Thích ứng với một thế giới đang biến động

[ad_1]

Thích ứng với một thế giới đang biến động

Nguyễn Vũ

Máy Note 7 của Samsung bị triệu hồi trên khắp thế giới, chẳng ai sẽ đoán được xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào. Ảnh Internet

(TBKTSG) – Thế giới đang trải qua những thay đổi to lớn, nhất là về các khía cạnh kinh tế. Ba xu hướng đang tác động mạnh lên nền kinh tế các nước gồm sự chững lại của quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ các ứng dụng công nghệ nay đã chín muồi như tự động hóa và sự xuất hiện ngày càng nhiều các biến cố kiểu “thiên nga đen”, gây bất ngờ và xáo trộn mọi dự tính.

Sự chống đối toàn cầu hóa nay không còn giới hạn vào các nhóm phản đối trên đường phố, nó đã trở thành lập trường tranh cử của nhiều chính khách, thành chính sách của một số nền kinh tế và đã hiện diện trong chiến lược phát triển của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Cộng với quá trình tự động hóa sản xuất, lúc đó chi phí công nhân không còn là mối bận tâm hàng đầu, nhiều doanh nghiệp đã “tái cấu trúc” chuỗi sản xuất của họ để đưa cơ sở sản xuất về lại các nước phát triển. Dù quy mô còn nhỏ nhưng sự dịch chuyển như thế là điều chúng ta không thể bỏ qua.

Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ các bộ óc hoạch định chiến lược cho quốc gia phải nhanh chóng tìm phương thức ứng xử thích hợp. Chẳng hạn, có nên tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, rút ra khỏi những nơi nay đã không còn dễ dãi với các ràng buộc bảo vệ môi trường, đổ vào nước ta để tận dụng các “lợi thế” như giá năng lượng rẻ, chi phí xử lý môi trường không cao, được ưu đãi hết mức về thuế và các tài nguyên khác như đất đai, nguồn nước.

Rồi giả thử ngay chính những ngành thâm dụng lao động truyền thống của nước ta như dệt may, da giày cũng buộc phải sử dụng máy móc thay cho con người, thế thì số công nhân dôi dư ra sẽ đi về đâu, làm gì trong ngành thâm dụng mới nào khác?

Việc xuất hiện các biến cố bất ngờ, được mệnh danh là “thiên nga đen” có thể làm đảo lộn mọi toan tính. Số phận Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có thể gắn liền với diễn tiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà cuộc bầu cử này, như chúng ta đang chứng kiến, có nhiều yếu tố bất ngờ như sức khỏe ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ. Biết bao kế hoạch tận dụng cơ hội từ TPP sẽ phải hồi hộp theo dõi các diễn biến khó lường này. Hoặc ít ai ngờ sản phẩm Note 7 của Samsung lại rơi vào tình trạng phải triệu hồi trên khắp thế giới, cho nên cũng chẳng ai sẽ đoán được xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào trước doanh số chắc chắn sẽ sụt giảm của chiếc điện thoại di động này của Samsung.

Trong một thế giới biến động như thế, rõ ràng lẽ ra chúng ta phải bám vào thế mạnh truyền thống của nông nghiệp, thủy sản để dùng nó làm bệ chống cho sự an sinh của đại đa số người dân. Thế nhưng sự lỏng lẻo trong quản lý đã khiến ngay cả người dân trong nước vẫn còn nghi ngại độ an toàn của lương thực thực phẩm của chính chúng ta. Huống gì thúc đẩy chúng làm thế mạnh xuất khẩu!

Thiết nghĩ một trong những điều cấp bách, phải làm là xác định được chúng ta đang ở đâu trong thế giới đang thay đổi ngày nay. Thứ hai là mọi chiến lược phát triển đều phải lấy sự an sinh của người dân làm gốc. Sự an sinh đó bao gồm cả quyền được mưu sinh bằng chính các nghề nghiệp truyền thống, con cái họ được học hành đàng hoàng, chăm sóc y tế được bảo đảm ở mức tối thiểu… Nếu làm được các nền tảng này thì hy vọng chúng ta sẽ sáng suốt tìm được phương thức mà cha ông đã đúc kết từ lâu: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —