Qua sáu tháng, xuất khẩu dè chừng hụt hơi

[ad_1]

Qua sáu tháng, xuất khẩu dè chừng hụt hơi

Nguyễn Duy Nghĩa

Sáu tháng tiếng là xuất siêu 1,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng đó vẫn là công của khối doanh nghiệp FDI (xuất siêu tới 11,2 tỉ đô la Mỹ), còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nối dài mạch nhập siêu với 9,7 tỉ đô la Mỹ, tỷ lệ nhập siêu 41%. Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ

(TBKTSG) – Mục tiêu năm 2016 là xuất khẩu tăng 10%. Quí 1 chỉ tăng 6,3%, âu cũng tạm bằng lòng vì là… quí dính Tết. Nhưng đến sáu tháng đầu năm mà mức tăng thụt lùi, còn 5,9%, thì không khỏi lo lắng. Hy vọng các tháng cuối năm sẽ có sự bứt phá, nhưng nhớ lại năm 2015, điều ấy đã không xảy ra, khiến cả năm đó xuất khẩu chỉ tăng 8,1%.

Bình quân mỗi tháng trong sáu tháng qua ta chỉ xuất khẩu được 13,7 tỉ đô la Mỹ, tháng cao nhất lại là tháng 3 – đạt 15 tỉ đô la Mỹ, các tháng của quí 2 chỉ nhấp nhỉnh 14 tỉ đô la Mỹ.

Sự thụt lùi thể hiện rõ ở khối doanh nghiệp trong nước: năm tháng đầu năm xuất khẩu của khối này tăng 3,9% nhưng đến sáu tháng chỉ còn 3,3%.

Đường biểu đồ nối tỷ lệ tăng xuất khẩu của cả nước với mốc: 2014 (13,6%) – 2015 (8,1%) – quí 1-2016 (6,3%) – sáu tháng 2016 (5,9%) cho thấy sự thụt lùi như thể tôm bơi!

Ba nhóm hàng chủ lực đều lúng túng

Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản luôn được coi là thế mạnh nhưng vẫn chưa mạnh. Cả nhóm có 4/9 mặt hàng hụt so với sáu tháng năm ngoái, trong đó có gạo – nằm trong tốp ba toàn cầu.

Xuất khẩu nhân điều tăng 11,6%, đáng lẽ hơn nữa vì cả hai mặt năng lực chế biến và thị trường đều xông xênh, nhưng vì không chủ động được hạt điều nguyên liệu nên chỉ dừng lại ở đó. Hàng năm Việt Nam chế biến khoảng 1,3 triệu tấn hạt điều, song trong nước chỉ có 500.000 tấn, số thiếu phải nhập khẩu. Vừa qua, có nghịch lý trong ngành này là nhận được đơn hàng lớn lại… lo vì sợ không đủ nguyên liệu. Nỗi lo nguyên liệu khiến ta ngần ngừ xuất khẩu thiết bị chế biến hạt điều sang châu Phi – nơi ta nhập khẩu chủ yếu hạt điều thô. Biết đâu họ sẽ giữ lại không bán hạt điều thô cho ta nữa và ngộ nhỡ sản phẩm họ chế biến ra thơm thảo hơn sản phẩm của ta thì sẽ là tác hại kép.

Năm 2015, xuất khẩu thủy sản gặp hai “cơn lốc”. Một là do các đối thủ cạnh tranh liên tục phá giá đồng tiền bản địa khiến hàng của ta giảm sức cạnh tranh. Hai là do giá xuất khẩu giảm trong khi giá nguyên liệu lại tăng. Di chứng lan sang năm nay trong khi mối lo cố hữu là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn đó. Những ngày đầu tháng 1-2016, đã có hai doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản bị áp dụng chế độ kiểm tra chặt. EU cảnh báo một số lô hàng thủy sản của Việt Nam không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Nhóm có điểm sáng là rau quả tăng tới 41,4%. Đó là hệ quả được gieo mầm từ năm trước – hoa quả của ta đã vào được nhiều thị trường cao cấp. Đầu mùa năm nay, Bắc Giang đã xuất khẩu được trên 32.000 tấn vải thiều sang Trung Quốc, Mỹ, Úc, Malaysia… chiếm gần 25% tổng sản lượng vụ vải thiều này. Nhưng “một bông lúa chín chẳng làm nên mùa vàng”, rau quả không bẩy được cả nhóm.

Ba trong số bốn mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu và khoáng sản giảm là than đá, dầu thô, khoáng sản khác, báo hiệu tài nguyên đã không còn dư dật, khai thác ngày càng khó, tốn kém, nhưng dù chưa cạn cũng không nên hùng hục đào bán nữa. Chẳng những thế than đá lâu nay chỉ nghe nói đến xuất khẩu thì sáu tháng qua phải nhập khẩu với mức tăng 121% so với sáu tháng cùng kỳ 2015. Dầu thô ngoài sa sút về giá thì còn do khai thác chùng xuống, sản lượng giảm.

Bao năm nay hy vọng đặt vào nhóm công nghiệp chế biến. Nhóm này chiếm tỷ trọng áp đảo trong xuất khẩu, với nhiều mặt hàng kim ngạch vượt trội, tốc độ tăng rất cao nhưng sáu tháng đầu năm đã chững lại – chỉ tăng 8,2% trong khi trước đây thường tăng hai con số.

Hàng dệt may, giày dép tăng… tẻ nhạt. Sáu tháng xuất khẩu dệt may đạt 10,7 tỉ đô la Mỹ, xa vời mục tiêu cả năm là 30 tỉ đô la Mỹ. Điện thoại vừa được coi là mặt hàng tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu vừa giúp cho Bắc Ninh và Thái Nguyên xuất khẩu vượt mặt Bình Dương, Đồng Nai, chỉ chịu đứng sau ngôi số 1 là TPHCM. Thế nhưng, sáu tháng qua, xuất khẩu mặt hàng này chỉ tăng hai con số trong khi có thời tăng tới ba con số. Chế biến gỗ tiếp tục phấp phỏng về nguồn gỗ nguyên liệu. Vì phải nhập khẩu ngày càng nhiều, từ 70-90 quốc gia, lại ganh nhau nhập nên việc chứng minh xuất xứ gỗ càng khó, nhất là với khách hàng khắt khe luôn truy xuất nguồn gốc.

Do sản xuất suy giảm

Sự giật lùi về xuất khẩu trong sáu tháng qua để lại gánh nặng cho sáu tháng còn lại. Muốn năm 2016 xuất khẩu tăng 10% thì tổng kim ngạch xuất khẩu phải được 180 tỉ đô la Mỹ, mà nửa năm mới được 82,2 tỉ đô la Mỹ.Box phải

Tình hình trên có căn nguyên gốc từ sản xuất. Nông nghiệp giảm 0,78% do hạn hán, và xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm môi trường biển miền Trung. Tăng trưởng công nghiệp chỉ đạt 6,82%, thấp hơn so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm 2015.

Cũng do thị trường

Các thị trường xuất khẩu chủ chốt của ta như Mỹ, EU, Nga đang gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn bất ổn về chính trị khiến nhu cầu tiêu dùng giảm và vì xu hướng bảo hộ gia tăng. Cá biệt, mặt hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, máy tính… sang các thị trường nói trên có tăng nhưng không cao.
Xuất khẩu sang Nhật Bản, ASEAN sụt giảm, không phải chỉ là “cơn tai biến thoảng qua” mà diễn ra từ nhiều tháng nay.

Với Nhật Bản là năm thứ hai liên tiếp sụt giảm về xuất khẩu, kéo theo cũng liên tiếp nhập siêu từ thị trường này, trong khi giai đoạn 2011-2014 tình hình ngược lại – xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và cũng liên tục xuất siêu sang Nhật Bản.

Với ASEAN, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực từ đầu năm nay, có thể nói “séc đấu mở màn” ta chưa phát huy được lợi thế tâng “trái bóng” Việt mang tên “động lực mới” sang sân đối tác, ngược lại bóng đa sắc màu của ASEAN, nhất là mang nhãn hiệu Thái Lan tới tấp bay vào sân nhà – nhập siêu từ ASEAN vẫn nặng.

Hàng vào Trung Quốc vẫn nhiều nhưng “tính khí” của thị trường này vẫn thất thường.

Còn do cả nhập khẩu

Nhập khẩu sáu tháng qua có hiện tượng… xưa nay hiếm – giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đáng lưu tâm hơn là những diễn biến trái chiều.

Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% so với sáu tháng đầu năm 2015, thì nhóm cần nhập khẩu lại giảm tới 1,3%. Nhóm này cung ứng “đầu vào” cho sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng có 21/43 mặt hàng giảm, như thủy sản nguyên liệu, gỗ cây, bông các loại…

Ngược lại, nhóm hàng cần phải kiểm soát nhập khẩu tăng 12,9% và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng 11,8%. Thái Lan mua lại nhiều hãng phân phối có tên tuổi, bắt đầu có dấu hiệu chi phối thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Hàng chục năm trước, người Thái đã thâm thúy “biến chiến trường thành thị trường”. Sáu tháng đầu năm 2016 ta đã bỏ ra gần 1,18 tỉ đô la Mỹ để nhập 47.700 ô tô nguyên chiếc các loại từ nhiều nền kinh tế. Trước mắt, ô tô giá rẻ của Thái Lan vượt mặt Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hệ quả là mảng tối của bức tranh “cán cân thương mại” càng lộ rõ. Sáu tháng tiếng là xuất siêu 1,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng đó vẫn là công của khối doanh nghiệp FDI (xuất siêu tới 11,2 tỉ đô la Mỹ), còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nối dài mạch nhập siêu với 9,7 tỉ đô la Mỹ, tỷ lệ nhập siêu 41%.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —