Thể chế là khâu đột phá

[ad_1]

Thể chế là khâu đột phá

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Một sự tùy tiện, bất chấp luật lệ đang gây xôn xao dư luận là tỉnh Hậu Giang cấp biển số xanh cho xe Lexus tư nhân của ông Trịnh Xuân Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh minh họa: Thanh Niên

(TBKTSG) – Tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “[Công tác xây dựng thể chế] chính là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Thể chế, thể chế và thể chế. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế”.

Và để cụ thể hóa quyết tâm này, Thủ tướng Chính phủ nêu ra một loạt các hành động nhằm hỗ trợ công tác xây dựng thể chế trong thời gian tới như giải quyết nợ đọng văn bản pháp luật, xác định điều kiện kinh doanh phải rõ ràng minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh như đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Tuy nhiên để việc xây dựng thể chế đi vào thực chất, ngoài mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân hay doanh nghiệp, còn cần chú ý đến kỷ cương phép nước trong chính bộ máy chính phủ như một khâu đột phá về thể chế, tức mối quan hệ giữa Chính phủ và từng cán bộ bên dưới đang là bộ mặt đại diện cho Chính phủ trong mắt người dân.

Nói cụ thể, đó là rà soát rồi sử dụng các luật lệ, quy định, phép tắc, tập tục trong kiểm soát bộ máy bên dưới để bảo đảm không cá nhân nào trong bộ máy này dám làm bậy, tham ô, nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân. Hay sử dụng cách nói của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp vừa qua, xây dựng thể chế là công tác trọng tâm của Chính phủ nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển phục vụ doanh nghiệp và nhân dân.

Ở đây chỉ xin dẫn ra một hai ví dụ thời sự như chuyện UBND xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chỉ xây dựng kênh tưới tiêu 27 triệu đồng, nhưng hồ sơ quyết toán khai khống… hơn 1 tỉ đồng. Đây không còn là một vụ cố ý làm trái các quy định nhà nước nữa mà là tội phạm – một tội phạm làm giảm lòng tin của người dân (vì họ cùng Nhà nước bỏ tiền ra làm kênh tưới tiêu) vào tính liêm chính của cán bộ nhà nước. Giải quyết việc này ngay và nghiêm khắc chính là củng cố cái thể chế “nhà nước và nhân dân cùng làm” kẻo nó sẽ trở thành tiền lệ, xói mòn cơ chế này.

Một chuyện khác là một phó chủ tịch UBND một tỉnh mượn xe biển trắng sử dụng vào công vụ nên công an tỉnh bèn cấp biển số xe công, tức biển số xanh cho ông này để thuận tiện cho công tác. Nhìn ở góc độ nào đó thì đây cũng là sự tùy tiện, bất kể luật lệ vì một chiếc xe không thể cấp hai biển số… Mà một khi cán bộ xem thường luật lệ, bỏ qua luật lệ dù biện minh là để thuận tiện cho công việc thì đó cũng là sự xói mòn cái thể chế chúng ta muốn xây dựng: một thể chế tôn trọng luật lệ, mọi hành xử dựa vào nguyên tắc nhà nước pháp quyền chứ không dựa vào sự tùy tiện.

Nghiêm khắc với sai phạm ở trường hợp đầu, chấn chỉnh chấm dứt sự tùy tiện ở trường hợp thứ hai cũng chính là một phần của công tác xây dựng thể chế mà Chính phủ đang muốn hướng đến.

Phiên họp của Chính phủ tuần rồi kéo dài hai ngày, trong đó, trọn ngày đầu tiên dành cho vấn đề xây dựng thể chế, cũng đủ thấy quyết tâm của Chính phủ trong lĩnh vực này. Tuy vậy, nếu Chính phủ làm tốt việc tạo dựng mối quan hệ với doanh nghiệp, với người dân nhưng lại bỏ quên việc siết lại kỷ cương phép nước trong chính bộ máy hành chính các cấp thì công tác xây dựng thể chế mới chỉ đi được một nửa.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —