Giọt nước mắt của người bị bỏ quên

[ad_1]

Giọt nước mắt của người bị bỏ quên

Bảo Uyên

(TBKTSG Online) – “Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền được mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình thì còn nỗi buồn nào hơn?”, ông Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường TH Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng, đã bật khóc khi nói về việc ngưng dạy thêm trong nhà trường, tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội – HĐND TPHCM về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn Quận 3 chiều qua (23-8).

Ông Nguyễn Văn Lợi nói về quy định cấm dạy thêm trong trường. Ảnh: PL TP HCM

Thông tin về “những giọt nước mắt” của ông Lợi đã xuất hiện trên nhiều trang báo hôm nay. Đó không phải là lần đầu tôi nghe một chuyện buồn kể từ khi “lệnh” cấm dạy thêm, học thêm được thực hiện.

Một người bạn làm giáo viên của tôi năm nay đã có một mùa hè thật rảnh rỗi vì không phải lao đầu vào dạy thêm ở trường, ở nhà. Có điều như bạn tôi kể, “nghỉ khỏe thật nhưng không thảnh thơi”. Bạn tôi còn phải lo nuôi một đứa em đang học đại học. Với đồng lương 3-4 triệu/tháng nếu không dạy thêm, chi tiêu cho bản thân thôi đã khó rồi.

Câu chuyện dạy thêm-học thêm không mới, nó tồn tại nhiều năm nay và nhiều người xem đó là khối u của giáo dục nước nhà. Những lệnh cấm đoán và cách hành xử của những người quản lý giáo dục đã không ít lần làm tổn thương uy tín, hình ảnh người thầy.

Tôi còn nhớ, hè năm tôi vào lớp 2 (năm 1998), Sở GD&ĐT ở tỉnh tôi đã ra lệnh cấm dạy thêm, dạy hè. Năm đó, tôi và mấy bạn cùng xóm học hè trong một căn phòng kín mít ở nhà cô giáo. Chúng tôi không được ra chơi vì cô sợ bọn học trò ồn làm người ngoài chú ý. Những đứa học trò đi học một cách tự nguyện, cô giáo dạy theo nhu cầu của phụ huynh học sinh. Thế nhưng cả trò cả cô phải “hoạt động bí mật” chẳng khác nào đang làm một việc gì xấu xa, trái với pháp luật.

Năm 2012, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, nhiều địa phương đã chấp hành bằng cách cấm tuyệt đối tất cả hình thức dạy thêm học thêm. Nhiều giáo viên bị “bắt quả tang” khi đang dạy, bị lập biên bản ngay trong buổi học bởi các đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhà trường, phòng GD-ĐT, và cả đại diện chính quyền, công an. Người thầy phải ký vào biên bản sai phạm trước mặt học trò.

Có gì đó trái với những lời ngợi ca nghề giáo được truyền tụng xưa nay. Xã hội tự có chuẩn mực cho rằng nghề giáo là nghề cao quý, nhưng sự cao quý đó không giúp cho giáo viên thoát khỏi cảnh chật vật trong thời buổi này. Xét cho cùng, dạy thêm là một sự chia sẻ kiến thức, là một cách kiếm tiền bằng chính sức lao động, bằng chính năng lực của giáo viên và đó cũng là cách người thầy sống được với nghề. Nếu lương giáo viên mà sống được, có thầy cô nào muốn chịu cảnh tủi nhục bị lập biên bản trước mặt học trò? Có thầy cô nào muốn truyền kiến thức cho trò một cách lén lút, khổ sở như thế?

Nhìn lại nguyên nhân cấm học thêm của chính quyền thành phố, đó là vì muốn có một nền giáo dục hiện đại, hội nhập, muốn gỡ bỏ áp lực, giảm tải cho học sinh… Nhưng chuyện giảm tải cần được thay đổi tận gốc, từ chương trình giáo dục, từ hệ thống thi cử, … cho đến tư duy về đánh giá kết quả, tư duy về thành tích, chứ đâu thể áp đặt chỉ bằng một chỉ lệnh đơn giản “cấm dạy thêm”. Lời giải bài toán đó khó hơn rất nhiều việc nhanh chóng ra một chỉ lệnh. Nó đòi hỏi phải có sự cân nhắc các tác động đến toàn bộ các đối tượng trong hệ thống giáo dục: học sinh, giáo viên, phụ huynh…, tuyệt đối không thể chỉ đơn giản là “không quản lý được thì cấm”.

Phải thừa nhận một điều rất rõ ràng trong thực tế là không phải học sinh nào cũng có khả năng tự học tốt và nhu cầu học thêm là có thật. Với chương trình học hiện tại, muốn thi đỗ vào các trường top, kiến thức trên lớp không đủ, học sinh cần học rất nhiều ngoài chương trình sách giáo khoa, phụ huynh bắt buộc phải cho con em học thêm hay thậm chí là mong muốn được thầy cô dạy thêm cho con. Việc cấm dạy thêm chỉ đơn giản là làm cho con đường đến với kiến thức của những học sinh đó dài hơn.

Trong câu chuyện được chia sẻ, thầy Lợi cho biết bởi tất cả học sinh tiểu học đều tan trường lúc 4 giờ hoặc 4 giờ 15 phút nhưng hầu hết phụ huynh đều chưa thể đến đón con được nên trường phải mở các chương trình ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Những em nào không muốn ra ngoài tham gia các hoạt động thể thao, năng khiếu, có thể tham gia các lớp ôn tập bài. Quyết định cấm dạy thêm đã tước đi một cơ hội đón con thuận tiện của rất nhiều phụ huynh, hơn hết là tước đi một chỗ ngồi an toàn cho các bé khi bố mẹ chưa đến đón kịp giờ.

Tất nhiên có người sẽ lo ngại, liệu việc dạy thêm-học thêm có xấu không khi một em học sinh đi học thêm vì lí do không muốn bị “đì”, không muốn bị trù dập? Có xấu không khi một số giáo viên trục lợi từ việc dạy thêm, lạm dụng quyền lực và dùng áp lực điểm số để khiến học sinh phải đi học thêm? Có bất công không khi học sinh học thêm được giáo viên ưu ái hơn, nới tay hơn với các bài kiểm tra so với những học sinh không đi học thêm?
Nhưng nếu điều đó xảy ra, vẫn không thể đổ hết trách nhiệm cho việc dạy thêm, mà đó chính là sự thỏa hiệp của phụ huynh với cái xấu, là sự thiếu bản lĩnh của học sinh hay đúng hơn là lỗi của nhà trường và gia đình đã không dạy cho các em biết lên tiếng trước những điều bất bình thường.

Ngày hôm qua, thầy Lợi đã khóc cho tâm tư của những người thầy không sống được bằng nghề. Biết bao giáo viên khác vốn chỉ trông vào nguồn thu nhập từ dạy thêm nay sẽ phải đối mặt với nỗi lo cơm áo? Và bao nhiêu giáo viên nữa sẽ khóc vì bị đối xử bất công bởi một chỉ lệnh được cho là bảo vệ cho học sinh, cải cách giáo dục nước nhà nhưng thực chất lại là sự phán xét quá vội vàng mà trong đó họ là người bị bỏ quên?

[ad_2]

— Đăng bởi HH —