Người ở xứ hiền

[ad_1]

Người ở xứ hiền

Lê Minh Nhựt

(TBKTSG) – Nhiều năm trước, trong xóm có hai vợ chồng làm nghề nuôi vịt chạy đồng. Cứ đến mùa mưa là họ lại dựng một cái chòi nhỏ trên bờ kinh để giữ vịt. Ban ngày, chồng lùa vịt đi khắp các cánh đồng để chúng tự kiếm cái ăn nằm lẫn lộn dưới nước. Cơm canh thì vợ đã sửa soạn sẵn trong chiếc gà mên xách theo, để dưới sạp xuồng. Trong khi chồng lùa vịt đi ăn, ở nhà, chị vợ xách thúng đi lượm trứng, xếp gọn ghẽ vào cần xé trước khi nắng lên để kịp cho lái đến mua. Xong xuôi, chị lại tất bật hái rau, làm cá chuẩn bị cơm nước buổi trưa và chiều.

Thỉnh thoảng lại thấy hai vợ chồng họ ở sàn lãn ngoài bờ kinh, chồng ngồi phía sau nhổ tóc ngứa cho vợ còn chị vợ cặm cụi tước vỏ mớ bông súng. Khung cảnh đó làm ai đi qua cũng ngứa con mắt ghen tị. Vậy mà mươi bữa nửa tháng, hai vợ chồng họ lại sinh chuyện; đa phần là những lý do không đâu: chồng về trễ – vợ nghi đàn đúm với tốp thợ gặt, vợ kho cá quên bỏ tiêu – chồng chê tanh phát ói, vợ cằn nhằn lũ vịt đẻ ít trứng hơn ngày hôm qua do chồng đãng trí quên đổ lúa cho ăn buổi tối… Trong những dịp ấy, bao nỗi niềm chất chứa, đều huỵch toẹt ra hết. Căng thẳng đến nỗi, hàng xóm cứ chắc chắn rằng thế nào họ cũng chia đôi đàn vịt đường ai nấy đi, nhưng bữa sau lại thấy chàng nhổ tóc ngứa cho nàng. Dường như trận cãi vã thỉnh thoảng nổ ra giữa đôi vợ chồng ấy là một kiểu nêm nếm gia vị, để sau đó, họ lại quấn quýt tưng bừng thêm. Rồi một trong số vài mùa mưa kế tiếp, một ngày, người ta chợt phát hiện ra: hai vợ chồng kia chẳng còn nói với nhau tiếng nào nữa, rồi sau đó, họ nhanh chóng đường ai nấy đi. Chẳng ai hiểu nổi vì lý do gì nên đành đoán rằng: Bởi chẳng còn gia vị nào nữa nên họ chia tay, vậy thôi.

Dân xứ mình vốn “máu nóng”, miệng đi liền với tay chân, ghét hay thương thì đều nói thẳng – ai giận thì cũng đành chịu; giận đó nhưng cũng thương đó; mới cự lộn hồi chiều, còn nóng như hơ vậy mà tới sáng sớm đã xách vòng gặt qua gặt vần công “không thôi lúa nhà nó lên mộng tội nghiệp”… Còn mặt đối mặt mà cứ lạnh tanh hoặc nhìn nhau như nhìn cõi vô hình thì coi chừng họ đã ghét tới mức muốn bứng nhau ra khỏi bầu trời và cả mặt đất này, vô phương hàn gắn. Chuyện vợ chồng anh chăn vịt là minh chứng sinh động cho kiểu thương ghét rạch ròi một thuở. Kiểu thương ghét ấy, khi được bộc lộ, nó lại trở thành dấu hiệu nhận biết dân xứ mình, dẫu có lạc giữa rừng người.

Nhưng đó là chuyện “hồi năm nẳm”, còn bây giờ, “dấu hiệu” ấy đã bay biến từ khi nào, chẳng rõ nên vui hay buồn. Thứ cảm giác thường xuyên trỗi dậy khi ở giữa những người từ lâu tưởng chừng đã thuộc từng nết ăn nết ở, chính xác nên gọi là thèm. Thèm lắm được nghe câu “thiệt tình”, rằng: Ê, mần ăn vậy là bậy lắm nghen cha nội! Lắm lúc cũng tự nghi ngờ chắc mình đã ăn ở ra sao nên chẳng có ai dám thốt lên câu đó ngay trước mặt. Vì, không có người “nhắc”, nên chắc gì từ trước tới giờ mình không nghĩ quấy, làm liều.

Có lẽ, sau chuyến xuống Mũi thêm vài vòng đi bộ loanh quanh nội ô mà không nghe người “nhắc” nên người bạn lần đầu tiên tới thăm xứ mình, đã kết luận xanh rờn rằng: người xứ này hiền hết sức! Ngờ bạn đang giễu cợt, vì mới hồi sáng sớm khi ra chợ bạn đã bị bà bán cua đốt phong long vì trót thắc mắc về sợi dây trói dám nặng hơn cả con cua. Trong khi đó, khá đông người qua lại nghe chuyện hoặc chỉ cười cười hoặc là nhìn bạn như kiểu nhìn kẻ mới từ trên trời rớt xuống.

Không nhịn được, mình ngứa miệng vặn lại: Hiền kiểu nào, nói nghe thử? Thay vì trả lời thì bạn cười. Kiểu cười của người đi nhiều, trải nghiệm nhiều và bầm dập cũng nhiều. Thì hiền là hiền chứ sao. Nếu là ngoài xứ tôi thì biết tay, kiểu gì cũng om sòm cho bõ ghét. Sau nụ cười không rõ khen chê ấy, bạn lại buông một câu dường như ẩn ý muốn xách động tinh thần người đang ngồi đối diện.

Để thuyết phục cho cái sự hiền vừa phát hiện ra, bạn liên tiếp đưa ra dẫn chứng, từ những nguồn thông tin “chính thống” mà bạn biết. Quan trọng là – bạn nhấn mạnh: chẳng hề có tiếng nói của dân “bản xứ” trong đó.

Người ngoài cuộc như bạn, nghi ngờ rằng: có một tảng đá ngàn cân nào đó, đang treo lơ lửng trên đầu, nên dân ở đây bắt buộc phải hiền. Hiền để thủ thân, để an toàn. Nếu không thì tảng đá ấy sẽ bất thình lình đổ ụp xuống, cho đáng đời “tật nhiều chuyện”. Đáng lý ra, mỗi người góp một tay, chung sức khiêng tảng đá ấy quăng chỗ khác hoặc chôn nó đi. Hay nhất là xắn tay áo mà lớn tiếng với người đã treo tảng đá ấy.

Nhưng ai sẽ xung phong làm người đầu tiên? Bởi người đầu tiên sẽ luôn chịu nhiều rủi ro, thương tích. Thay cho việc trả lời câu hỏi của mình, bạn trầm ngâm và ngước mắt… nhìn lên trời xanh.

Mà thôi, chắc gì bạn – khách vãng lai đã đúng khi cảm giác về sự hiền của dân xứ mình và đó có phải là hiền đâu, mà phải là thứ gì khác. Có khi, lại là dấu hiệu báo sắp hết “gia vị” như chuyện vợ chồng anh chăn vịt mà mình từng quen.  

[ad_2]

— Đăng bởi HH —