Để du khách không chỉ mua… bánh mì rồi đi

[ad_1]

Để du khách không chỉ mua… bánh mì rồi đi

Đào Loan

Một gian hàng nhỏ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TPHCM – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội vừa có những tranh luận sôi nổi về dự thảo Luật Du lịch sửa đổi và những vấn đề của ngành du lịch như doanh thu từ du lịch còn thấp, du khách ít chi tiêu… Đây là câu chuyện dài nhưng không phải không có cách để thay đổi.

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Du lịch, chi tiêu bình quân một lượt khách có nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú là hơn 1.114 đô la Mỹ. Phần lớn chi phí này chỉ là để thuê khách sạn và ăn uống còn hai thành phần khác có thể gia tăng mức chi tiêu tốt nhất trong cơ cấu chi tiêu của du khách là mua sắm và vui chơi giải trí chiếm tỉ lệ thấp.

Cụ thể, có đến 33,14% tiền thuê phòng, chi ăn uống chiếm 23,74%, chi mua hàng hóa, đồ lưu niệm chiếm 18,34%, chi phí tham quan, hướng dẫn chiếm 4,08%, chi vui chơi giải trí chiếm 3,56%, chi khác chiếm 3,79%.

Khách ít tiêu tiền vào dịch vụ giải trí vì thiếu những sản phẩm du lịch mang tính giải trí, thiếu các tổ hợp giải trí lớn để vui chơi. Thêm vào đó, quy định buộc các điểm vui chơi, giải trí phải đóng cửa sau 12 giờ đêm cũng góp phần kéo chi tiêu cho giải trí đi xuống.

Nguồn thu từ mua sắm cũng ít bởi nhiều du khách chỉ mua những hàng nhỏ, rẻ tiền như hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, tranh ảnh… Nguyên nhân là do những sản phẩm là hàng hóa, quà lưu niệm dành cho khách du lịch còn ít, thiếu hấp dẫn, thiếu tính biểu tượng vùng miền, các loại hàng đặc sản có giá trị cũng ít. Chủng loại sản phẩm đã ít lại còn không tập trung mà bày bán rải rác khắp nơi nên du khách khó tìm, nhiều sản phẩm lại kém chất lượng, nhiều hàng nhái, kèm theo tình trạng nói thách giá… cũng khiến du khách nản, không muốn mua.

Để khắc phục tình trạng trên, một số doanh nghiệp cho rằng, nên áp dụng mô hình OTOP (one town on product – mỗi địa phương mỗi sản phẩm), thành lập chuỗi cửa hàng mua sắm tại địa phương. Những cửa hàng này quy tụ các đặc sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương để bán cho du khách. Nhà nước sẽ đóng vai trò bảo hộ chất lượng cho sản phẩm, hỗ trợ miễn, giảm thuế để đưa hàng giá tốt đến du khách cũng như để khách yên tâm về chất lượng. Việt Nam có gần 2.000 làng nghề cùng nhiều đặc sản trái cây, thủy sản, món ngon… nên có thể yên tâm về việc đa dạng sản phẩm. Nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan… đã áp dụng thành công mô hình này và Việt Nam cũng có thể làm được.

“Đây không chỉ là cách giúp du khách yên tâm mua sắm với hàng hóa được kiểm định của chính phủ mà còn kích cầu chi tiêu rất lớn đối với những sản phẩm sử dụng tài nguyên địa phương, mang đậm bản sắc bản địa”, ông Cao Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Travelmart nói về giải pháp tăng nguồn thu cho du lịch trong một hội nghị diễn ra gần đây tại TPHCM.

Cũng có nhận định tương tự, ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking cho rằng, ngay cả những thành phố lớn như TPHCM, du khách cũng không có nhiều lựa chọn để mua sắm. Khách nước ngoài, đặc biệt là du khách từ các nước châu Á như Malaysia, Indonesia… mua sắm rất nhiều. Mỗi chuyến đi thường mang về từ 30 – 40 kg hành lý nhưng doanh nghiệp rất vất vả để tìm nơi bán hàng có chất lượng, giá cả tốt và tiện lợi cho khách.

“Điểm mua sắm chính hiện nay là chợ Bến Thành nhưng chợ thì quá nóng, khách thì có ít thời gian mà gian hàng trong chợ lại chi chít nên khi tìm được gian hàng ưng ý thì đã gần hết giờ. Rồi nạn nói thách, hàng không rõ nguồn góc xuất xứ… khiến mua sắm không còn là việc thư giãn và khách cũng mua ít đi so với nhu cầu”, ông nói.

Doanh nhân này cho rằng, nhiều mặt hàng nông sản như cacao, cà phê… rất hấp dẫn khách nhưng doanh nghiệp khó tìm được cửa hàng có nguồn hàng chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Vì thế, có khi công ty phải mua sẵn, cho khách dùng thử, nếu thích thì đăng ký mua với giá cả rõ ràng, vừa phải.

Ông Hùng cũng đã từng có ý tưởng làm nên một cửa hàng có quy mô lớn, bày bán những sản phẩm mà khách du lịch có nhu cầu nhưng không thực hiện được do những khó khăn về mặt bằng và đặc biệt là việc tìm nguồn hàng phong phú, đảm bảo về chất lượng. “Đây là bài toán khó cho doanh nghiệp nhưng nếu có bàn tay của nhà nước thì sẽ khác. Nhà nước nên xem việc hỗ trợ tìm nguồn hàng tốt, ưu đãi thuế… để phát triển những cửa hàng như kiểu OTOP là việc cần làm nhằm xây dựng sản phẩm du lịch để kích thích du khách chi tiêu và kéo nhiều khách đến”, ông Hùng nói và cho rằng du lịch Thái Lan, khi đến các cửa hàng này, mua hàng hóa có đóng dấu OTOP là du khách có thể yên tâm về chất lượng vì đã có Chính phủ bảo đảm.

Theo báo Tuổi Trẻ, tại buổi thảo luận về dự án Luật Du lịch tại Quốc hội sáng 8-11, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, lượng du khách nước ngoài vào Việt Nam được coi là nhiều nhưng chỉ mới tính số lượng mà không chú ý đến chất lượng, có nhiều du khách chỉ tiêu 5-7 đô la Mỹ/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp…”.

Thực tế, hình ảnh du lịch không hoàn toàn u ám đến thế nhưng câu chuyện về “du khách đến chỉ mua bánh mì” đã nói lên phần nào của thực tế cũng như nhắc nhở ngành du lịch phải hành động ngay, sau nhiều năm bàn giải pháp.

Đọc thêm:

Chính phủ muốn Luật Du lịch tạo thuận lợi cho phát triển

2014: Khách quốc tế chi 8,39 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam

[ad_2]

— Đăng bởi HH —