Đại biểu có cần bàn câu chữ?

[ad_1]

Đại biểu có cần bàn câu chữ?

Nguyễn Vũ

(TBKTSG Online) – Trước đây theo dõi tường thuật các cuộc họp toàn thể đại biểu Quốc hội tại hội trường để thảo luận một luật nào đó, chúng ta thường thấy các phát biểu rất chi tiết về các dùng từ, vị trí câu cũng như các đề nghị nên dùng từ này mà không nên dùng từ kia.

Xem lại các biên bản tổng hợp thảo luận tại hội trường, không thiếu các câu “tôi đề nghị dùng từ…” “theo tôi câu này phải viết lại…”

Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội không phải đi sửa câu chữ, trừ phi câu chữ đó ảnh hưởng lớn đến mục đích của điều luật. Hãy tưởng tượng như quy trình xây dựng một ngôi nhà – đại biểu Quốc hội khi làm luật là thiết kế hình hài, thiết lập các chức năng cũng như quyết định các vấn đề lớn như vai trò nhà kiến trúc sư. Đại biểu Quốc hội không cần phải quan tâm tường nhà tô xấu hay đẹp mà phải giao chuyện đó cho các bộ phận thi công. Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là làm sao các điều luật hướng tới những mục tiêu mình muốn đạt được còn việc thể hiện câu chữ cứ giao cho bộ phận kỹ thuật xử lý.

Vì cứ lẫn lộn vai trò “người sửa câu chữ” và “người thiết kế tổng thể” nên cuối cùng chúng ta đang có một Bộ luật Hình sự 2015 có đến 95 điểm sai sót về mặt kỹ thuật. Hóa ra việc rà soát câu chữ để sửa như các đại biểu từng cất công để làm cũng không phát hiện được các lỗi kỹ thuật này.

Nói như vậy không phải để biện bạch cho 415 vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút tán thành việc thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015. Các vị đó vẫn phải chịu trách nhiệm chính cho các sai sót đã để lọt qua nhiều khâu. Nhưng lẽ ra đã không có các lỗi này nếu Quốc hội đã thiết kế một cơ chế phân tách hai vai trò nói trên một cách rõ ràng.

Các đại biểu khi ra hội trường sẽ tranh cãi, có thể rất quyết liệt, khi các quan điểm về một điều luật nào đó có khác nhau. Ví dụ có nên “hình sự hóa” chuyện sa thải công nhân với một bên đưa ra các lý lẽ để bảo vệ quyền lợi công nhân; một bên nói về tính cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị tác động xấu như thế nào nếu doanh nghiệp e sợ chuyện sa thải công nhân và gián tiếp chấp nhận năng suất lao động ì ạch mãi. Tranh cãi như thế sẽ làm rõ vấn đề để cuối cùng lập luận nào thuyết phục được đại đa số đại biểu, lập luận ấy sẽ thắng thế.

Sau đó các đại biểu sẽ giao cho bộ phận kỹ thuật giúp việc thể hiện lại câu chữ trong luật sao cho thể hiện được điều vừa nhận được sự đồng thuận cao nhất.

Bộ máy giúp việc cho Quốc hội lúc đó sẽ có những chuyên viên giỏi, rà soát và một khi họ được giao trách nhiệm, họ sẽ phải làm việc với tinh thần “cảnh giác” cao nhất để bảo đảm không xảy ra sai sót. Thậm chí vẫn có thể “outsource” cho các chuyên viên độc lập bên ngoài rà soát để bảo đảm sự khách quan.

Từ đó mới thấy bộ máy của nhà nước, kể cả bên hành pháp phải phân định rõ vai trò nào là vai trò kỹ trị, chuyên lo việc chuyên môn. Để hệ thống đó không bị ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ, chuyện thân quen, chuyện luân chuyển để họ yên tâm làm tròn nhiệm vụ người công chức một cách chuyên nghiệp. Và cũng từ nhu cầu đó mới thấy việc tuyển dụng công chức vào các vị trí chuyên môn phải theo một bài bản rất chi ly, chặt chẽ, không có chỗ cho con ông cháu cha, không có chỗ cho gởi gắm.

Chỉ có con đường chuyên nghiệp hóa chúng ta mới xây dựng được bộ máy hỗ trợ các nhà làm chính sách, biến chính sách từ ý tưởng thành câu chữ chặt chẽ, không còn chỗ cho mọi giải thích mơ hồ hay cố ý bóp méo.

Mời xem thêm

Có thể hoãn thi hành Bộ Luật Hình sự mới

Một điểm mơ hồ của Bộ Luật Hình sự 2015: Hình sự hóa vi phạm cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng

Cục TMĐT-CNTT: Không chủ trương “hình sự hoá” các vi phạm hành chính

Tội “kinh doanh trái phép” nay chuyển lên mạng

[ad_2]

— Đăng bởi HH —