Nguồn để trả nợ mới là quan trọng

[ad_1]

Nguồn để trả nợ mới là quan trọng

Ngọc Lan

Chín tháng đầu năm nay, tính cả nguồn vay nợ trong và ngoài nước, Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỉ đô la Mỹ.

(TBKTSG) – Chín tháng đầu năm nay, tình hình vay nợ trong và ngoài nước thuận lợi nên vay nợ cũng nhiều hơn trong khi dòng tiền trả nợ ngay từ năm nay và năm 2017 đang đứng trước cánh cửa hẹp.

Thu ít nhưng vay – trả nhiều

Khác hẳn với tình hình vay nợ những tháng cuối năm 2015, chỉ qua chín tháng đầu năm nay, riêng vốn trái phiếu chính phủ (nhờ các kỳ huy động ngắn từ ba năm trở xuống được khôi phục) đã huy động được 250.320 tỉ đồng, bằng 88,86% kế hoạch năm (theo báo cáo của Bộ Tài chính tính đến 30-9). Chưa cần phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỉ đô la như Quốc hội đã cho phép cuối năm 2015, Chính phủ đã ký được 31 hiệp định vay vốn với tổng giá trị quy đổi khoảng 4,88 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, tính các nguồn vay nợ trong và ngoài nước, chín tháng, Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỉ đô la Mỹ.

Tình hình trả nợ chín tháng đầu năm là 176.827 tỉ đồng, cao hơn con số ước trả nợ (bao gồm cả trả nợ viện trợ) cũng do Bộ Tài chính công bố là 117.200 tỉ đồng.

Nhìn qua các con số trên, dễ đoán là tình hình vay – trả nợ đều trong tầm kiểm soát và diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, đặt trong các cân đối vĩ mô khác, vấn đề cân đối nguồn để trả nợ từ số thu thực tế năm nay và những năm tiếp theo không hề thuận lợi.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17-10, GDP năm nay chỉ tăng khoảng 6,3-6,5%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 6,7%. Nếu tính theo số tuyệt đối, GDP dự kiến từ 5,1 triệu tỉ đồng (tương ứng GDP tăng 6,7%) xuống mức còn 4,6 triệu tỉ đồng (GDP tăng 6,5%). Hay nói khác đi, là GDP thực hiện sẽ giảm đi 530.000 tỉ đồng so với kế hoạch. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng đến tỷ lệ bội chi ngân sách.

Tỷ lệ bội chi mới sẽ là 5,52% GDP, tăng 0,57% so với dự toán, kéo theo tỷ lệ nợ công cũng tăng lên dù số dư nợ tuyệt đối không tăng. Dựa trên các số liệu tính toán sơ bộ, nếu bội chi ở mức 254.000 tỉ đồng, nợ công so với GDP đã chạm đến mức 64,98%. Nay bội chi sẽ cao hơn số đó.

Nếu từ nay đến cuối năm phát hành thêm 14.300 tỉ đồng bổ sung vốn cho các dự án trên tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ còn dư từ năm 2015 theo nghị quyết của Quốc hội thì khoản trái phiếu này sẽ được ghi vào nợ công và đẩy nợ công cao hơn mức 65%. Đặt trong bối cảnh trước đó là nợ chính phủ/GDP năm 2015 đã ở mức 50,3%, thì tính an toàn của nợ công lại càng vượt giới hạn cho phép.

Vấn đề là ngân sách đang đi vay nợ nhiều hơn nhưng nguồn thu từ năm 2016 lại đang hẹp đi. Các khoản thu quan trọng đều trên đà giảm sút. Như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đạt 57,4% dự toán sau chín tháng, chủ yếu do giá dầu giảm, giá dầu thực thu về chỉ đạt hơn 50% so với dự toán.

Mặt khác, số thu từ cổ tức ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước còn thấp. Tiến độ tái cơ cấu DNNN năm 2016 chậm, sau chín tháng mới thu vào ngân sách được 10.000 tỉ đồng trong tổng số khoảng 30.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước, tốc độ tăng xuất khẩu không đạt chỉ tiêu… Tất cả những việc này sẽ ảnh hưởng ngay đến dòng tiền chi ngân sách sang năm và nguồn trả nợ.

Cần sát với thực tế

Muốn kéo nợ công xuống mức an toàn hơn, phải tăng thu và giảm chi. Nhưng trên thực tế, việc tăng thu mỗi ngày một giảm và tăng chi chưa có dấu hiệu dừng lại. Các cơ sở của tăng thu năm 2017 hiện còn yếu hơn năm 2016. Năm 2015, Quốc hội thông qua thu ngân sách từ dầu thô trên cơ sở 60 đô la Mỹ/thùng song giá dầu thực tế bán ra năm nay hụt 42% so với dự toán. Năm 2017, dự kiến giá dầu dự toán sẽ chỉ còn 50 đô la/thùng, ngân sách thực tế sẽ giảm bớt. Việc thu từ cổ tức, cổ phần hóa DNNN cũng chưa được định lượng. Trong khi đó, nguồn thu từ xuất, nhập khẩu mỗi năm một giảm do giá giảm, do phải thực hiện các cam kết giảm thuế.

Cho dù nợ công hiện nay mới sát trần 65% nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, bao gồm cả vay đảo nợ, đã vượt giới hạn 25% tổng thu ngân sách ngay từ năm 2015. Chưa kể ngân sách đang phải tạm ứng để trả nợ thay một số khoản vay về cho vay lại hoặc vay có bảo lãnh của Chính phủ. Đó cũng là lý do từ năm 2017, Chính phủ đã tuyên bố tạm ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ và Quốc hội cũng chỉ cho phép phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba năm trở xuống ở mức 30% trong “rổ” kỳ hạn phát hành trái phiếu.

Vấn đề muôn thuở của việc vay nợ thì dễ, trả nợ khó là do cơ cấu vay và sử dụng nợ công chưa hợp lý, hiệu quả thấp dẫn đến nghĩa vụ trả nợ và các khoản phải trả hàng năm tăng nhanh. Tình trạng vay vốn thời hạn ngắn, lãi suất cao, được sử dụng cho các công trình, dự án có thời hạn đầu tư và thu hồi vốn dài là một áp lực. Tình trạng trả thay các khoản bảo lãnh, vay về cho vay lại là một áp lực khác nữa. Tất cả những điều nay đang tạo sức ép ngày càng tăng lên nợ chính phủ, nợ công.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —