Để chứng chỉ hành nghề y không là “giấy phép con”

[ad_1]

Để chứng chỉ hành nghề y không là “giấy phép con”

Hoàng Nhung

Sắp tới, theo quy định, bác sĩ muốn hành nghề phải đi thi để được cấp chứng chỉ.

(TBKTSG) – Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều ca tử vong, tai biến y khoa không đáng có khiến dư luận bất bình. Cho tới nay, sinh viên y khoa ra trường, sau thời gian thực tập ở bệnh viện 18 tháng sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh mà không phải trải qua công cụ sát hạch nào. Sắp tới, ngành y tế có phương án tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này được dư luận cho là đúng đắn nhưng cũng có ý kiến lo ngại có thể phát sinh tiêu cực.

Thay đổi theo xu hướng của thế giới

Theo Bộ Y tế, sắp tới, việc đào tạo nguồn nhân lực y tế sẽ theo hai hệ thống năng lực riêng biệt: hệ thống năng lực nghiên cứu và hệ thống năng lực khám chữa bệnh. Theo đó, không phải như lâu nay, cứ có học vị thạc sĩ trở lên là được khám chữa bệnh mà những người chọn hành nghề khám chữa bệnh đều phải qua đào tạo tăng cường và phải thi để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Những người muốn hành nghề khám chữa bệnh sẽ phải học thêm hai năm để được cấp bằng bác sĩ y khoa (giống hệ bác sĩ đa khoa đào tạo sáu năm hiện nay) và cũng chưa được hành nghề ngay mà phải có thêm một năm thực hành tại các bệnh viện. Sau khi kết thúc một năm thực hành, họ phải trải qua một kỳ thi quốc gia để được cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa.

Còn để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm về chuyên khoa, sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu thì phải tiếp tục học và thực hành tại các bệnh viện thêm ít nhất hai năm nữa và sẽ phải thi để được cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa.

Thi cử phải minh bạch, công khai

TS.BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc điều hành y khoa tập đoàn Hoa Lâm (Việt Nam), cho rằng việc quy định bác sĩ phải thi để được cấp chứng chỉ hành nghề là hướng đi đúng. Sinh viên y khoa học sáu năm vẫn chưa đủ, cần phải có chứng thực và hậu kiểm, nhưng việc triển khai thi cử cần đảm bảo công khai, minh bạch, hợp lý, tránh để việc thi – cấp chứng chỉ hành nghề mang tính chất của các giấy phép con như nhiều giấy phép con trên thực tế lâu nay, gây nhiều sự phiền hà cho các bác sĩ. Cũng theo BS. Long, việc thi cử cần phải phù hợp tùy từng hệ/ngành (nội khoa, ngoại khoa…), và vấn đề quan trọng là ai sẽ là người “chấm thi”, liệu có thiên vị hay không, có ưu ái người nhà hay con ông cháu cha không?… Việc tổ chức thi ở đâu, làm sao để tránh tối đa những sai sót cũng đều phải được xem xét thật kỹ lưỡng.

Thi cả lý thuyết và thực hành

Theo dự thảo quy định chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh được Bộ Y tế đưa ra trong thời gian tới, kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức theo các khu vực trên cả nước. Bộ Y tế sẽ chủ trì kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia về khám chữa bệnh.

Mục đích của việc thi chứng chỉ hành nghề nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, xác định chuẩn năng lực nghề nghiệp tối thiểu của cán bộ y tế khi tham gia hệ thống y tế.

Nội dung thi gồm thi kiến thức cơ sở, y tế công cộng, thực hành lâm sàng, trong đó, thực hành lâm sàng chiếm tỷ trọng cao nhất và các chuyên môn trước mắt sẽ là: nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa… và các chuyên khoa khác.

Về cấu trúc đề thi, phần thi lý thuyết sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính (sau này nếu có điều kiện sẽ tổ chức thi trực tuyến). Ở phần thực hành, có nhiều ý kiến đề xuất thi tại các trung tâm do Bộ Y tế giao. Cả nước phải có ít nhất 3-5 trung tâm đảm bảo điều kiện thi tương đối giống nhau. Các trường y không trực tiếp tổ chức thi mà chỉ được mời tham gia một phần nào đó.

Ở góc độ đào tạo, BS. Võ Xuân Sơn ở Trung tâm Y khoa EXSON, cho rằng Bộ Y tế không nên can thiệp, hoặc nếu có thì chỉ… rất ít! Các trường cần có sự tự do đào tạo theo giáo trình của họ. Hiện các trường đại học y vẫn đào tạo theo xu hướng của thế giới, Bộ Y tế chỉ nên quản lý chất lượng khám chữa bệnh ở bác sĩ.
BS. Sơn cũng cho rằng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ là việc làm đúng, nhưng cũng như BS. Long, ông e ngại về tính minh bạch, sẽ xảy ra nạn “chạy chọt” chứng chỉ.

Về phía quản lý nhà nước, Bộ Y tế đang có những nỗ lực chuẩn hóa bác sĩ. Một vấn đề cũng được đặt ra là các trường phải đào tạo như thế nào để nguồn nhân lực có thể đạt các quy chuẩn của bộ.

Hiện nay, Bộ Y tế đang “ôm” rất nhiều việc, trong đó, có ý kiến giống như trên đã đề cập, sự can thiệp của bộ vào vấn đề đào tạo chuyên môn là không hay, nếu giao cho các tổ chức ngành nghề như Hội Y sĩ đoàn làm nhiệm vụ này sẽ phù hợp hơn, tuy nhiên ở Việt Nam không có các hội này.

PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết lâu nay sinh viên y khoa ra trường thực tập 18 tháng là được khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực tập, có người làm rất tốt, có người làm không tốt, nhưng vì nguyên nhân này nguyên nhân khác đều được chứng nhận thực tập. Thậm chí có những sinh viên ra trường không thực tập nhưng cũng có chứng nhận thực tập.

Theo vị hiệu trưởng này, vừa qua, Bộ Y tế và lãnh đạo các trường đại học y đã thảo luận những bước đi cho lộ trình cụ thể. Trên thế giới, hầu hết các bác sĩ ra trường đều phải trải qua kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề. Sinh viên trường công hay trường tư đều phải qua chuẩn đánh giá mới được hành nghề dù đã có bằng đại học.

Việt Nam đang hội nhập quốc tế cũng phải theo xu hướng thế giới, chứng chỉ hành nghề phải được quốc tế công nhận để người có chứng chỉ không những hành nghề khám chữa bệnh trong nước mà có thể hành nghề ở nước ngoài.

Hiện nay, Bộ Y tế và các trường đang chuẩn hóa chương trình, không có khoảng cách giữa các trường ở thành phố lớn và trường ở các tỉnh. Ở các thành phố lớn, bác sĩ ra trường được thực hành nhiều, cơ sở vật chất tốt; các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến dưới thiếu máy móc, trang thiết bị lâm sàng. Do đó, bác sĩ cần được đánh giá về trình độ năng lực, tay nghề chuẩn qua việc thi trên máy tính ở phần lý thuyết và được liên thông lưu trữ lên trung tâm khảo thí của Bộ Y tế và trung tâm y tế vùng cũng có thể biết biết kết quả. Như vậy sẽ tốt và ít tiêu cực hơn việc cấp chứng chỉ hành nghề như hiện nay. 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —