Không bao giờ được đánh đổi môi trường

[ad_1]

Không bao giờ được đánh đổi môi trường

Nguyễn Vũ

Một làng nuôi cá bè ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

(TBKTSG) – Năm 2016 rồi sẽ được xem là năm có sự chuyển biến bước ngoặt trong nhận thức về môi trường và phát triển kinh tế. Đã từ lâu cả nước và sau này từng địa phương tự đặt cho mình nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài, càng nhiều càng tốt. Yếu tố môi trường bị xem nhẹ miễn sao dự án tạo ra được nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Các địa phương đua nhau để chào mời nhà đầu tư bằng nhiều loại ưu đãi bởi họ trông cậy vào các dự án này sẽ đẩy GDP địa phương tăng lên nhanh chóng. Mà GDP địa phương được xem như một trong những tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo địa phương. Thậm chí ít ai chú ý khả năng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương còn các báo cáo đánh giá tác động môi trường thường được dễ dàng thông qua.

Vụ cá chết ở các tỉnh duyên hải miền Trung như hồi chuông cảnh tỉnh, bắt người làm chính sách phải nhìn lại các cơ chế kiểm soát, sao cho các địa phương không thể xé rào cấp phép tràn lan mà cái ưu đãi cao nhất đem ra chào mời, dù không nói ra, chính là sự dễ dãi về môi trường.

Thử hỏi có mức tăng GDP nào, khoản thu ngân sách nào bù đắp cho được thiệt hại của cả triệu con người sống nhờ vào nguồn thủy sản ven bờ. Rồi ngân sách nào chịu nổi gánh nặng y tế sau này khi hậu quả ô nhiễm môi trường bắt đầu phát tác.

Chuyện người Anh bỏ phiếu để ra khỏi EU, tưởng đâu không liên quan nhưng chính là một lời tuyên bố không chấp nhận “phân công” toàn cầu hóa mà phần thiệt hại luôn ở về phía người nghèo, người ở đáy xã hội. Người dân ở các nước phát triển có thể lo ngại vì bị mất việc làm, e dè người nhập cư vào chiếm công việc của họ. Còn người dân ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam thì sao?

Không lẽ toàn cầu hóa đồng nghĩa với việc cứ di dời mọi nhà máy có tiềm năng gây ô nhiễm sang các nước cần vốn và sự dịch chuyển này cứ lan dần, hết nước này đến nước khác, theo cấp độ chịu đựng của chính quyền và người dân của nước đó. Vì sao phải ép chúng ta nhận các dự án cực kỳ ô nhiễm như sản xuất thép, dệt nhuộm rồi sản xuất giấy? Không lẽ chúng ta đổi cuộc sống tương đối thanh bình của ngư dân và nông dân sống nhờ biển, nhờ sông để lấy các nhà máy ngày đêm xả khói đen ngòm, tuôn chảy nước thải ra sông ra biển? Cái lợi ích của các nhà máy này trước hết rơi vào túi của nhà đầu tư một phần lớn, rồi vào quan tham, vào đủ loại chi phí – người dân gánh chịu tác động ô nhiễm đã không được lợi gì mà còn phải di dời ra khỏi mảnh đất của mình, con cái họ phơi nhiễm đủ loại độc chất. Có thể họ sẽ được nhận vào làm ở các nhà máy này với đồng lương chỉ bằng một phần rất nhỏ của đồng nghiệp ở các nước phát triển có nhà máy bị di dời – cả hai chịu thua thiệt cho cái gọi là “toàn cầu hóa” không bình đẳng.

Sự chuyển biến trong nhận thức về môi trường, về ý nghĩa thật sự của phát triển kinh tế đang là luồng suy nghĩ chủ đạo ở nhiều nước. Hy vọng những nhà làm chính sách ở Việt Nam ý thức đầy đủ xu hướng này, để luôn lấy lợi ích của người dân làm trọng, không vì sức ép GDP hay các mỹ từ “toàn cầu hóa”, “hội nhập” bị hiểu sai.

>>>Đừng để xảy ra một thảm họa môi trường ở Tây Nam bộ

[ad_2]

— Đăng bởi HH —