Giám đốc VCCI Cần Thơ: “Nông nghiệp quan trọng, nhưng không phải số một”

[ad_1]

Giám đốc VCCI Cần Thơ: “Nông nghiệp quan trọng, nhưng không phải số một”

Trung Chánh

Ông Võ Hùng Dũng (đứng) đang trình bày tại hội thảo sáng nay, 28-10, ở Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – “Cơ cấu kinh tế theo mô hình công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hay nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…, là những mô hình đã lỗi thời. Đó là khái niệm tiếp cận theo lý thuyết đã rất cũ và bây giờ người ta không còn bàn đến nữa, mà bàn một kịch bản cho tương lai…”, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam bộ sau 30 năm đổi mới (1986-2015)” tổ chức tại Thành phố Cần Thơ hôm nay, 28-10, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia TPHCM, cho rằng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua nhanh nhưng không bền vững. Vì vậy, ông đề nghị quá trình tổng kết phát triển kinh tế-xã hội vùng này sau 30 năm đổi mới phải làm rõ vấn đề: nếu xác định nông nghiệp vẫn là trọng tâm, thì công nghiệp ngoài những lĩnh vực đang có, cần lưu ý công nghiệp phải phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.

Theo ông Thắng, muốn vậy phải giải quyết được câu chuyện giá trị, chất lượng sản phẩm xuất khẩu thông qua công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp như thế nào? Rồi dịch vụ phục vụ nông nghiệp ra sao?…

Tuy nhiên, trao đổi riêng với TBKTSG Online bên lề hội thảo, ông Võ Hùng Dũng cho rằng phải xem xét những quốc gia tương tự, đi trước Việt Nam phát triển ra sao như Thái lan, Malaysia hay thậm chí Bangladesh, Myanmar để thấy quy luật của họ nhằm tính chuyện Việt Nam phải theo mô hình nào trong 50 hay 100 năm tới.

Theo ông Dũng, từ những mô hình tính toán cho tương lai, tiến hành xây dựng những kịch bản, giải pháp phải làm và sẽ làm để hướng tới mục tiêu của mô hình, thậm chí trong quá trình phát triển, có thể có những biến số thì phải căn cứ vào đó để thay đổi cho phù hợp. “Chẳng hạn, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của ĐBSCL, nhưng nó sẽ đến từ từ, như vậy chúng ta phải có cách thích ứng như thế nào cho phù hợp”, ông nói.

Từ vấn đề nêu ra ở trên, theo ông Dũng, quan niệm về cơ cấu kinh tế kiểu như đi theo mô hình “công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ” hay “nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ” là những mô hình đã lỗi thời, đó là khái niệm tiếp cận theo lý thuyết đã rất cũ và bây giờ người ta không còn bàn đến nữa, mà bàn một kịch bản cho tương lai…”.

Theo ông Dũng, từ cách tiếp cận như vậy, thì với mỗi một kịch bản, sẽ cho ra một kết quả (và kết quả đó có thể là tốt trong ngắn hạn hoặc không tốt và có thể xấu trong trung hạn hay dài hạn….) để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất.

“Ví dụ, hiện nay với kịch bản sản xuất lúa gạo, trong dài hạn là kịch bản rất xấu, nhưng trong ngắn hạn chúng ta chưa từ bỏ được. Vậy chúng ta vẫn phải làm, nhưng chúng ta phải thấy nó xấu trong dài hạn để có sự chuyển đổi sang một kịch bản khác như công nghiệp hóa chẳng hạn”, ông dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, kịch bản công nghiệp hóa lại cho ra một kết quả xấu cũng không kém, nó có thể phát triển được trong trung hạn, nhưng về dài hạn là xấu vì gây ô nhiễm môi trường, gây mất đất nông nghiệp do tập trung quá nhiều vào bảo vệ vành đai công nghiệp. “Đất đai ở những khu vực tốt tập trung cho công nghiệp, kể cả đất ven sông, thì nó sẽ tạo động lực phát triển trong trung hạn, nhưng về dài hạn rất là xấu vì ô nhiễm môi trường”, ông cho biết.

Theo ông Dũng, có nhiều kịch bản có thể lựa chọn để phát triển và không có một kịch bản nào là hoàn hảo tuyệt đối. “Vấn đề là phải nhìn thấy tương lai phát triển của những kịch bản được vạch ra để lựa chọn một kịch bản thích hợp nhất, đó là cách tiếp cận mà tôi nghĩ là mới đối với vùng”, ông nói.

Tuy nhiên, có một sự thật diễn ra trên thực tế, đó là tư duy phát triển ở ĐBSCL còn quá nặng về nông nghiệp, “thậm chí khi có một ai nói nông nghiệp không phải là nền tảng cho phát triển, thì gần như lập tức ý kiến đó bị chỉ trích xa rời đến mức độ không ai dám mạnh dạn nêu ý kiến, đó là lối tư duy bảo thủ’, ông cho biết.

Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa nông nghiệp không quan trọng, nhưng giao cho nông nghiệp một gánh nặng quá lớn, quá sức là không cần thiết. “Nông nghiệp dù chỉ còn chiếm 5% hay 10% tỷ trọng GDP cả nước, nó vẫn quan trọng vì là truyền thống, là văn hóa của nông dân nông thôn hay dù chỉ còn 1% dân số làm nông nghiệp, cũng phải được bảo vệ. Nhưng, nó không làm cho mình giàu lên, thì chúng ta phải thay đổi”, ông nêu quan điểm.

ĐBSCL hoàn toàn có khả năng phát triển những ngành mới như năng lượng mặt trời, công nghệ sinh học, ngành công nghệ thông tin, thì tại sao không thay đổi? “Nông nghiệp quan trọng, nhưng không phải số một”, ông khẳng định.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —