Điều kiện kinh doanh chưa chắc có hiệu quả!

[ad_1]

Điều kiện kinh doanh chưa chắc có hiệu quả!

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Việc đưa phân bón thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện không làm cho năng lực kiểm soát nạn phân bón giả, kém chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước tốt hơn, nhưng nó lại đẩy hơn 645 cơ sở sản xuất phân bón vào tình trạng tồn tại ngoài vòng pháp luật. Ảnh minh họa visinhvietnam.com

(TBKTSG) – Cuộc tranh luận về quan điểm quản lý giữa một bên ủng hộ quản lý bằng điều kiện kinh doanh và một bên muốn Nhà nước kiểm soát bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo nguyên tắc hậu kiểm lại nóng lên. Có thể dễ dàng nhận ra phương thức quản lý bằng quy chuẩn được hầu hết chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp ủng hộ, nhưng đến nay cơ quan nhà nước vẫn thích quản lý doanh nghiệp bằng giấy phép con hơn.

Vấn đề đặt ra là quản lý bằng điều kiện kinh doanh gây rất nhiều rào cản cho doanh nghiệp, đồng thời nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực và nhũng nhiễu phát triển, nhưng hiệu quả quản lý lại rất mờ nhạt, thậm chí là vô tác dụng. Câu chuyện của ngành phân bón là một ví dụ điển hình.

Cuối tháng 11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 202 đưa sản xuất và kinh doanh phân bón trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Mục tiêu của nghị định này là nhằm giải quyết tình trạng sản xuất bát nháo, nạn phân bón giả và kém chất lượng hàng năm gây thiệt hại cho nông dân đến 2 tỉ đô la Mỹ. Bộ Công Thương – cơ quan soạn thảo nghị định – lúc ấy dự đoán có khoảng một nửa trong số hơn 500 cơ sở sản xuất phân bón sẽ phải đóng cửa vì không đáp ứng được các điều kiện.

Nhưng thực tế lại diễn ra khác hẳn. Số liệu của Cục Quản lý thị trường công bố tại một hội thảo ở Hà Nội vào trung tuần tháng 7 vừa qua cho thấy cả nước có tới 1.000 cơ sở sản xuất phân bón, nhiều gấp đôi so với trước khi ban hành Nghị định 202. Thế nhưng, theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số doanh nghiệp được cấp phép sản xuất chỉ có 355. Không những thế, nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng không giảm và mức thiệt hại nông dân phải gánh chịu hàng năm vẫn lên đến 2 tỉ đô la Mỹ.

Rõ ràng việc đưa phân bón thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện không làm cho năng lực kiểm soát nạn phân bón giả, kém chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước tốt hơn, nhưng nó lại đẩy hơn 645 cơ sở sản xuất phân bón vào tình trạng tồn tại ngoài vòng pháp luật, mặc dù không phải doanh nghiệp nào trong số này cũng làm ăn gian dối. Sự tồn tại của những cơ sở sản xuất không giấy phép này chắc chắn khó thoát khỏi tầm ngắm của các cán bộ quản lý ở địa phương. Nhưng vì sao họ vẫn sống được và cái giá họ phải trả để được tồn tại là gì?

Một điều đáng quan tâm nữa là không chỉ có cơ quan nhà nước, mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng ủng hộ mạnh mẽ và thậm chí tích cực thúc đẩy cho cách quản lý bằng giấy phép, bằng điều kiện kinh doanh này. Có thể nói, áp dụng điều kiện kinh doanh là chiêu thức cạnh tranh tốt nhất để các doanh nghiệp lớn loại bỏ những đối thủ cạnh tranh tuy nhỏ nhưng lại chiếm số đông. Nhưng đó sẽ là cách cạnh tranh gây thiệt hại cho nền kinh tế. Vì một khi doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp của cả nước, bị cản trở phát triển thì nền kinh tế chắc chắn sẽ khó khăn.

Chọn phương thức quản lý nào – bằng điều kiện kinh doanh hay theo quy chuẩn, theo phương thức hậu kiểm, đều phải xét trên lợi ích tổng thể của nền kinh tế. Nếu phương thức quản lý chỉ vì thuận lợi hoặc chỉ để phù hợp với năng lực quản lý còn yếu kém hay thuần túy vì lợi ích của doanh nghiệp lớn, thì đó sẽ là thảm họa. Nhà nước đang tích cực khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong dân thì không có lý gì lại đưa ra những điều kiện khắt khe để hạn chế số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —