Từ “cuộc chiến” xe ôm

[ad_1]

Từ “cuộc chiến” xe ôm

Tường Mỹ

(TBKTSG) – 1. Mấy hôm nay, Facebook xuất hiện bài viết, clip, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng chung quy lại là về cuộc cạnh tranh giành khách hàng của các tài xế hành nghề xe ôm truyền thống và tài xế xe ôm thế hệ mới – Grab bike.

Có bài viết bày tỏ sự thương cảm trước việc tác giả đứng trên vỉa hè, định gọi điện cho người nhà đến đón thì bác xe ôm đã chủ động mời trước: họ lấy rẻ thì tui sẽ lấy rẻ hơn cô ơi, làm ơn đi giùm tui vì cả ngày tui chưa có khách nào. Ông không gia nhập được vào “họ” như lời tác giả khuyên vì ông già, xe đã cũ và không có điện thoại thông minh (smartphone) theo chuẩn của họ.

Một người bạn của tôi kể anh đã chạy xe máy cả một đoạn đường dài theo cuộc cãi vã… trên đường giữa một tài xế xe ôm truyền thống và một tài xế Grab bike khi đang chở khách. Mặc cho tài xế xe ôm “chửi mắng” về việc bị “cướp chén cơm” ngay trước mặt mình (người khách đứng trước mặt ông, ông mời nhưng không đi mà chờ sử dụng dịch vụ Grab bike đã gọi trước), tài xế Grab bike vẫn nhẫn nhịn làm công việc chở khách. Anh bạn tôi nói: chạy theo để lỡ có đánh nhau thì mình can.

Nhưng đã có những cái kết không có hậu. Một clip quay cảnh tài xế hai bên ẩu đả nhau đã được đưa lên mạng với nhiều bình luận trái chiều.

2. Mấy hôm nay, sau cú sốc kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ, nhiều người lý giải ông Trump thắng vì nhận được phiếu của “những người bị bỏ rơi”, “những người thầm lặng” – ý nói những người lớn tuổi, trình độ chuyên môn thấp, thất nghiệp, nên có điều kiện kinh tế thấp. Thật hư các con số thống kê phân loại phiếu thế nào không biết, nhưng thấy “tinh thần Trump” được nhiều người xứ mình bàn luận: nội dung tranh cử của ông ấy (về giải pháp tạo việc làm, ứng xử với người nhập cư…) đã khai thác được mong đợi của tầng lớp cử tri này (còn ông có làm được gì trong thực tế để cải thiện cuộc sống của họ hay không thì còn phải chờ).

Nước Mỹ xa xôi bất chợt kéo tôi nhìn gần lại, những gì đang diễn ra trước mắt mình, trong thành phố đông dân nhất nước này. Giải quyết công ăn việc làm luôn là vấn đề chính sách quan trọng.

Quay lại “cuộc chiến xe ôm” hiện nay, không khó để hình dung lựa chọn theo xu thế phát triển công nghệ của khách hàng. Chỉ với một cái quẹt tay, click vào phần mềm Grab cài trong điện thoại thông minh, khách đã biết tường tận đoạn đường đi, giá cả và tài xế – xe chở mình, quan trọng là nó rẻ, chuyên nghiệp, hiện đại… Cũng đang có một cuộc chiến tương tự với dịch vụ taxi, với sự xuất hiện của Grab taxi hay Uber nhưng dù sao thì thị trường lao động của các tài xế ô tô dễ luân chuyển hơn. Khó có thể trách lựa chọn của khách hàng, nhưng chính sách của Nhà nước, chí ít là chính sách an sinh xã hội, cần tính đến sự mưu sinh của những người yếu thế đang dần bị công nghệ hóa, hội nhập hóa theo trào lưu thế giới hay công nghiệp hóa trong nội bộ nước mình cho ra rìa.

3.Trong chuyến du lịch sang Thái Lan mấy năm trước, tôi được hướng dẫn viên đưa đi ăn ở một nhà hàng ở Bangkok được giới thiệu là có sức chứa lớn nhất thế giới. Khi cần thêm ớt, hướng dẫn viên người Thái cũng không giao tiếp được với nhân viên phục vụ trực tiếp vì không biết tiếng Myanmar mà phải thông qua người quản lý. Anh cho biết Thái có rất nhiều người Myanmar sang làm việc giản đơn, có chợ cá đầu mối hầu như chỉ toàn người Myanmar làm. Hỏi anh thế Bangkok không có dân nghèo thành thị à, không có xung đột việc làm à, anh nói cũng có nhưng Chính phủ Thái tạo lưới an sinh xã hội tốt cộng với quy định về mức lương tối thiểu dành cho người Thái tốt nên không dẫn đến xung đột, những người Thái có trình độ hơn thì thích ra nước ngoài làm việc…

Chợt nhớ, trong chuyến về quê hai năm trước, khi thấy tiếp viên hàng không người Thái phục vụ trên máy bay Vietjet, tôi đã rất ngạc nhiên, tự lý giải rằng chắc do cao điểm mùa Tết nên Vietjet điều chuyển tiếp viên các chuyến bay nước ngoài sang phục vụ. Sau đó, báo chí đăng tin ồn ào chuyện người nước ngoài chen chân nộp hồ sơ tuyển dụng tiếp viên hàng không tại hãng này cho cả các chuyến bay nội địa, thôi không ngạc nhiên nữa, hội nhập – mở cửa mà. Nhưng thực ra tiếp viên hàng không không phải là ngành có trình độ cao. Trước khi hình thành AEC, chỉ thấy mọi người lo chuyện lao động trong bảy ngành có trình độ cao ở ASEAN sẽ tràn vào nước ta.

Âu cao, thấp gì thì nước cũng chảy về chỗ trũng. Tôi chọn lo gần, cho các bác tài xế xe ôm truyền thống. Xa hơn một chút, lo cho từng đoàn người từ khắp các miền quê nhập cư vào thành phố. Điều gì đe dọa mưu sinh của họ, như từ gánh hàng rong hay chiếc xe đạp? Phải chăng là các chiến dịch lập lại văn minh đô thị, trật tự lòng lề đường, hay các trang web, Facebook đến món hàng ăn vặt cũng rao bán giao tận nơi, hay viễn cảnh văn minh – phân loại rác tại nhà, chuyển thẳng ra nhà máy tái chế – khiến người nghèo không còn cả rác để lượm?

Biết rằng không nên và không thể cưỡng lại quá trình hội nhập – mở cửa, công nghiệp hóa, công nghệ hóa. Nhưng rất cần lo cái lo của hiện đại hóa cho những người có nguy cơ bị bỏ lại trong tiến trình này.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —