chứng, quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh LPG, quy hoạch về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công của ngành giao thông vận tải… do các quy hoạch này quy định số lượng doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, một số cơ quan xây dựng quy hoạch sản phẩm vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng cần phải có quy hoạch sản phẩm để bảo đảm sản xuất, phát triển các sản phẩm này theo định hướng của Nhà nước, như Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo do Bộ Công thương lập; Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra, Quy hoạch phát triển tôm hùm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập; Quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển do Bộ Giao thông Vận tải lập…

Đọc thêm:

– Quy hoạch ngành – vì sao bộ, ngành “nghiện” quản?

[ad_2]

— Đăng bởi HH —