Lấy sản xuất ổn định làm “gốc” cho thu ngân sách bền vững

[ad_1]

Lấy sản xuất ổn định làm “gốc” cho thu ngân sách bền vững

Văn Nam

Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC phát biểu tại hội nghị Thành ủy sáng nay – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Onine) – “Năm 2017 thành phố được trung ương giao thu ngân sách 347.882 tỉ đồng (tăng 16,6% so với năm 2016), trong đó chỉ tiêu thu nội địa tăng 27,5% so với năm 2016 và đây là mức tăng kỷ lục. Thu nội địa trước hết từ sản xuất nên phải thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, có chính sách, cơ chế hỗ trợ đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, thành lập mới doanh nghiệp”.

Trên đây là một số nội dung được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu trong phần thảo luận tại Hội nghị Thành ủy TPHCM diễn ra sáng nay (1-12).

Ông Phong nhận định thành phố sẽ đối mặt với 3 tác động lớn đến nguồn thu ngân sách trong năm tới gồm: việc thực hiện theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do với một số loại thuế giảm kéo theo nguồn thu giảm; tỷ lệ ngân sách trung ương để lại cho thành phố chỉ còn 18% dẫn đến nguồn vốn ngân sách dùng để đối ứng thu hút vốn xã hội sẽ khó khăn; những cản trở, các điểm nghẽn trong thủ tục hành chính cũng tác động rất lớn đến thu hút đầu tư.

Dù vậy, ông Phong cũng đưa ra ba nguyên tắc được thành phố xác định về chi ngân sách trong điều kiện khó khăn của thành phố năm tới, đó là: dù khó khăn cỡ nào thành phố cũng phải đảm bảo vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, xã hội; trong lĩnh vực kinh tế, hạ tầng sẽ ưu tiên vốn cho 7 chương trình đột phá, các dự án trọng điểm, dành lại một phần làm vốn mồi, vốn đối ứng; chủ động đa dạng hóa các phương thức kêu gọi đầu tư.

Một số chỉ tiêu kinh tế của thành phố trong năm 2017 được thông qua tại hội nghị Thành ủy sáng nay gồm: tốc độ tăng trưởng GDP từ 8,4-8,7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 36% GDP; thành lập mới 50.000 doanh nghiệp; thu ngân sách đạt 100% dự toán…

Theo thông tin từ ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư phát triển của thành phố năm 2016 là 310.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách chiếm 8%, vốn của doanh nghiệp nhà nước chiếm 11%, vốn FDI chiếm 17%, vốn còn lại là vốn doanh nghiệp và vốn trong dân.

Với chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2017 chiếm 35% GDP, cần sự phấn đấu rất quyết liệt mới đạt con số đầu tư toàn xã hội xấp xỉ 400.000 tỉ đồng bởi đây là mức tăng gấp 3 lần so với mức tăng bình quân các năm trước.

Với việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giảm xuống còn 18% tương ứng với số tiền giảm khoảng 10.000 tỉ đồng, để xoay sở trong điều kiện ngân sách khó khăn này, toàn bộ phần chi ngân sách trình HĐND thành phố thông qua tập trung bố trí cho những công trình liên quan đến vốn ODA, vốn mồi huy động dự án qua hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP), công trình chuyển tiếp, dành cho văn hóa xã hội, giáo dục…

Góp ý cho giải pháp huy động vốn cho đầu tư phát triển của thành phố năm tới, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển xã hội của thành phố giai đoạn 2016-2020 khoảng 1.829.385 tỉ đồng. Trong đó vốn thực hiện 7 chương trình đột phá ước khoảng 364.000 tỉ đồng và dự kiến ngân sách chỉ phân bổ được gần 135.000 tỉ đồng, còn lại cần phải huy động từ các nguồn lực xã hội.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, đại diện HFIC cho rằng thành phố có 5 nguồn lực chính vẫn còn dư địa lớn có thể huy động gồm: ngân sách, từ quỹ nhà đất, từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn vay trong ngoài nước, nguồn lực trong xã hội.

Về ngân sách, ông Quốc đề xuất sớm tháo gỡ nút thắt cơ chế phân cấp trung ương đối với địa phương, phân cấp mạnh sẽ có quyết sách lớn để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cấp bách của thành phố, hoặc phân cấp cho thành phố có quyền tính toán những khoản thuế, phí phù hợp.

Thành phố vẫn còn quỹ nhà đất để tạo vốn, thu hút nguồn lực bằng cách tạo nguồn quỹ nhà, quỹ đất sạch bằng việc giải phóng mặt bằng, đấu giá quỹ đất sạch. Ngoài ra, còn có thể thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn vay trong và ngoài nước.

“Tôi kiến nghị chính quyền tạo điều kiện để hình thành các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng của dân chứ hiện giờ cái gì cũng dùng nguồn lực nhà nước. Chẳng hạn như tạo điều kiện để hình thành các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ mua bán sáp nhập doanh nghiệp, quỹ phát triển hạ tầng được dân bỏ tiền ra làm”, ông Quốc đề xuất.

Xem thêm:

>> TPHCM: Tăng huy động vốn xã hội để giám áp lực ngân sách

[ad_2]

— Đăng bởi HH —