Sửa đổi luật để tạo động lực cho doanh nghiệp

[ad_1]

Sửa đổi luật để tạo động lực cho doanh nghiệp

Minh Quang

Chính phủ kiên quyết cắt giảm thủ tục về đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp trong làm ăn kinh doanh. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về đầu tư kinh doanh tại kỳ họp thứ hai trong tháng 10 này. Trong dự thảo luật, Chính phủ đề nghị sửa đổi tới 12 luật hiện hành, kể cả các luật mới được ban hành, gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở, Luật Khoáng sản, Luật Điện ảnh, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch đô thị.

Cởi “nút thắt” về đầu tư, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật sửa đổi này, thực tiễn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi 12 luật hiện hành nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ giữa các luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả cơ quan đăng ký đầu tư.

Đặc biệt, các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,… mặc dù đã có nhiều cải cách nhưng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, dẫn đến chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt; đặc biệt là thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những “nút thắt” cần phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể dự thảo luật đề nghị bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hợp nhất 25 ngành, nghề vào 7 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề. Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 (giảm 49 ngành, nghề so với danh mục hiện hành).

Việc sửa đổi các khái niệm như “đầu tư”, “kinh doanh”, “điều kiện kinh doanh” và “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” là những khái niệm chưa được làm rõ, gây tranh cãi để làm rõ hơn nội hàm của các khái niệm này, đồng thời phân định rõ điều kiện kinh doanh với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư, dù luật này mới được ban hành năm 2014, cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính (chẳng hạn như bãi bỏ chế độ báo cáo tháng) nhằm giảm gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.

Một trong những điểm mới nhất của việc sửa đổi Luật Đầu tư là cơ chế phân cấp rất mạnh giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong thủ tục đầu tư.

Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác.

Các dự án còn lại thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng theo Luật Đầu tư hiện hành được phân cấp cho UBND cấp tỉnh và cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, quy định rõ hơn về phạm vi dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề và địa bàn; phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng do hộ gia đình, cá nhân trong nước thực hiện.

Với Luật Doanh nghiệp năm 2014, một đạo luật được đánh giá cao về đổi mới thể chế, cũng được đưa ra sửa đổi lần này nhằm hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp, tãng quyền tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể là: quy định giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá thỏa thuận giữa người bán và người mua; quy định rõ thanh toán phần vốn góp, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật ngoại hối; quy định rõ các trường hợp tăng, giảm vốn của công ty hợp danh; cho phép doanh nghiệp linh hoạt trong việc chia, tách doanh nghiệp theo quyết định của doanh nghiệp thay cho việc giới hạn trong các phương thức cụ thể như hiện nay.

Ðặc biệt, dự thảo luật sửa đổi lần này đã bỏ quy định trong Luật Doanh nghiệp về hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao ðộng trở lên phải chuyển thành doanh nghiệp. Với quy định này hàng triệu hộ kinh doanh sẽ không còn lo bị xử phạt vì không thành lập doanh nghiệp.

Đồng bộ thủ tục đầu tư với thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường

Nội dung sửa đổi lần này cho thấy Chính phủ đang tìm cách tháo gỡ về thủ tục, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác…

Các vướng mắc lớn nhất của Luật Đất đai cần được tháo gỡ là làm rõ thủ tục trong thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính và tạo tính thống nhất, đồng bộ về thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư.

Cụ thể là: quy định rõ biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư tại Luật Đầu tư, thay vì quy định các biện pháp này trong Luật Đất đai để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung các hình thức thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Theo đó, ngoài hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, nhà đầu tư còn được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu hoặc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Bổ sung theo hướng cho phép ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Bổ sung yêu cầu doanh nghiệp nhà nước góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; trường hợp góp vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh thương mại, dịch vụ, bất động sản thì phải đấu thầu lựa chọn đối tác tham gia góp vốn…

Bổ sung quyền của tổ chức thuê đất trong việc cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm để mở rộng quyền của người thuê đất. Sửa đổi quy định về góp vốn bằng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức sự nghiệp công theo hướng chỉ cho phép tổ chức nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất được tiếp tục thuê đất theo mục đích sử dụng trong thời gian còn lại. Những quy định này nhằm khắc phục tình trạng các địa phương áp dụng luật khác nhau về thủ tục đầu tư đối với dự án sử dụng đất.

Một số quy định của Luật Xây dựng được sửa đổi nhằm khuyến khích tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch kiến trúc và giải pháp thực hiện đối với quy hoạch xây dựng khác, ưu tiên lựa chọn và liên kết thực hiện quy hoạch của người được tuyển chọn ý tưởng thông qua thi tuyển. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt (thay cho Bộ Xây dựng theo quy định hiện hành). Rút ngắn thời hạn xem xét hồ sơ cấp giấy phép xây dựng xuống còn 25 ngày (giảm 5 ngày so với quy định hiện hành….

Trước những bức xúc của doanh nghiệp về thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa Luật Bảo vệ môi trường, trong đó bổ sung các khái niệm về đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường sơ bộ, đánh giá tác động môi trường chi tiết; quy định về đánh giá tác động môi trường sơ bộ đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định tương ứng tại Luật Ðầu tư.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —