Vì sao vô lý nhưng vẫn làm?

[ad_1]

Vì sao vô lý nhưng vẫn làm?

Tâm An

Hàng hóa nhập khẩu phải nằm cảng thêm rất lâu (nếu không thuộc trường hợp cho về kho bảo quản) vì thời gian kiểm tra chuyên ngành kéo dài. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Câu hỏi là tại sao những trì trệ, bất cập, vô lý của hoạt động kiểm tra chuyên ngành vẫn cứ tồn tại dù doanh nghiệp đã ngàn lần kêu cứu, lên án và Chính phủ đã có nghị quyết, chỉ thị phải thay đổi? Nhiều người cho rằng, đó là vì tư duy thích quản lý của các bộ, ngành. Nhưng, không chỉ có vậy.

Chuẩn thế giới?

Liên quan đến câu chuyện tất cả các lô hàng (không kể một chiếc hay nhiều chiếc) của nhóm hàng điện, điện tử đều phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu, đại diện của Bộ Công Thương tham dự đoàn khảo sát về hoạt động kiểm tra chuyên ngành do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với dự án GIG của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện đã khẳng định, đây là việc làm được thực hiện theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Và quy định của Việt Nam đúng theo chuẩn thế giới.

Việc phải kiểm tra từng lô hàng dù các lô hàng có cùng nhà sản xuất, cùng mẫu thiết kế… là vì cơ quan chức năng đã từng phát hiện có trường hợp nhập khẩu lô đầu tiên thì tốt nhưng lô sau lại dở, nhất là hàng từ Trung Quốc. Ông này cho rằng, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ trên hợp đồng là chất lượng đã khác.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, các chuyên gia khi nghe phản ánh của doanh nghiệp (chẳng hạn như chuyện nhập khẩu máy lạnh, tổng giá trị lô hàng 8.000 đô la Mỹ cho 8 mẫu nhưng phí kiểm nghiệm hết 130 triệu đồng) không nên xúc động quá! Bởi theo thống kê của Bộ Công Thương thì mỗi năm doanh thu máy điều hòa không khí ở Việt Nam là 10.000 tỉ đồng và chi phí kiểm nghiệm chỉ từ một đến hai tỉ mà thôi!

Tuy nhiên, chính ông này cũng thừa nhận, để thực hiện theo chuẩn thế giới kia, doanh nghiệp hiện chỉ có thể thực hiện tại một trung tâm kiểm nghiệm duy nhất là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest 1) nằm ở Hà Nội dù đang có chín trung tâm kiểm nghiệm trên cả nước do đầu tư cho phòng kiểm nghiệm động cơ là khá tốn kém.

Trong khi đó, câu chuyện tương tự ở ngành dệt may thì được những người xây dựng chính sách (cũng của Bộ Công Thương) lý giải rằng, thế giới có nhiều tiêu chuẩn và chưa chắc đã tốt hơn Việt Nam nên phải kiểm tra hết.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia của dự án GIG, chia sẻ theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu và thực hiện kiểm tra từng lô hàng, thay vì chấp nhận kết quả của lô trước đó cũng như thừa nhận kết quả của các nước trên thế giới. Có những kiểm tra không thể lý giải, chẳng hạn như cơ quan đăng kiểm kiểm tra chất lượng của xe Rolls Royce. Trong khi năng lực để thực thi, trong nhiều trường hợp còn không đủ.

Và nguyên lý “những nồi cơm”

Một cán bộ tham dự đoàn khảo sát nói bên lề với TBKTSG Online rằng, bản chất của câu chuyện kiểm tra 100% các lô hàng (thay vì quản lý rủi ro) là do ngân sách nhà nước. Theo bà này, Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành năm nào cũng giao chỉ tiêu thu nộp ngân sách cho các cơ quan. Thế nên, các cơ quan quản lý phải lo thu cho nhiều để đảm bảo yêu cầu.

Mỗi lô hàng phải thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu (thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ) chỉ phải đóng lệ phí 150.000 đồng để nhận thông báo kết quả, nhưng một ngàn lô, một triệu lô thì con số đã rất khác! Tiền này đều được nộp thẳng vào kho bạc. Đó là chưa kể các cơ quan hiện nay đều đã tự chủ tài chính, nghĩa là tự thu, tự chi nên phải lo kiếm tiền trả lương, nâng cao đời sống cán bộ nhân viên.

Cách đây chưa lâu, bà V.T. L. P, một chuyên gia chính sách công, kể cho TBKTSG Online nghe câu chuyện hậu trường khi xây dựng dự thảo thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của một bộ. Bà kể, giữa lúc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 (lần 2), yêu cầu rà soát lại công tác kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa thì bộ này lại đề xuất thêm một thủ tục cho doanh nghiệp. Và để chuẩn bị cho ngày quy định có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước này còn thành lập hẳn một ban bệ chờ “ngồi đếm tiền”! Rất may, quy định này bị phản ứng dữ dội nên cuối cùng đã phải loại khỏi dự thảo. Tuy nhiên, theo bà P., đây chỉ là một thành công hiếm hoi của những người làm công tác đánh giá tác động chính sách như bà. Có rất nhiều quy định được cơ quan quản lý cài cắm rất tinh vi. Bởi lẽ, đây chính là những nồi cơm mà họ không thể từ bỏ!

Và cũng vì những nồi cơm nên bộ, ngành nào cũng muốn tham gia kiểm tra chuyên ngành. Thống kê của ngành hải quan cho thấy có đến hơn 343 văn bản quy phạm pháp luật, từ luật đến quyết định của các bộ ngành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành. Con số này, theo ông Thắng, trong thực tế còn cao hơn và chưa nói đến việc các văn bản còn thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung nhưng không được cập nhật chính thức.

Những việc có thể làm ngay

Ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, nêu quan điểm thời gian qua, Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi 125 thông tư liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành nhưng như vậy vẫn còn manh mún, chưa thay đổi toàn diện được thực trạng của kiểm tra chuyên ngành. Theo ông, Chính phủ phải tự ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, không giao việc này cho các bộ dẫn đến tràn lan, chồng chéo như hiện nay. Chính phủ cũng phải là cơ quan quy định thống nhất về quy trình, thời gian, phương thức, nguyên tắc kiểm tra, tránh để tình trạng mỗi bộ yêu cầu mỗi kiểu như đang diễn ra.

Chính phủ cũng cần phải giám sát, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các chương trình phục vụ cho việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Dù đã chính thức khai trương từ cuối năm 2014 nhưng đến nay, cổng thông tin này chỉ mới có 10/18 bộ ngành kết nối kỹ thuật với một số thủ tục đơn giản. Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì nhưng không thể đốc thúc các đơn vị đồng cấp.

Đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị phải thay đổi tư duy về kiểm tra chuyên ngành theo hướng cho phép thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro, tức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện công nhận kết quả lẫn nhau… thay vì 100% lô hàng như hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa là cần điều chỉnh các luật như Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đồng thời với quản lý rủi ro là các chế tài nghiêm khắc với doanh nghiệp vi phạm, có biện pháp quản lý, giám sát các công chức thực thi.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —