Vì sao phải đẩy mạnh khởi nghiệp cho ĐBSCL?

[ad_1]

Vì sao phải đẩy mạnh khởi nghiệp cho ĐBSCL?

Trung Chánh

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, trình bày tại cuộc họp hôm nay, 6-9, tại Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần phải đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển vì hiện nay khu vực này ngày càng tụt hậu so với cả nước, theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ.

Tại cuộc họp “Chương trình khởi nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2016-2020” được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ hôm nay, 6-9, ông Lam đặt câu hỏi: “Vì sao chúng ta phải phát động chương trình khởi nghiệp cho ĐBSCL?”.

Ông Lam cho rằng nếu một nền kinh tế có quá ít doanh nghiệp về số lượng, thì Chính phủ đó sẽ không có nguồn thu về thuế, trong khi thuế là nguồn thu chính của Chính phủ.

“Tại các địa phương của ĐBSCL, địa phương nào có số lượng doanh nghiệp ít và yếu, thì hầu như địa phương đó không đủ sức mạnh về ngân sách cho các hoạt động của họ”, ông cho biết.

Nhìn về các nước phát triển, theo ông Lam, thống kê đến năm 2015, Anh có 5,4 triệu doanh nghiệp và nếu chia cho bình quân số dân, thì cứ khoảng 12 người dân sẽ có 1 doanh nghiệp; Mỹ bình quân cứ 11 dân sẽ có 1 doanh nghiệp. Trong khi đó, ở Việt Nam, bình quân cả nước hiện nay là 256 dân mới có 1 doanh nghiệp và khu vực ĐBSCL số dân trên mỗi doanh nghiệp là gấp đôi so với cả nước, đây là con số quá thấp so với các nước phát triển.

“Chúng ta so sánh như vậy là hơi khập khiểng, nhưng để thấy rằng vì sao chúng ta phải đẩy mạnh chương trình này (chương trình khởi nghiệp cho ĐBSCL)”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Lam, ở từng địa phương trong vùng ĐBSCL, thì hầu như các doanh nghiệp đều xuất phát từ các cơ sở làm ăn trong dân và phát triển lên thành doanh nghiệp. Trong khi đó, ở giai đoạn hội nhập với yêu cầu cần phải có năng lực cạnh tranh tốt, thì các doanh nghiệp lại bị “đuối sức”, cho nên cần phải có một lực lượng doanh nghiệp mới, có kỹ năng, năng lực cạnh tranh hội nhập tốt để kế thừa và chương trình khởi nghiệp cho ĐBSCL là một “bài toán” cần thiết.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với vùng ĐBSCL hiện nay là làm sao chương trình khởi nghiệp phải đi vào thực chất, chứ không phải là một xu hướng, chạy theo phong trào như đã xảy ra.

“Trong năm 2015 và 2016, cả nước đã có một chiến dịch ồ ạt về khởi nghiệp và hầu như ngày nào cũng có chương trình khởi nghiệp”, ông Lam cho biết.

Thế nhưng, vấn đề là cho dù có rất nhiều chương trình khởi nghiệp như vậy, nhưng số lượng doanh nghiệp lại không như mong muốn.

“Đây là vấn đề mà các anh chị làm công tác hoạch định và xây dựng chương trình cho tỉnh mình phải đặt ra vì chương trình mục tiêu của khởi nghiệp là tạo ra các doanh nghiệp có khả năng lớn dần và giải quyết được số lượng lao động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách”, ông nói.

Minh họa cho việc khởi nghiệp ít hiệu quả ở ĐBSCL, ông Lam nêu trường hợp Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại Thành phố Cần Thơ (KVIP) khánh thành từ năm 2015, được chính phủ Hàn Quốc tài trợ rất lớn (17,7 triệu đô la Mỹ), nhưng đến nay chỉ mới có 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc vào.

“Chúng ta có rất nhiều chương trình vườn uơm, nhưng chúng ta không ươm tạo được, đây là vấn đề trong chương trình chúng ta phải đặt ra”, ông cho biết.

VCCI Cần Thơ cũng đã có một chương trình khởi nghiệp cho khu vực ĐBSCL, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của chương trình là thúc đẩy, khơi dậy tinh thần kinh doanh, trong đó, chú trọng đến các bạn trẻ sinh viên, giúp họ thực hiện ý tưởng khởi nghiệp hơn là làm trong các công ty để ăn lương; đồng thời hướng những bạn trẻ là những kỹ sư, nhân viên đang làm việc tại các đơn vị có sự sáng tạo, có ý tưởng mới để chuyển hóa thành sản phẩm mới phục vụ kinh doanh…

Còn mục tiêu cụ thể của chương trình này, theo VCCI Cần Thơ, là hình thành trung tâm khởi nghiệp, kết nối các vườn ươm hiện có, tạo thành mô hình “đô thị khởi nghiệp” tại Cần Thơ đến năm 2020; tạo dựng lực lượng 1.000 doanh nghiệp mới từ nay đến năm 2020; giải quyết 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp; hỗ trợ đầu vào kết nối đầu ra cho KVIP và vườn ươm của Đại học Cần Thơ…

Thông tin từ VCCI Cần Thơ, cho biết bên cạnh những công việc đã thực hiện, thì từ tháng 10 đến 12-2016, chương trình “Khởi nghiệp khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016-2020” sẽ tổ chức cuộc thi khởi nghiệp; thiết kế trung tâm ươm tạo VCCI; xây dựng sàn giao dịch ý tưởng và đến tháng 1-2017 sẽ vận hành trung tâm ươm tạo VCCI.

 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —