Làn sóng ngược: nhập khẩu thuyền viên

[ad_1]

Làn sóng ngược: nhập khẩu thuyền viên

La Quang Trí, Giám đốc Công ty CP ShipOffer

Chưa coi trọng nghề đi biển, làm việc chưa nghiêm túc là lý do khiến thuyền viên Việt Nam không thể cạnh tranh với thuyền viên đến từ các nước khác. Ảnh: TL

(TBKTSG) – Trong khi thuyền viên Việt Nam vẫn còn đang bị trả lương thấp, bị nợ lương cả trong nước và ngoài nước phải kêu cứu khắp nơi thì thời gian gần đây, có một xu hướng mới, ngược với suy nghĩ của nhiều người, đó là có rất nhiều đơn xin việc của thuyền viên đến từ các nước Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Indonesia, Philippines gửi đến các chủ tàu, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển ở Việt Nam.

Họ thậm chí đề nghị mức lương chỉ khoảng 200 đô la Mỹ, bằng với các sinh viên mới ra trường ở Việt Nam đi làm việc cho các tàu chạy nội địa. Chưa kể, họ còn đề nghị trả ngược lại cho doanh nghiệp tuyển dụng 1.000-1.500 đô la Mỹ phí đào tạo.

Tìm hiểu kỹ mới biết lý do có những đợt sóng ngược như vậy là vì các quốc gia này đang phát triển đội ngũ thuyền viên đánh thuê cho các tàu nước ngoài. Trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp chủ tàu ở các nước này có hạn, không thể tuyển dụng tất cả những học viên mới ra trường, họ nghĩ đến chuyện xuất khẩu những thực tập sinh với mục đích được xuống tàu làm việc, học hỏi kinh nghiệm để rồi sau đó đàng hoàng ghi kinh nghiệm vào đơn xin việc nhằm xin vào làm cho các hãng tàu lớn ở Nhật Bản, châu Âu với mức lương hàng ngàn đô la Mỹ.

Đã có nhiều doanh nghiệp chủ tàu Việt Nam thuê nhiều thuyền viên đến từ Myanmar, Ấn Độ làm việc. Tiếng Anh của họ rất tốt, do đó có thể giúp chủ tàu tiết kiệm những chi phí phát sinh do trình độ thuyền viên còn yếu kém. Họ cũng là những người có kỹ năng và kỷ luật tốt. Thái độ làm việc cũng hơn hẳn một số thuyền viên Việt Nam.

Việc chưa coi trọng nghề đi biển, làm việc trên tàu chưa thật sự nghiêm túc là một thực tế của thuyền viên Việt Nam. Đây cũng chính là lý do thuyền viên Việt Nam không thể cạnh tranh với thuyền viên đến từ các nước khác.

Nhiều người đặt câu hỏi: ngay cả thuyền viên Việt Nam, đi trên các tàu Việt Nam, khi chủ tàu nợ lương, quỵt lương còn không thể đòi được thì sao thuyền viên nước ngoài dám xin vào làm việc? Nếu thuyền viên nước ngoài là thành viên ITF (Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế), các chủ tàu không thể nợ lương, quỵt lương như họ có thể làm với thuyền viên Việt Nam. Bởi khi đó, ITF sẽ can thiệp và chuyện giữ tàu tại bất kỳ cảng nào chỉ để đòi lương cho thuyền viên là điều có thể xảy ra. Cho nên, chủ tàu thường không dám để nợ lương của những thuyền viên này.

Thực trạng thuyền viên nước ngoài đang giành lấy công việc trên chính các tàu Việt Nam cũng đang nói lên sự yếu kém của công tác đào tạo tại các trường hàng hải, cả đại học, cao đẳng và trung cấp nghề tại Việt Nam. Các chương trình học không thực tế, có quá nhiều môn học không liên quan làm mất nhiều thời gian học nghề của sinh viên. Trong khi những thuyền viên các nước sau năm đầu là có thể bắt đầu chương trình thực tập thực tế trên tàu, và việc họ chấp nhận mức lương thấp, thậm chí trả lại tiền đào tạo cho các bên tuyển dụng là việc rất bình thường, thì các trường ở Việt Nam lại không thể hoặc không muốn tham gia liên kết với các doanh nghiệp để việc đào tạo của họ thực chất hơn. Nhiều sinh viên ra trường với tấm bằng mới toanh, chưa được bước chân xuống tàu để biết được thực tế con tàu như thế nào thì chuyện thua ngay trên chính sân nhà của mình là điều dễ hiểu.

Một vấn đề nữa cũng phải nhìn nhận là việc liên kết, hợp tác cùng làm việc của các thuyền viên Việt Nam trên tàu cực kỳ kém, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Việc tìm hiểu kiến thức và học hỏi giữa những thuyền viên Việt với nhau cũng là điều khó khăn.

Sự yếu kém của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, khi chưa có những hành lang pháp lý để bảo vệ đội ngũ thuyền viên Việt Nam hiệu quả, đã dẫn đến hệ quả là chuyện nợ lương, quỵt lương cứ xảy ra. Việc Việt Nam chưa tham gia tổ chức bảo vệ thuyền viên như IFT hoặc chưa chú trọng việc bảo vệ thuyền viên như thỏa thuận trong Công ước Lao động hàng hải 2006 (Marine Labor Convention – MLC) cũng làm cho thuyền viên không được bảo vệ thực chất, dẫn đến chuyện thuyền viên Việt luôn bị thiệt thòi cả trong và ngoài nước.

Làn sóng ngược- nhập khẩu thuyền viên – sẽ làm cho đội ngũ thuyền viên Việt dần ít lại. Như một vòng xoáy, nếu sinh viên các trường hàng hải không tìm được việc làm thì các trường này sẽ không có nhiều người theo học. Khi đã thực sự thiếu nhân lực trong nước cho đội tàu thì chủ tàu sẽ phụ thuộc vào thuyền viên của nước ngoài, khi đó họ sẽ yêu cầu lương cao, mặt bằng lương sẽ được nâng lên ngang tầm với quốc tế.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —