Ngân hàng bối rối với bảo lãnh thuế xuất, nhập khẩu

[ad_1]

Ngân hàng bối rối với bảo lãnh thuế xuất, nhập khẩu

TS. Bùi Đức Giang (*)

Dịch vụ bảo lãnh thuế xuất khẩu, thuệ nhập khẩu của ngân hàng góp phần giúp cho việc thông quan, giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu diễn ra nhanh hơn đồng thời bảo đảm việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ

(TBKTSG) – Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động bảo lãnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế mà một số văn bản về thuế mới ban hành trong thời gian qua vẫn chưa khắc phục được một cách thỏa đáng.

Bảo lãnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là việc ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho việc nộp thuế của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu (doanh nghiệp) cho phép hàng hóa của doanh nghiệp này được thông quan hay giải phóng khi chưa nộp thuế xuất khẩu hay thuế nhập khẩu. Dịch vụ này của ngân hàng góp phần giúp cho việc thông quan, giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu diễn ra nhanh hơn đồng thời bảo đảm việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Tiền nợ thuế được bảo lãnh gồm những khoản nào?

Hiện nay, số tiền nợ thuế được ngân hàng bảo lãnh không được quy định một cách thống nhất giữa các văn bản.

Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Thông tư 38) quy định nghĩa vụ được bảo lãnh khi thì là tiền thuế nêu trên tờ khai hải quan và tiền chậm nộp (khoản 1 và khoản 2, điều 43), khi thì là tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt (điểm e, khoản 4, điều 43).

Trong khi đó, khoản 1, điều 9, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (có hiệu lực kể từ ngày 1-9-2016) quy định tiền nợ thuế được bảo lãnh chỉ bao gồm tiền thuế và tiền chậm nộp.

Liệu ngân hàng bảo lãnh thuế có thể chỉ thanh toán tiền thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế? Điều này là không thể bởi mẫu thư bảo lãnh chung và mẫu thư bảo lãnh riêng ban hành kèm theo Thông tư 38 – vốn là các mẫu thư bảo lãnh bắt buộc mà ngân hàng không thể tự ý sửa đổi – đều nêu rõ việc ngân hàng phải thanh toán cả tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. Chỉ có điều câu chữ của các mẫu thư này lại khá mâu thuẫn khi quy định chỉ có tiền thuế mới được bảo lãnh!

Thời hạn bảo lãnh ra sao?

Luật Quản lý thuế nêu nhiều thời hạn nộp thuế khác nhau áp dụng cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, tùy thuộc vào tính chất của các hàng hóa và trong một số trường hợp, thời hạn nộp thuế được tính theo thời hạn bảo lãnh và doanh nghiệp không phải nộp tiền chậm nộp. Điều này dẫn đến việc thời hạn bảo lãnh cũng khác nhau, giao động từ 15-275 ngày tính từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Kể từ ngày 1-9-2016, thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, trừ trường hợp người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên, về nguyên tắc, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa (khoản 1, điều 9). Điều luật này cũng mở ra ngoại lệ là nếu được ngân hàng bảo lãnh số thuế phải nộp thì vẫn phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế, và “thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan”.

Điều đáng nói ở đây là liệu có phải thời hạn bảo lãnh tối đa 30 ngày này là thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh) của ngân hàng hay không? Nói cách khác cần phải xác định thời điểm hết hiệu lực của cam kết bảo lãnh là khi nào!

Cho dù cách dùng từ ngữ ở đây chưa thực sự rõ ràng nhưng dường như tinh thần của điều luật này là thời hạn 30 ngày nêu trên là thời hạn chậm nộp thuế tối đa được bảo lãnh, chứ không phải là thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh.

Cũng liên quan đến thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh, điều nghịch lý nằm ở chỗ các mẫu thư bảo lãnh ban hành kèm Thông tư 38 mặc dù nêu bảo lãnh có giá trị hiệu lực từ một ngày X đến ngày Y song lại kèm theo điều kiện “cho đến khi số nợ tiền thuế được bảo lãnh, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có)… đã nộp hết vào ngân sách nhà nước”. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi cam kết bảo lãnh của ngân hàng đã hết hiệu lực nhưng nếu doanh nghiệp chưa nộp đủ tiền nợ thuế thì ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán. Chẳng hạn nếu cam kết bảo lãnh hết hiệu lực vào ngày 31-7-2016 và trước đó, vào ngày 25-7-2016 ngân hàng đã nộp tiền thuế và chậm nộp thay cho doanh nghiệp, song đến ngày 30-9-2016 mới có quyết định xử phạt doanh nghiệp thì ngân hàng vẫn phải nộp tiền phạt thay cho doanh nghiệp.

Theo quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh ngân hàng (Thông tư 07), ngân hàng bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh và đây cũng là nguyên tắc thông thường áp dụng với mọi biện pháp bảo đảm. Cách tiếp cận của Bộ Tài chính rõ ràng đi ngược lại với nguyên tắc này và đặt ra rủi ro lớn đối với ngân hàng, đặc biệt khi số tiền phạt lớn và ngân hàng không có được biện pháp bảo đảm hiệu quả để đòi nợ đã trả thay từ doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Khi nào ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh?

Khoản 1, điều 9, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định “trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế”. Trong một công văn gửi cho một ngân hàng thương mại cổ phần, Tổng cục Hải quan đã viện dẫn một quy định tương tự của Luật Quản lý thuế để kết luận rằng ngân hàng “mặc nhiên có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế mà không cần có văn bản yêu cầu của cơ quan hải quan”. Như vậy, trách nhiệm theo dõi việc nộp thuế của doanh nghiệp lại được đẩy sang cho ngân hàng và một lần nữa quy định của pháp luật thuế lại mâu thuẫn với Thông tư 07 bởi vì theo văn bản này, để yêu cầu ngân hàng thanh toán bảo lãnh thì ít nhất bên thụ hưởng phải gửi cho ngân hàng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (khoản 1, điều 21) và trong thực tế hoạt động bảo lãnh, thông thường cam kết bảo lãnh của ngân hàng quy định ít nhất yêu cầu này phải nêu rõ việc có vi phạm và/hoặc kèm theo văn bản xác minh vi phạm!

Thanh toán bảo lãnh bao nhiêu?

Một trong các nội dung của các mẫu thư bảo lãnh ban hành kèm theo Thông tư 38 là số tiền bảo lãnh – vốn được hiểu là số tiền tối đa mà bên thụ hưởng có thể yêu cầu ngân hàng thực hiện thanh toán thay cho doanh nghiệp.

Một vấn đề đặt ra là nếu số tiền bảo lãnh nhỏ hơn tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt thì ngân hàng có phải thanh toán toàn bộ các khoản tiền này hay không? Trong thực tế, một số chi cục hải quan yêu cầu ngân hàng thanh toán cả phần vượt số tiền bảo lãnh. Pháp luật thuế không đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Do theo quy định của Thông tư 38, nếu ngân hàng không thực hiện đúng cam kết bảo lãnh thì có nguy cơ các cam kết bảo lãnh do ngân hàng này phát hành sau đó sẽ không được các đơn vị hải quan trên toàn quốc chấp nhận, nên trong một số trường hợp, ngân hàng vẫn đành “ngậm ngùi” thanh toán trong trường hợp này.

Thực ra, theo quy định tại Thông tư 07, bên thụ hưởng chỉ có thể yêu cầu thanh toán trong phạm vi số tiền bảo lãnh và ngân hàng có thể chỉ bảo lãnh cho một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp. Hơn nữa, Thông tư 38 cũng nêu rõ trong trường hợp số tiền thuế được bảo lãnh nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp thì chỉ được thông quan số lượng hàng hóa tương ứng với số tiền thuế được bảo lãnh. Quy định này cũng hàm ý việc cơ quan thuế chấp nhận rằng số tiền bảo lãnh có thể nhỏ hơn số tiền nợ thuế phải nộp. Nói cách khác, nếu số tiền nợ thuế thực tế cao hơn số tiền bảo lãnh nêu trong cam kết bảo lãnh thì ngân hàng không có nghĩa vụ phải thanh toán phần chênh lệch.

(*) Đại học Paris 2, Pháp

[ad_2]

— Đăng bởi HH —