Đầu tư gián tiếp nước ngoài: Tạo cuộc chơi để doanh nghiệp kiếm được tiền và đóng thuế

[ad_1]

Đầu tư gián tiếp nước ngoài: Tạo cuộc chơi để doanh nghiệp kiếm được tiền và đóng thuế

Mỹ Lệ

Giáo dục và y tế là hai ngành đang bị rào cản lớn nhất đối với hoạt động đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. Trong ảnh: Học sinh một trường quốc tế trong giờ thực hành. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Thông tin từ Diễn đàn M&A Việt Nam: trong năm 2015, tổng giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam đạt kỷ lục 5,2 tỉ đô la Mỹ, thị trường M&A nước ta đã đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng thế giới. Đằng sau những con số và thứ hạng này, bức tranh hoạt động đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam đang và sẽ như thế nào? TBKTSG trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Phó tổng giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn giao dịch tài chính của Công ty Ernst&Young Việt Nam.

>> Bức tranh vốn đầu tư gián tiếp

TBKTSG: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam?

– TS. Nguyễn Quốc Toàn: Đầu tư dưới dạng M&A sẽ phát triển vì các lý do sau:

Thứ nhất, các công ty Việt Nam đã gần đủ lớn để có thể làm các cuộc

TS. Nguyễn Quốc Toàn.

M&A lớn. Các nhà đầu tư lớn chỉ quan tâm đến những giao dịch lớn từ 20-50, 100 triệu đô la Mỹ, thậm chí là 1 tỉ đô. Thời gian và công sức dành cho một giao dịch 5-10 triệu đô cũng không khác gì với một giao dịch 100 triệu đô. Cách đây vài năm, các công ty Việt Nam mình thường rất bé nên mỗi giao dịch M&A hay đầu tư gián tiếp thường chỉ khoảng 5-10 triệu đô la. Bây giờ Công ty Ernst&Young bên tôi thường xuyên được khách hàng đặt hàng làm những giao dịch 20-50, thậm chí là 100 triệu đô la Mỹ.

Thứ hai, các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân, đã bắt đầu hiểu giá trị của M&A, thấy cần phải hợp nhất thì mới phát triển lớn được. Ngày xưa họ chưa hiểu, muốn giữ quyền lợi của mình, muốn tắm và ở mãi trong trong cái ao làng, còn giờ họ muốn làm ăn lớn hơn, chấp nhận mình là một phần nhỏ của cuộc chơi lớn. Sự thay đổi nhận thức này có phần xuất phát từ độ tuổi – mức độ trẻ của các chủ doanh nghiệp, hiện nay tầm 40-45 tuổi là nhiều.

Thứ ba, một số công ty tư nhân, thậm chí có cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã cải tiến đáng kể về năng lực quản trị, độ công khai minh bạch so với chính mình 5-7 năm trước. Điều này làm giảm đáng kể rủi ro đầu tư và do đó tăng tính hấp dẫn cho việc đầu tư gián tiếp.

Tuy nhiên, theo chủ quan của tôi, cho đến nay, vấn đề của chúng ta là có quá ít “hàng” tốt – công ty tốt – để bán và làm các giao dịch M&A chứ không phải là vấn đề pháp lý hay thể chế mà người ta thường nhắc đến.

TBKTSG: Theo quan sát của ông, bức tranh đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào nước ta đã thay đổi ra sao trong thời gian qua? Các nhà đầu tư thích đầu tư với vai trò là nhà đầu tư chiến lược hay chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính? Có vẻ như việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của các DNNN không dễ dàng?

– Đúng là hiện có sự phân loại giữa đầu tư chiến lược và đầu tư tài chính đó nhưng tôi không cho điều đó là quan trọng. Những giao dịch lớn (từ 50-100 triệu đô la Mỹ), giữa các doanh nghiệp cùng ngành, thường là đầu tư chiến lược để hợp nhất các thị trường với nhau và tiết kiệm chi phí. Những năm gần đây, các nhà đầu tư chiến lược thường đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc do có sự tương đồng về thị trường, văn hóa và xu hướng muốn rút ra khỏi thị trường Trung Quốc. Đầu tư tài chính cũng có nhưng không nhiều. Các quỹ đã đầu tư vào Việt Nam từ những năm 2006-2007 đang thoái vốn, họ sẽ bán cho các nhà đầu tư chiến lược vì bán lô lớn (bán kiểm soát công ty) sẽ dễ bán hơn nhiều. Ranh giới giữa đầu tư chiến lược và đầu tư tài chính sẽ mờ dần. Nhà đầu tư chiến lược cũng là nhà đầu tư tài chính. Nhà đầu tư tài chính mà có tiền thì sẽ kiếm được người giỏi, công nghệ tốt.

Thật ra, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho DNNN không khó. Vấn đề là các DNNN có chịu bán và chấp thuận các điều khoản của nhà đầu tư lớn hay hay không. Chịu bán rồi thì có linh động, quyết đoán trong quá trình bán hay không. Một doanh nghiệp quyết định bán 40-50% vốn nhưng lại chẻ nhỏ ra, chỉ bán cho mỗi người 5-7% thì không ai muốn mua cả. Đồng thời, nếu DNNN đòi hỏi quá nhiều cam kết về quản trị, chuyển giao công nghệ hay kiểm soát ban lãnh đạo thì rất ít nhà đầu tư lớn quan tâm. Nếu quyết định bán cả cục lớn và thuê một công ty tư vấn chuyên nghiệp thì kiểu gì cũng bán được với giá cao hơn tự làm. Những ngành rất khó như đầu tư trong lĩnh vực an sinh xã hội (giáo dục, y tế), cơ sở hạ tầng, nếu chúng ta có những chính sách hợp lý và bớt đòi hỏi thì sẽ luôn có nhà đầu tư chiến lược.

Ranh giới giữa đầu tư chiến lược và đầu tư tài chính sẽ mờ dần. Nhà đầu tư chiến lược cũng là nhà đầu tư tài chính. Nhà đầu tư tài chính mà có tiền thì sẽ kiếm được người giỏi, công nghệ tốt.

Đằng sau câu chuyện chia lô nhỏ, đòi hỏi lắm điều kiện này là Việt Nam mình vẫn cứ muốn kiểm soát, muốn chia để trị. Đó là nhận thức không còn phù hợp. Quan trọng nhất là tạo cuộc chơi để các doanh nghiệp có thể phồn vinh – kiếm được tiền và đóng thuế cho Nhà nước một cách minh bạch, đàng hoàng chứ không phải là tìm cách siết người ta.

TBKTSG: Gần đây, một số người quan ngại các thương vụ thâu tóm mang tính triệt tiêu doanh nghiệp, thương hiệu trong nước. Quan điểm của ông về việc này?

– Tôi không sợ Việt Nam mất hết các doanh nghiệp. Người Việt Nam năng động, bán doanh nghiệp rồi thì họ sẽ gầy dựng một doanh nghiệp mới. Ngay chính trong nước mình, cách đây 5-7 năm, có ai nghĩ Thế giới di động sẽ “over take” FPT không? Có ai nghĩ rằng một ngày nào đó, Nam Long lại thành danh trong việc dẫn đầu phân khúc nhà giá rẻ không? Các công ty Việt Nam giờ đã biết làm ăn bài bản, đã biết nhìn xa hơn và có những bước đi chiến lược hơn, quyết đoán hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam cần được tư vấn tốt để tránh “đổ vỡ” về sau này. Thời gian qua, có một thực tế: bên đi mua (thường là đối tác nước ngoài) chịu chi rất nhiều tiền tư vấn cho việc mua (kiểm toán, rà soát doanh nghiệp và tư vấn), còn bên bán rất “ẩu” – cứ tự nghĩ, tự quyết. Cái sự “ẩu” này dẫn đến câu chuyện thâu tóm mang tính triệt tiêu thương hiệu mà không được lợi ích gì tăng thêm. Nếu được tư vấn, thì khi chấp nhận xóa thương hiệu, bên bán phải được cái gì đó.

Còn chuyện thương hiệu mất đi, đối với tôi, cũng là chuyện bình thường, vì đó là một cuộc đánh đổi. Nếu anh bán cho các tập đoàn đa quốc gia thì anh phải chấp nhận mất thương hiệu (trong ngành hàng tiêu dùng là chính). Tuy nhiên, có những thương hiệu của Việt Nam rất mạnh thì làm sao mà mất được. Người mua giữ hay đổi thương hiệu đều trên cơ sở lợi ích. Xây dựng thương hiệu cực kỳ tốn kém, không ai dở hơi đi mua một thương hiệu rồi xóa nó đi trừ khi thương hiệu đó không còn giá trị nữa. Mà nếu không còn giá trị thì trước đó nó đã không có nhiều giá trị.

Người Việt Nam mình hay sợ người ta vào thôn tính, tôi không sợ điều đó. Cũng đừng nghĩ như vậy thì người Việt Nam sẽ đi làm thuê hết. Thị trường, nền kinh tế luôn biến động, mỗi lần như vậy thì phát sinh cơ hội làm ăn – làm chủ mới. Và, thậm chí, nếu làm thuê mà lương cao, bảo hiểm xã hội tốt, giá thành sản phẩm bán ra thị trường thấp, có lợi cho người tiêu dùng thì tại sao doanh nghiệp lại không làm và Nhà nước tại sao lại không khuyến khích?

TBKTSG: Nếu vậy thì nên nhìn nhận về các nhà đầu tư đến từ Thái Lan đang nổi lên hiện nay, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, như thế nào?

– Việc đó là tốt. Nếu họ không mua thì sẽ có người khác mua và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác của cả trong nước và nước ngoài đang có mặt. Các doanh nghiệp đã định bán mình mà không bán được thì sẽ có khả năng lụn bại, mất thương hiệu trong cuộc cạnh tranh hội nhập. Trong khi đó, với các thương vụ thành công vừa qua, cái Nhà nước được là tiền thuế, còn người tiêu dùng được là giá thành giảm, dịch vụ tốt hơn.

Thái Lan hay Việt Nam sở hữu doanh nghiệp không quan trọng nữa vì giờ là thời đại đa quốc gia rồi. Chắc gì chủ sở hữu của công ty đặt ở Thái đó sẽ mãi là người Thái? Tôi không nghĩ rằng đến thế kỷ này vấn đề chủ quyền là quan trọng, ngoài vấn đề an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Cái gì có thể bán được, quốc tế hóa được thì càng tốt. Sự lo ngại như hiện nay là vô nghĩa vì phần lớn những lo ngại này qua cơ chế thị trường tự nó sẽ giải quyết được. Cũng có khả năng họ sẽ lũng đoạn thị trường nhưng mình đã có Luật Cạnh tranh rồi. Cơ sở pháp lý của Việt Nam chưa đầy đủ nhưng không phải là không có và quan trọng là mình có quyết tâm áp dụng không, năng lực áp dụng tới đâu. Ví dụ, các quy định về chống chuyển giá của mình có nhưng mình đã áp dụng chưa? Mình chưa áp dụng! Khi áp dụng thì nó sẽ ra kẽ hở này, kẽ hở kia, lúc đó chúng ta mới biết cách điều chỉnh để hoàn thiện.

TBKTSG: Theo ông, hiện nay, đâu là rào cản đối với hoạt động đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam?

– Tùy từng ngành. Hiện nay, với một số ngành, luật khá cởi mở, ví dụ ngành hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng, sản xuất. Tuy nhiên, ngành y tế và giáo dục là hai ngành đang bị rào cản lớn nhất. Vì vậy, cần cuộc cách mạng trong tư duy liên quan đến hai ngành này. Đây là hai ngành cần khuyến khích đầu tư nhiều nhất nhưng cực kỳ khó vào, có quá nhiều điều kiện kinh doanh theo kiểu định tính thay vì định lượng. Những ngành nào đưa nhiều điều kiện định tính thì cơ quan công quyền càng được thể làm khó. Với ngành giáo dục, chúng tôi có hàng chục nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ nhưng không thể đầu tư được vì quá nhiều điều kiện theo kiểu trứng đẻ ra gà hay gà đẻ ra trứng. Chẳng hạn đầu tư vào giáo dục đại học, cao đẳng rất tốn kém nhưng Luật Giáo dục lại đòi hỏi nhà đầu tư phải có hàng trăm tỉ trong tài khoản và có đất ít nhất 5 héc ta, hoặc trường quốc tế nhưng lại khống chế trần số lượng học sinh Việt Nam thì không có nhà đầu tư lớn nào về giáo dục muốn làm cả vì quá tốn kém và rủi ro.

TBKTSG: Gần đây, từ phía cơ quan quản lý và công luận, dấy lên mối lo thất thu thuế từ các thương vụ chuyển nhượng vốn, nhất là trong trường hợp chủ sở hữu ở nước ngoài và việc chuyển nhượng diễn ra ở nước ngoài. Mối lo đó có thực tế và hợp lý? Chúng ta có thể làm gì hơn để bảo vệ quyền chính đáng của mình và hài hòa lợi ích các bên?

– Khả năng thất thu thuế hoàn toàn có thể xảy ra nhưng xem xét vấn đề này phải chiếu theo luật pháp của mình. Nếu luật pháp của mình chưa chuẩn thì phải điều chỉnh vì họ hoàn toàn có quyền lách luật, đưa ra những cấu trúc thuế làm sao có lợi nhất cho các giao dịch. Không thể trách và bắt lỗi họ được. Những người làm tư vấn cũng phải tối ưu hóa quyền lợi của khách hàng, tối ưu hóa các giao dịch. Luật của mình phải được thiết kế cho cho hợp lý để tránh được những cái đấy.

Trên thực tế có thất thu thuế hay không? Trong nhiều trường hợp là có, trong nhiều trường hợp là không. Luật của mình quy định chuyển nhượng cổ phần đánh thuế 0,1% thôi thì cứ thế mà làm. Thế còn các giao dịch mà khách hàng có thể “tiết kiệm” được thông qua các công ty offshore (đặt ở nước ngoài) thì ngày xưa tới giờ họ vẫn làm thế. Đến các công ty lớn như Google còn đặt trụ sở ở chỗ này, chỗ kia để tránh thuế thì không thể trách người ta được và không nên quan ngại chuyện đó. Mình phải thiết kế chính sách thuế của mình cho hợp lý, để vừa khuyến khích được nhà đầu tư vào, vừa tăng khả năng thu thuế chứ không thể khi điều gì đó xảy ra thì đi bảo người ta là tôi thất thu thuế rồi dùng quyền quản lý hành chính để ép buộc họ nộp.

Thực ra luật của mình chưa đáp ứng được yêu cầu này. Với các nghiệp vụ về chống chuyển giá, các nghiệp vụ về M&A, Nhà nước nên cộng tác và lấy thực tế từ các tập đoàn tư vấn lớn để soi chiếu quy định và việc áp dụng của mình.

Mình có thể đánh thuế theo kiểu cứ một thương vụ thì tôi phải thu được ngần này tiền. Còn nếu công ty cổ phần của Việt Nam có vốn đầu tư ở nước ngoài mà công ty nước ngoài ấy có trụ sở công ty mẹ ở nước ngoài thì khi người ta bán từ công ty mẹ mình không thể cấm người ta được và không nên làm như thế. Họ đầu tư ở Việt Nam vì nhìn thấy lợi ích về thuế, nếu có lợi ích đó, sau này các công ty khác mới đầu tư. Làm như thế chỉ có lợi ngắn hạn mà bỏ đi cái lợi dài hạn về sau.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —