Vì sao kỷ luật ngân sách dễ dàng bị vượt qua?

[ad_1]

Vì sao kỷ luật ngân sách dễ dàng bị vượt qua?

Tư Giang

(TBKTSG) – Ngân sách nhà nước sẽ chặt chẽ hay lại tiếp tục nới lỏng khi Quốc hội bật đèn xanh cho Chính phủ với hàng loạt chỉ tiêu ngân sách mới? TBKTSG phỏng vấn PGS.TS. Phạm Thế Anh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

TBKTSG: Thưa ông, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP trong giai đoạn năm năm tới được cam kết giảm xuống còn 3,5%, giảm rất mạnh so với tỷ lệ cao tới 6,6% trong năm 2013; 6,33% năm 2014 và ước khoảng 5,5% năm 2015. Vì sao lại chênh lệch lớn vậy?

– PGS.TS. Phạm Thế Anh: Những con số đó khác nhau về bản chất.

Có vài khái niệm về thâm hụt ngân sách. Thứ nhất là thâm hụt ngân sách tổng thể, tức tính tổng các khoản thu trừ đi tổng các khoản chi (bao gồm cả chi trả nợ gốc), âm bao nhiêu là thâm hụt ngân sách. Đó là cách tính phổ biến trước đây, và các con số công bố trước đây là thâm hụt ngân sách tổng thể.
Còn tỷ lệ thâm hụt ngân sách 3,5% trong giai đoạn tới là nằm trong khái niệm thâm hụt ngân sách cơ bản. Tức là khoản chênh lệch thuần túy giữa thu và chi trong năm, và chi không bao gồm chi trả nợ gốc. 

Điều đáng nói là tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 3,5% không có nghĩa là chính sách tài khóa của Chính phủ thu hẹp hơn trước. Hơn nữa, chi trả nợ gốc cũng ngày càng nhiều hơn vì đến hạn phải trả.
Nếu xét sâu hơn thì thấy xu hướng tài khóa vẫn mở rộng do chi tiêu rất nhiều. Chi thường xuyên không giảm được, bộ máy hành chính vẫn phình to ra. Chi đầu tư phát triển thì nhìn thấy rất rõ, khi Chính phủ đang đề xuất rất nhiều dự án cực lớn như đường sắt cao tốc, đường bộ Bắc – Nam mới, gần 20 chương trình quốc gia…

TBKTSG: Vậy cách tính toán tỷ lệ thâm hụt ngân sách đó, theo Luật Ngân sách nhà nước mới, có phù hợp với Việt Nam?

– Cách tính như vậy theo luật mới là phù hợp với thông lệ quốc tế vì loại trừ chi trả nợ gốc. Việt Nam tiệm cận cách tính đó là tốt. Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam lại loại bỏ rất nhiều các khoản chi khỏi quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, đặc biệt các khoản chi từ trái phiếu chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vấn đề đặt ra: đã tính toán theo thông lệ quốc tế thì phải theo từ đầu đến cuối! Nguyên tắc là tất cả các khoản chi của khu vực công, của Chính phủ phải được đưa vào quyết toán ngân sách thì Quốc hội mới theo dõi, giám sát được.

Vấn đề của chúng ta là do chi tiêu quá tay, chứ không phải do thu ít, hay kinh tế khó khăn. Điều tôi muốn khuyến nghị là cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay của ta còn tùy nghi, nặng về xin – cho.

Còn cách tính toán hiện nay chỉ đưa vào quyết toán những khoản chi để cân đối con số thâm hụt ngân sách 3,5% GDP thôi, và loại bỏ những khoản chi rất lớn dẫn đến vi phạm kỷ luật ngân sách, nợ công. Chẳng hạn, một phần trái phiếu chính phủ được tính vào quyết toán ngân sách, một phần rất lớn lại bị bỏ ra. Như vậy là không hay.

TBKTSG: Quốc hội đã đồng ý nới trần nợ chính phủ lên mức 54% GDP từ mức 50% GDP. Điều này có nghĩa thế nào, theo ông?

– Động tác đó mang tính kỹ thuật thôi, có nghĩa là Quốc hội hợp thức hóa mức nợ thực tế của Chính phủ, chứ không phải đặt ra mức trần mới để chặn trước nợ của Chính phủ hiện đã lên cao.
Theo tôi, tín hiệu đó là xấu vì nó cho thấy kỷ luật ngân sách rất lỏng lẻo. Anh đặt ra kỷ luật ngân sách là nợ chính phủ chỉ là 50% GDP thôi, nhưng khi kỷ luật đó bị phá vỡ thì không ai chịu trách nhiệm cả. Trong tương lai rất có thể điều này tiếp tục diễn ra.

Mặt khác, quy mô nợ chính phủ ngày càng lớn, rủi ro ngày càng tích tụ nhưng chúng ta lại không biết ngưỡng an toàn là bao nhiêu, 60% hay 70% GDP? Tuy nhiên, ngưỡng an toàn đó được quyết định bởi thị trường tài chính. Khi các định chế tài chính trong nước và quốc tế thấy quy mô nợ chính phủ đã đủ lớn, thì họ ngừng cho vay, hoặc cho vay với lãi suất rất cao. Lúc đó thì Chính phủ đi vay khó khăn hơn.

TBKTSG: Chi thường xuyên lên tới hơn 80% tổng chi ngân sách theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhưng lại chỉ khoảng 65% tổng chi ngân sách theo Bộ Tài chính. Nên hiểu các con số khác nhau này như thế nào?

– Bộ Tài chính tính toán con số chi thường xuyên như trên không bao gồm chi trả nợ gốc. Còn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có thể tính toán lại và bao gồm cả chi trả nợ gốc. Việc tính thêm chi trả nợ gốc hay không sẽ dẫn đến các con số khác nhau về thâm hụt ngân sách cơ bản và thâm hụt ngân sách tổng thể.
Chi thường xuyên trong mấy năm nay đã gấp 4 lần so với chi đầu tư phát triển.

TBKTSG: Theo ông, vì sao kỷ luật ngân sách của ta lại lỏng lẻo như vậy, rất nhiều chỉ tiêu bị vượt và dễ dàng được thông qua?

– Kỷ luật ngân sách của ta không nghiêm, không gắn được tránh nhiệm cá nhân trong phân bổ và thực hiện ngân sách. Hơn nữa, người ta không nhìn thẳng vào vấn đề, thường đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan như tăng trưởng khó khăn để biện hộ cho thâm hụt ngân sách ngày càng cao.

Nhìn vào con số tuyệt đối thâm hụt ngân sách rất đáng lo ngại. Có những năm tốc độ chi tăng xấp xỉ 20%, tức rất nhanh. Còn thu thì năm nào cũng vượt kế hoạch gần 10%.

Nói thế để thấy vấn đề của chúng ta là do chi tiêu quá tay, chứ không phải do thu ít, hay kinh tế khó khăn.
Điều tôi muốn khuyến nghị là cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay của ta còn tùy nghi. Các bộ, ngành và địa phương đề xuất dự án, rồi được phê duyệt. Đây là cơ chế nặng về xin – cho, không khuyến khích sự tự chủ của họ. Cơ chế này đương nhiên khuyến khích các bộ, ngành và địa phương vẽ thêm nhiều dự án hơn để chi tiêu nhiều hơn, thay vì phải cân nhắc, tính toán dự án nào là hiệu quả. Điều này giải thích, vì sao các dự án xây trụ sở, tượng đài hàng ngàn tỉ đồng vẫn diễn ra khó kiểm soát.

TBKTSG: Nhìn về kế hoạch tài chính công trung hạn 2017-2018, ông thấy đâu là điều đáng quan tâm nhất?

– Trong khoảng thời gian hai năm tới là đến hạn trả nợ cả gốc và lãi dồn dập. Có mấy vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tiếp tục diễn ra, tôi chưa thấy có nguồn để trả nợ. Như vậy, thông thường chúng ta sẽ đảo nợ, tức tìm những nguồn vay mới để đảo nợ, hay vay chính các tổ chức đã cho vay đó với hợp đồng mới để trả nợ. Vấn đề là khi quy mô nợ ngày càng tăng, tín nhiệm thấp đi, thì lãi suất có thể sẽ cao hơn, làm gánh nặng nợ tăng lên. Đó là rủi ro ta phải đối mặt.

Bên cạnh đó, phát hành nhiều trái phiếu chính phủ sẽ kéo theo tăng cung tiền mạnh, làm rủi ro lạm phát tăng cao. Nếu có tác động từ thị trường quốc tế, thì rủi ro lạm phát của Việt Nam bị kích hoạt. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp đang bị Chính phủ cạnh tranh rất gay gắt về tiếp cận vốn.

>>>Thu chi ngân sách: càng nhìn càng lo

[ad_2]

— Đăng bởi HH —