Nông dân thiệt hại vì "quản lý gãy khúc" hơn 10.000 loại phân bón

[ad_1]

Nông dân thiệt hại vì “quản lý gãy khúc” hơn 10.000 loại phân bón

Minh Tâm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham gia phân tích tình trạng phân bón giả, bổ sung phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Đã có ít nhất 5 trong số gần 30 đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ở phiên họp Quốc hội sáng nay, 15-11, bày tỏ sự bức xúc về tình trạng phân bón giả, kém phẩm chất hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và người nông dân.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nguyên nhân của tình trạng này là do “quản lý gãy khúc”.

Hơn 10.000 loại phân bón

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trách nhiệm quản lý mặt hàng phân bón đang bị gãy khúc. Theo đó, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) quản lý phân bón hữu cơ từ các khâu sản xuất đến công bố hợp quy.

Trong khi đó, các loại phân bón lại rất đa dạng (có 5.000 loại phân bón hữu cơ và 5.700 loại phân bón vô cơ). Sự gãy khúc này khiến việc quản lý chồng chéo, hiệu quả kém, hiệu lực quản lý không đảm bảo và cũng không có đủ nguồn lực để kiểm tra. Đó là lý do khiến người dân phải tiêu thụ các loại phân bón giả, kém chất lượng.

Tuy nhiên, giải thích này không được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, tỉnh Ninh Thuận đồng tình. Theo ông Cương, vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện việc cấp khống hợp chuẩn phân bón hữu cơ ở Bộ NN&PTNT. “Dù phân bón vô cơ thì chưa phát hiện tình trạng tương tự nhưng chuyên gia cho rằng 30-40% phân bón vô cơ là giả và kém chất lượng”. Vì vậy, ông Cương đề nghị cần làm rõ giải pháp, nhất là trong lúc chờ Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao việc quản lý mặt hàng phân bón cho một cơ quan nhằm giảm thiệt hại. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham gia trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, ngoài việc chồng lấn và giao thoa trong quản lý, trên thực tế có sai phạm, vi phạm trong hoạt động chứng nhận, công bố hợp quy. Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra hoạt động này của các cơ quan trực thuộc và phát hiện sai phạm tại hai đơn vị trong số hơn mười tổ chức được chỉ định làm công tác này.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hướng sắp đến là siết chặt lại thị trường phân bón, giới hạn lại số lượng, không còn hơn 10.000 loại như hiện nay. Bên cạnh đó là sẽ quy về một mối, để một bộ quản lý. Hiện tại, Bộ Công Thương đang hoàn thiện 8 quy chuẩn mới về phân bón chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và phê duyệt; phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện quản lý…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong phần trả lời chất vấn theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định, hiện nay có hai bất cập rất lớn trong quản lý phân bón ở Việt Nam.

Đầu tiên, đó là bất cập trong định hướng sử dụng. Đáng lẽ, ưu tiên hàng đầu của một nước nông nghiệp như Việt Nam là phân bón hữu cơ. Vậy nhưng, trong 11 triệu tấn phân bón được sử dụng mỗi năm (trong đó tự túc được 8-9 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu) thì tới 10 triệu tấn là phân vô cơ. Toàn là phân hóa học nên nông sản không sạch, chất lượng không cao, môi trường ô nhiễm, đất bị giảm độ phì nhiêu… Trong khi đó, chúng ta có nền tảng để phát triển phân bón hữu cơ với hàng trăm tấn rơm rạ, phế thải động vật…

Thứ hai là bất cập trong cơ chế phối hợp. Trước năm 2014, quản lý phân bón là theo danh mục. Phân bón phải qua khảo nghiệm, kiểm nghiệm thì mới được đưa vào danh mục. Từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thì chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để minh bạch. Chính phủ đã ban hành Nghị định 202 để quản lý với sự tham gia của hai bộ như đã nói. Điều này đã tạo ra kẻ hỡ khi hầu hết các doanh nghiệp đều sản xuất cả phân vô cơ lẫn hữu cơ.

“Trong trường hợp này thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét cấp phép, thanh tra, kiểm tra. Phối hợp không tốt thì tạo kẽ hở cho gian dối”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và kiến nghị, cần thay đổi công tác quản lý theo hướng tập trung tại một bộ. Nếu Bộ Công Thương làm thì Bộ NN&PTNT sẽ chuyển giao hết cơ sở vật chất, con người. Còn ngược lại thì bộ này cũng sẽ tổ chức lại để đảm bảo quản lý thống nhất.

Lo hội nhập chệch hướng

Một vấn đề lớn khác cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm là câu chuyện nhập khẩu hàng hóa, bảo hộ hợp pháp nền sản xuất và thị trường nội địa.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TPHCM nêu vấn đề, thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc của nhiều loại máy móc là chỉ 0% trong khi linh kiện rời lại cao hơn. Tương tự, các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được miễn thuế giá trị gia tăng tưởng được lợi nhưng lại khiến doanh nghiệp trong nước mất sức cạnh tranh vì không được khấu trừ đầu vào… Vậy, cần có chính sách bảo hộ hợp pháp và hợp lý với hàng trong nước cho 90 triệu dân như thế nào, tránh tình trạng thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ cho hàng ngoại?

Tương tự, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt câu hỏi, Việt Nam nhập khẩu bắp, đậu nành, thịt heo, bò… như hiện tại ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất trong nước? Bên cạnh đó, rất nhiều mặt hàng tiêu dùng của người dân lại đều nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước những câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, chính sách thuế nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Nguyên tắc là phải phù hợp với cam kết quốc tế và Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành nhằm cân đối, hài hòa các lợi ích trong quá trình xây dựng chính sách. Còn việc nhập khẩu hàng hóa là lẽ đương nhiên khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. 

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chưa thỏa mãn và đề nghị Bộ Tài chính cần có câu trả lời. Cụ thể là sắc thuế cho người sản xuất thức ăn gia súc, phân bón. Miễn thuế giá trị gia tăng nhưng lại không được khấu trừ, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu lại được hưởng. Đây là điểm đi ngược lại mô hình tăng trưởng.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, vấn đề là chúng ta phải có chính sách để bảo hộ hợp pháp, tuân thủ các cam kết quốc tế. Không thể một nước nông nghiệp nhưng nhập khẩu bắp, rau củ quả…

“Tăng nhập khẩu phải chăng là để tăng ngân sách? Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bằng khuyến khích sản xuất trong nước, đúng là rất lâu nhưng lại là phương án đúng đắn. Nếu không, dần dần Việt Nam sẽ là thị trường cho các nước tràn vào. Lợi nhuận họ ăn, công ăn việc làm họ tạo cho công dân họ… Chúng tôi lo sợ là hội nhập đi chệch hướng”, ông Nghĩa nói.

Bộ Công Thương chậm phản ứng chính sách

Liên quan đến loại hình bán hàng đa cấp, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, đã có những hạn chế trong quản lý nhà nước ở hoạt động này. Khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, chưa có sự phân cấp rạch ròi giữa các địa phương, sở công thương.

Trong khi đó, sức hút của hình thức này với người dân lại rất lớn nhờ những tuyên truyền về lợi nhuận khủng. Bộ Công Thương đã chậm phản ứng trong chính sách quản lý, xử lý sai phạm.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 42 để khắc phục hạn chế…

 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —