Học tiếng Hoa để làm gì?

[ad_1]

Học tiếng Hoa để làm gì?

Lê Hữu Huy (*)

Quyển từ điển để học tiếng Hoa đầu tiên của tác giả (trái) và quyển sách nói về kinh nghiệm học tiếng Hoa của Lý Quang Diệu.

(TBKTSG) – Còn nhớ những ngày đầu chân ướt chân ráo đặt chân lên đảo Sư tử, ý tưởng học tiếng Hoa manh nha trong đầu tôi rồi được biến thành hành động cụ thể. Nhưng tiếng Hoa không phải là một thứ tiếng dễ “nuốt”. Hành trình “khởi đầu nan” khiến tôi lắm lúc định bỏ cuộc vì càng học càng thấy vất vả. May mắn là tôi được những người bạn già gốc Hoa hướng dẫn cách phát âm, chọn mua những quyển sách tự học phù hợp và luôn cố gắng duy trì tinh thần ôn luyện không ngơi nghỉ. Điều trớ trêu là ở đảo quốc có đại đa số là người gốc Hoa nhưng môi trường làm việc của tôi chủ yếu là tiếng Anh nên cơ hội nói tiếng Hoa của tôi không nhiều. Nhưng với hành trình học tập khá gian nan, nay tôi đã có thể bút đàm hiệu quả với khách hàng ở Bắc Kinh hay các tỉnh thành khác của Trung Quốc, hoặc Hồng Kông hay Đài Loan.

Giờ đây, nếu muốn, người Việt có thể học tiếng Hoa rất nhanh nhờ sự ra đời của các phần mềm hay ứng dụng tự học tiếng Hoa và thế giới học tập rộng mở qua các mạng xã hội. Sau khi đã nắm bắt các kiến thức căn bản về chữ viết và phát âm, người học có thể đọc được tiếng Hoa trên mạng hay điện thoại bằng cách sử dụng tự điển miễn phí. Không rõ có cách nào hiệu quả hơn không, hiện tại thì tôi dùng trang web mbdg.net để dịch sang tiếng Anh rồi đọc bằng phiên âm Hán ngữ, để có câu từ Hán Việt thì tôi vào trang hanviet.org. Ở đảo quốc này, dù muốn dù không, người Singapore vẫn xem tiếng Anh là quan trọng hơn. Nhiều bậc phụ huynh chỉ nói tiếng Anh với con cái, còn tiếng Hoa chỉ quanh quẩn ở những câu nói thông thường như “Ăn cơm chưa?”, “Đi đâu vậy?”. Mà đâu chỉ có tiếng Hoa phổ thông (Quan Thoại), người Singapore còn chêm cả các phương ngữ khác như tiếng Phúc Kiến, tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu, nói ngắn gọn đó là Singlish.

Lúc sinh thời, Lý Quang Diệu đã có nhận định về xu hướng và tương lai của tiếng Hoa tại Singapore và trên toàn thế giới: “Chung quy lại thì tất cả cũng là giá trị kinh tế. Những ai đang làm ăn với Trung Quốc hay có đối tác là người Trung Quốc sẽ phải nâng cao kỹ năng tiếng Hoa. Nhưng nhiều người khác chỉ sử dụng tiếng Hoa để mua bán. Bạn cần học tiếng Hoa đủ để giao dịch kinh doanh với người Hoa ở Trung Quốc bởi vì Trung Quốc sẽ là một cường quốc kinh tế. Không chỉ Singapore, cả thế giới sẽ học tiếng Hoa. Những ai muốn làm ăn ở Trung Quốc phải biết nhiều tiếng Hoa, và không chỉ biết ngôn ngữ mà còn phải hiểu văn hóa, chính trị và bối cảnh của đất nước này”. Ông Lý cho rằng 5% dân số và những người lãnh đạo Singapore ở các bộ ngành chủ chốt như công thương, ngoại giao, quốc phòng và nội vụ phải giỏi tiếng Hoa và hiểu tường tận cả các vấn đề gốc rễ văn hóa của Trung Quốc.

Trái với sự lầm tưởng của nhiều người, mặc dù là người gốc Hoa nhưng Lý Quang Diệu chỉ mới học tiếng Quan thoại từ năm 32 tuổi, tiếng Phúc Kiến lúc 38 tuổi. Năm 1951, một năm sau khi học xong ở Anh Quốc và về lại Singapore, ông buộc phải học tiếng Hoa để phát biểu tranh cử. Nỗ lực học tập đã giúp ông thu phục cảm tình của người dân dành cho Đảng Hành động Nhân dân (PAP). Ông cho biết một trong những người thầy lúc đó của ông là một đồng chí có xu hướng khuynh tả. Người này đã dùng quyển sách Nhân sinh quan để dạy ông những câu chữ tiếng Hoa về triết học Mác mà người cộng sản hay sử dụng.

Ông Lý tin rằng Chính phủ Singapore đã đúng khi quyết định áp dụng chính sách dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong hành chính và giáo dục. Nếu không, trong bối cảnh đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo, Singapore sẽ bị chia rẽ, xảy ra xung đột, va chạm và thậm chí sụp đổ. Tuy nhiên, người Singapore vẫn phải tiếp tục trân trọng và gìn giữ tiếng Hoa, không chỉ vì lý do kinh tế mà còn bởi nguyên nhân sâu xa là bản sắc dân tộc, cảm nhận cá nhân và niềm tự hào về một nền văn hóa lâu đời.

Giờ đây nhiều người học tiếng Hoa vì mục đích kinh tế và thương mại nhưng với ông Lý, động lực học tiếng Hoa là sự tự hào về bản thân, cảm nhận về bản sắc và ý thức thuộc về một nền văn hóa lớn, nơi ông đã từ đó mà ra.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

[ad_2]

— Đăng bởi HH —