Giới trẻ đâu chỉ quay cuồng với showbiz!

[ad_1]

Giới trẻ đâu chỉ quay cuồng với showbiz!

Nguyễn Vinh

GS Trịnh Xuân Thuận ký tặng sách cho độc giả tại Idécaf vào tối 12-7-2016. Ảnh: Lê Quang Nhật

(TBKTSG Online) – Tuần qua, tại thành phố Quy Nhơn đã diễn ra chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, quy tụ hàng trăm nhà khoa học trên toàn cầu. Những vấn đề về phát triển khoa học cơ bản toàn cầu và phạm vi Việt Nam đã được trao đổi trong các hội thảo chính thức và bên hành lang của cuộc gặp gỡ này.

Chương trình có sự góp mặt của nhiều nhân vật kiệt xuất, trong đó có những tên tuổi từng đoạt giải Nobel như Jerome Friedman (Nobel Vật Lý 1990), Kurt Wüthrich (Nobel Hóa Học, 2002), David Jonathan Gross  (Nobel Vật lý 2004), Finn Erling Kydland (Nobel Kinh tế 2004), Jean Jouzel (Nobel Hòa Bình năm 2007), Takaaki Kajita (Nobel Vật Lý 2015)…

Giới truyền thông trong nước cũng quan tâm đến sự kiện trên, đưa tin về các nhân vật khổng lồ trong khoa học cơ bản có mặt, tuy chưa phải ở mức độ đặc biệt như việc một chính khách tên tuổi hay một ngôi sao điện ảnh Hollywood sang Việt Nam.

Đáng chú ý, nhân sự kiện thời sự, một số vấn đề thực tế được truyền thông xới lên như: làm sao để có chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản trong nước, nhà nghiên cứu khoa học cơ bản đang sống sao trong điều kiện xã hội Việt Nam, làm sao để nuôi dưỡng đam mê của người trẻ đối với khoa học cơ bản… Toàn những câu hỏi buộc chúng ta phải nhìn nhận lại một thực tế khá phũ phàng. Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại một cuộc hội thảo trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ này, thì: “Khoa học cơ bản là nền móng, là động cơ tăng cường năng lực quốc gia. Nó cần được đầu tư thích đáng trong khả năng có thể” (Theo báo Lao Động).

Hẳn sẽ có nhiều vấn đề tế nhị được khuấy lên rồi bỏ ngỏ.

Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, nếu xét trên bề mặt truyền thông và các hiện tượng đời sống văn hóa đại chúng, có thể thấy người trẻ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị thời thượng, thực dụng, giải trí. Thế giới showbiz dĩ nhiên là sẽ có sức hút đại chúng cao hơn nhiều đối với những sự kiện khoa học, lại là khoa học cơ bản. Nhưng cũng chưa đến mức phải đi đến một quy kết tuyệt vọng rằng họ quay lưng với những vấn đề “trừu tượng” như khoa học cơ bản.

Bằng chứng là, sau cuộc gặp gỡ nói trên, GS Trịnh Xuân Thuận – nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt đã có nhiều công trình được giới thiệu trong nước trong vòng 20 năm qua – đã có một “tour” gặp gỡ độc giả Hà Nội và Sài Gòn. Điều đáng ngạc nhiên, nếu như ai đã từng đến dự các cuộc gặp gỡ với Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, sẽ chứng kiến cảnh người trẻ đến tham dự rất đông, dành sự ngưỡng mộ rất đặc biệt với vị giáo sư uyên bác, khả kính mà họ từng được gặp qua những trang sách cung cấp tri thức vật lý đầy bay bổng.

Trong buổi nói chuyện của GS Thuận tại Idécaf vào tối 12-7 vừa rồi, thậm chí, rất nhiều người trẻ đã buồn bã ra về vì rạp hơn 500 ghế đã kín chỗ. Cảnh nhiều bạn trẻ đến với cuộc giao lưu trên tay ôm một chồng sách của GS Trịnh Xuân Thuận, xếp hàng dài để chờ xin một chữ ký của tác giả mình yêu thích là một hình ảnh đẹp của sự hấp dẫn tri thức khoa học. Nhiều câu hỏi hóc búa, thẳng thắn về hành trình theo đuổi đam mê, ưu tư về bệ phóng giáo dục, băn khoăn trước chọn lựa con đường khoa học… đã được đặt ra. Người hỏi và người được hỏi được sẻ chia, cộng hưởng, cùng nhau sống trong một không gian của khích lệ, niềm tin về những cuộc phiêu lưu tri thức đầy kỳ thú.

Đến đây, sẽ có lý do để chúng ta hiểu ra rằng, giới trẻ đâu chỉ có những người nằm la liệt ở sân bay để chờ một thần tượng ca nhạc đáp xuống rồi vồ vập xin chữ ký, hôn lên ghế ngồi của các ngôi sao nhạc nhẹ để thỏa niềm ngưỡng mộ; giới trẻ cũng đâu chỉ có những người đọc ngôn tình đến độ báo chí phải “quan ngại” lên tiếng ròng rã về văn hóa đọc. Mà còn rất nhiều cuộc hành trình thầm lặng có thể ta chưa thể biết hết.

Trong những không gian tri thức chuyên ngành, ta vẫn thấy họ, những người trẻ đầy suy tư, băn khoăn về các giá trị sống, sự thao thức khi chọn lựa theo đuổi những con đường hẹp đi vào khoa học, học thuật, những điều mà họ biết, trong xã hội hôm nay, không chắc mang lại tiền bạc, sự giàu có vật chất cho con người, nhưng đem lại sự tươi mới cho cuộc đời và thế giới.

Đầu tư ở quy mô quốc gia là câu chuyện lớn, cần đến chính sách và sự nỗ lực của cả học giới, nhưng mở ra những không gian trao đổi kết nối để người trẻ được tìm thấy, chia sẻ, xác tín và hỗ trợ trong những chọn lựa của mình là điều cụ thể, cần được làm nhiều hơn.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —