Để giảm kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

[ad_1]

Để giảm kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Trần Văn Tường, Kỹ sư cầu đường

Kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: zing.vn

(TBKTSG) – Tôi là người thường xuyên qua lại và làm việc trên công trường xây dựng gần sân bay Tân Sơn Nhất nên có điều kiện quan sát tình hình giao thông khu vực này. Xin đề xuất giải pháp giảm kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, nhân đọc bài Đề xuất xây cầu vượt và hầm chui dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất trên TBKTSG ngày 11-5-2016.

Giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ùn tắc, nhất là tại các tuyến đường lân cận như Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện, Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng… Nguyên nhân chính được cho là do mật độ xe vào sân bay ngày càng tăng. Thiết nghĩ, ngoài nguyên nhân trên còn có nguyên nhân khác, đó là tầm nhìn quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị tại TPHCM.

Khu vực cửa ngõ sân bay đang bị bao vây bởi nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu dân cư trong khi lẽ ra nên hạn chế điều này. Xuất hiện nhà cao tầng và trung tâm thương mại sẽ làm tăng dân số trong khi hạ tầng giao thông vốn dĩ chưa đáp ứng là nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe.

Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất còn bị “bủa vây” bởi nhiều nút giao thông trên đường Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Trường Chinh, Âu Cơ, Tân Sơn, Tân Kỳ Tân Quý, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Văn Thụ… Trên đường Trường Sơn có nhiều đường ngang giao cắt dẫn vào khu dân cư đông đúc như Phan Đình Giót, Phạm Hồng Thái, Trà Khúc, Sông Đà, Sông Đáy, Đồng Nai, Tiền Giang, Cửu Long. Tại nút giao Hồng Hà và Bạch Đằng, nhiều phương tiện không vào sân bay vẫn lưu thông qua lại rẽ về hướng quận 12, Hóc Môn, Phú Nhuận, Gò Vấp…

Việc đẩy các nút giao giao thông áp sát sân bay, ban đầu có thể nghĩ rằng để kết nối giao thông nhưng vô tình đã làm cho khu vực này luôn trong tình trạng đông đúc, ùn tắc, kẹt xe trong khi nhiều phương tiện đi qua cũng không có nhu cầu vào sân bay.

Có ý kiến cần xây cầu vượt tại nút giao Trường Sơn, Nguyễn Thái Sơn. Tôi cho rằng việc xây cầu vượt chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết kẹt xe cục bộ, nhưng lại không làm giảm phương tiện lưu thông trên đường.

Về lâu dài cần thêm giải pháp căn cơ, đồng bộ trong quản lý đô thị.

Theo đó, nên ưu tiên hàng đầu cho các phương tiện giao thông ra – vào sân bay. Trước mắt có thể tổ chức giao thông phù hợp, phân luồng hạn chế phương tiện không có nhu cầu nhưng lại đi qua khu vực sân bay. Đường Trường Sơn cũng khá rộng, có thể dành riêng làn đường cho xe ra – vào sân bay, ưu tiên cho xe buýt và phương tiện vận tải hành khách công cộng. Hãng hàng không nên chia sẻ với ngành giao thông bằng cách sử dụng xe trung chuyển hành khách đi máy bay giống như một số nhà xe đã làm, đã cho thấy hiệu quả đáng kể.

Hạn chế giao cắt trên đường Trường Sơn bằng cách kết nối giao thông giữa các trục đường Trà Khúc, Sông Đà, Sông Đáy, Đồng Nai, Tiền Giang… Khi đã có lộ trình thay thế phù hợp, thuận lợi và an toàn, người dân ra – vào các khu dân cư không nhất thiết phải lưu thông trên đường Trường Sơn. Riêng đoạn Bạch Đằng và Hồng Hà đang được mở rộng và nâng cấp, khi hoàn thành có thể dành làn đường riêng để tổ chức giao thông một chiều vào và một chiều ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Căn cơ vẫn là hạn chế xây dựng khu dân cư và nhà cao tầng như chung cư, trung tâm thương mại… Trước khi quy hoạch hoặc cấp phép xây dựng, ưu tiên cho cơ sở hạ tầng giao thông đi trước, tính toán nhu cầu tương lai đi kèm với giải pháp phát triển bền vững đời sống người dân về đi lại, môi trường, phù hợp với tầm nhìn phát triển dân số và nhu cầu xã hội. Vậy nên có đầu mối điều phối đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan trong quy hoạch, xây dựng, giao thông.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —