Đa số các startup khởi nghiệp trên nền tảng CNTT

[ad_1]

Đa số các startup khởi nghiệp trên nền tảng CNTT

Trúc Diễm

Ông Nguyễn Quân, một trong những nhà đầu tư thiên thần, nói chuyện với các bạn trẻ khời nghiệp. Ảnh: Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Tại ngày hội đầu tư diễn ra hôm qua tại Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị khởi nghiệp (startup) đã trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình để kêu gọi vốn đầu tư. Trong số 11 startup trình bày dự án khởi nghiệp của mình thì đa phần dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngày hôm qua 16-7 tại Hà Nội đã diễn ra ngày hội đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV) Demo Day 2016. Sự kiện nhằm hỗ trợ và kết nối cộng đồng nhà đầu tư “thiên thần” – tức các nhà đầu tư cá nhân – và các startup tại Việt Nam.

Có 11 startups trình bày tại buổi Demo Day 2016 hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ giáo dục, xây dựng, công nghệ, kết nối….cho đến lĩnh vực y tế và thực phẩm. Danh sách các startup này gồm: Utimai, RegenSolution, Vocab.vn, Torki Kebab, Booknhanh, Schoolbus, Ez4home, Tuvanxaydung…

Các cá nhân khởi nghiệp này đều có điểm chung là có tuổi đời rất trẻ và có đam mê khởi nghiệp. Nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp tới hai lần mà theo cách gọi của ban tổ chức là “chưa thành công” nhưng vẫn tiếp tục khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đồ ăn nhanh và nhượng quyền thương hiệu như Torki Kebab. Điều đặc biệt, hầu hết các cá nhân khởi nghiệp này đều có điểm chung là sử dụng công nghệ thông tin cho những ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Ví dụ như Schoolbus sử dụng nền tảng truyền hình trực tuyến trên internet dành cho giáo viên và học sinh phổ thông trung học; Utimai là mạng xã hội di động với mục đích xử lý các vấn đề thường xuyên phát sinh trong cuộc sống hàng ngày thông qua việc tận dụng mối quan hệ xung quanh một cá nhân và biến mối quan hệ đó thành lợi ích kinh tế. Hay còn có những cái tên khác như Caganu.com, EZ4home, Booknhanh… giải quyết các vấn đề khác nhau trong cuộc sống nhưng đều dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley (VSV), cho hay các startups muốn tham gia vào VSV cần hội tủ 5 yếu tố: Nhóm đó liệu có quyết tâm lớn để khởi nghiệp không; Sản phẩm và dịch vụ có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không; Giải pháp đưa ra có thuyết phục không; Mô hình kinh doanh có rõ ràng hay không, có thể mở rộng ở nhiều tỉnh thành hay không, số lượng người dùng ra sao; Sản phẩm đó liệu có thể thay thế các sản phẩm đang có trên thị trường?

Nếu dự án thỏa mãn được 5 câu hỏi trên sẽ được nhận vào VSV, và VSV theo đó sẽ đầu tư và nắm cổ phần của các startup. “Đây là sự hợp tác giữa người có ý tưởng và người có tiền để hợp tác phát triển công ty”, bà Lê Anh nói.

Phát biểu tại buổi Demo Day 2016, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay, khởi nghiệp ở nước ta gặp muôn vàn khó khăn vì chúng ta đi lên từ con số 0 kể cả về nền tảng pháp lý quốc gia, kinh nghiệm và vốn. Chúng ta chỉ có sẵn là trí tuệ. Trí tuệ Việt Nam không thua kém dân tộc khác, không có lý gì chúng ta không thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel, Hàn Quốc…

Song, một điều mà ông Nguyễn Quân còn lo ngại khi 2 năm liên tiếp tham dự buổi Demo Day là các startup chỉ tập trung vào lĩnh vực rất hep là công nghệ thông tin và dịch vụ. “Một quốc gia phát triển không thể chỉ bằng công nghệ thông tin, dịch vụ, chúng ta phải có những sản phẩm công nghiệp. Tôi chưa thấy startup nào có thể tạo ra một sản phẩm công nghiệp có thể thương mại hóa để trở thành sản phẩm đầu giường, đầu tay của tất cả mọi người. Ví dụ điện thoại di động của Samsung”, ông Quân nói.

Ông Quân cho biết thêm, ông vừa có chuyến đi công tác ở Đồng bằng Sông Cửu Long về và thấy rằng ở đó họ rất cần doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. “Tôi rất mong VSV sẽ lựa chọn, đào tạo được các startups trong lĩnh vực điện tử, vật liệu…chỉ có như vậy sự phát triển mới đồng bộ, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Quân chia sẻ.

Mời đọc thêm:

Vietnam Silicon Valley tổ chức ngày hội đầu tư khởi nghiệp

[ad_2]

— Đăng bởi HH —