Vụn vặt những mẩu tin ngân hàng

[ad_1]

Vụn vặt những mẩu tin ngân hàng

Hải Lý

Thông tin về Eximbank là một trong những thông tin nóng đối với giới tài chính – ngân hàng. Ảnh: TUỆ DOANH

(TBKTSG) – Cuối tuần rồi gặp một doanh nhân, hỏi ông câu lãng xẹt để đưa đẩy câu chuyện: “Tin tức nào trong tuần này anh quan tâm nhất?”. Ông trả lời: “Vừa ít vừa nhiều. Ít vì có tin tìm hiểu mãi không thấy báo nào đề cập. Nhiều vì có tin báo nào cũng đăng. Nhưng tôi suy nghĩ không dứt về việc xử án Ngân hàng Xây dựng”. Ông nhận xét thêm: “Càng ngày các ông chủ ngân hàng lấy tiền của ngân hàng càng dễ. Phạm Công Danh chả có học vấn gì về ngân hàng, kinh nghiệm cũng không, vẫn có thể lấy hàng ngàn tỉ đồng”. Nghe sao chua chát!

Chưa hết. Trước đó một ngày nguyên tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank) và chín thuộc cấp đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố. Mười cán bộ của NaviBank đã lập hồ sơ vay vốn đứng tên nhân viên để lấy 200 tỉ đồng tiền ngân hàng gửi vào VietinBank hưởng lãi suất chênh lệch và bị Huyền Như chiếm đoạt.

Vụ án Huyền Như tiếp tục nằm trong diện mở rộng điều tra, là một trong những vụ án trọng điểm sẽ được đem ra xét xử tới đây, nó thêm vào danh sách đã khá dài các vụ án có liên quan đến ngành ngân hàng, mà hầu như cứ một vài tuần trên các phương tiện truyền thông lại xuất hiện tin tức về khởi tố, bắt tạm giam, tòa xử án nhân viên tổ chức tín dụng này, kia. Đã thế, xử một vụ án, làm rõ ra bao nhiêu chi tiết đến những ngân hàng liên đới. Như trong vụ Ngân hàng Xây dựng, tòa phải hỏi tới người đại diện của mười mấy ngân hàng.

Tuy nhiên, đáng lưu ý hơn cả là chi tiết Phạm Công Danh khai đã trả cho Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại dương, 500 tỉ đồng để mua cổ phần của Ngân hàng Xây dựng. Nếu sự thật đúng như vậy, thì tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng đã đến hồi báo động!

***

Nói đến sở hữu chéo, người ta không thể không nhắc đến việc lần thứ ba trong năm nay Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) hoãn họp đại hội đồng cổ đông chỉ ba ngày trước thời điểm ấn định họp. Trong một văn bản gửi Hội đồng quản trị Eximbank ngày 29-7-2016, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank kiểm tra rà soát các thông tin được một cổ đông cá nhân phản ánh theo công văn mà Eximbank đã gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước đó một tuần, ngày 22-7-2016. Cổ đông cá nhân này nguyên là thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, đã gửi một đơn kiến nghị dài cỡ chục trang đến Eximbank xem xét sự bất hợp pháp của các nhóm cổ đông giới thiệu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ tới.

Trên thực tế, trừ cổ đông nước ngoài và Vietcombank, chiếm tổng cộng khoảng 38% cổ phần Eximbank bằng nguồn tiền thực có, tức không vay mượn ngân hàng, rất khó để tìm ra một nhóm cổ đông nào đó đang sở hữu cổ phiếu Eximbank ở vị trí cổ đông lớn mà không vay mượn ngân hàng. Họ thế chấp chính cổ phiếu Eximbank ở những ngân hàng khác để vay tiền mua tiếp cổ phiếu Eximbank. Vấn đề này NHNN biết cả. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trong một lần trao đổi với người viết bài này vào tháng 6-2016, kể đích thân người đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Sumitomo, cổ đông ngoại và cổ đông tổ chức lớn nhất của Eximbank hiện nay, đã làm việc với ông để bày tỏ mong muốn NHNN đưa người vào hội đồng quản trị để ổn định nhân sự Eximbank. Sumitomo cam kết với Thống đốc sẵn sàng hỗ trợ Eximbank ở mức tối đa có thể để phát triển ngân hàng. Đây là lợi thế mà không phải ngân hàng nào cũng nhận được từ cổ đông ngoại.

Những năm trước Sumitomo thường xuyên tài trợ cho Eximbank hàng trăm triệu đô la Mỹ lãi suất thấp để Eximbank cho doanh nghiệp trong nước vay. Thống đốc nhấn mạnh không phải NHNN không biết đứng đằng sau một số nhóm cổ đông lớn là ông chủ của một tổ chức tín dụng khác. Chính vì thế NHNN đã yêu cầu thanh tra đột xuất Eximbank, đồng thời chấn chỉnh hậu thanh tra ở một số ngân hàng.

***
Khi câu chuyện Eximbank chưa hề lắng xuống, giới kinh doanh địa ốc ở TPHCM đang truyền nhau thông tin về ông chủ của một ngân hàng có trụ sở ở thành phố, rao bán các dự án bất động sản ở quận 4, huyện Bình Chánh để có tiền trả nợ. Những công ty bất động sản khỏe mạnh hỏi nhau ai có đủ tiền để mua các dự án đó khi mà giá trị của chúng được người bán định giá ở mức hàng ngàn tỉ đồng/dự án.
Một doanh nghiệp phân tích, đường đi sẽ lại là lấy dự án đó cầm cố ở ngân hàng, vay tiền để trả cho người bán. Ông chủ ngân hàng bán được dự án có tiền, ông có trả nợ cho ngân hàng không, không biết, nhưng dự án từ nay sẽ thuộc về ngân hàng, còn công ty bất động sản trở thành con nợ. Đấy là cách mà ông chủ ngân hàng mượn bàn tay công ty bất động sản để rút ruột chính ngân hàng. Doanh nghiệp trên nói, làm bất động sản, mua bất động sản hiện nay phải hết sức tỉnh táo, nếu không dễ “dính bẫy” của mấy ông chủ ngân hàng như chơi!

[ad_2]

— Đăng bởi HH —