Vượt hàng rào ENT – quá nhiều cách

[ad_1]

Vượt hàng rào ENT – quá nhiều cách

Quốc Hùng

Tập đoàn Casino (Pháp) với 33 điểm bán Big C nhưng có nhiều pháp nhân khác nhau. Ảnh: QUỐC HÙNG

(TBKTSG) – Theo báo Tuổi Trẻ, liên quan đến thương vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Tổng cục Thuế đã gửi văn bản đến các bên liên quan “yêu cầu kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn” với ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương “có biện pháp xử lý kịp thời để phòng chống việc thành lập, phát triển cơ sở bán lẻ trái phép” từ tình huống “lách luật” của tập đoàn Casino (Pháp) – lập nhiều pháp nhân dưới cùng một thương hiệu Big C, trong khi thực tế các cơ sở kinh doanh bán lẻ này được vận hành theo hệ thống.

Theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ ngày 1-1-2009, Việt Nam đã mở cửa cho các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, để mở địa điểm thứ hai trở lên, các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Các  nhà bán lẻ ngoại đã tìm những cách khác nhau để vượt hàng rào ENT này, nhằm phát triển nhanh chóng thị trường.

Vào Việt Nam qua ngả… M&A

Trong hai năm gần đây, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài chọn con đường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) để vào Việt Nam. Họ sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn để thâu tóm những chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp trong nước hoặc những hệ thống siêu thị nước ngoài muốn rút khỏi Việt Nam. Bằng cách này, các nhà bán lẻ nước ngoài nhanh chóng sở hữu nhiều điểm bán với một lượng khách hàng lớn có sẵn và cả một đội ngũ nhân sự am hiểu thị trường cùng nhà cung cấp chuyên nghiệp… mà phải mất thời gian 5-7 năm mới có được nếu họ tự gầy dựng.

Điều này đã lý giải vì sao Central Group (Thái Lan) đã chạy đua quyết liệt với hơn 20 nhà bán lẻ khác để sở hữu hệ thống 33 siêu thị Big C, 10 cửa hàng, và trang điện tử Cdiscounts tại Việt Nam với số tiền đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Hay như trước đó, tập đoàn TCC (Thái Lan) đã bỏ ra 655 triệu euro để thâu tóm 19 điểm bán Cash & Carry của tập đoàn Metro (Đức). Trước hai nhà bán lẻ đến từ xứ chùa vàng này, tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng chọn cách M&A, với việc mua lại nhiều cổ phần của chuỗi cửa hàng bán lẻ Citimart tại TPHCM và chuỗi siêu thị Fivimart tại Hà Nội…

Các thương vụ M&A này đã khiến nhiều người không khỏi phân vân về những khoảng trống pháp lý. Các tập đoàn phân phối nước ngoài khi mua lại doanh nghiệp trong nước hay chuỗi siêu thị nước ngoài ở Việt Nam có được xem như là trường hợp đầu tư mới vào Việt Nam, tức có được mua nhiều hơn một doanh nghiệp với ý nghĩa là cơ sở bán lẻ thứ hai trở lên hay không? Và doanh nghiệp có vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có chịu sự hạn chế mở điểm bán theo quy định ENT như cam kết WTO hay không?

Đến nhượng quyền thương hiệu

Sớm hơn con đường M&A, nhiều năm qua, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường nhượng quyền kinh doanh (franchise).

Đầu năm 2010, nhà bán lẻ Parkson (Malaysia) đã khai trương trung tâm thương mại (TTTM) thứ tư tại TPHCM (và là trung tâm Parkson thứ sáu khi đó trên cả nước). Việc này đã gây sự chú ý của nhiều nhà phân phối. Bởi lẽ trung tâm này, Parkson Flemington, xuất hiện ngay bên cạnh dự án khu phức hợp The EverRich ở góc đường 3-2 và Lê Đại Hành, quận 11, nơi mà tập đoàn Lotte Shopping (Hàn Quốc) đã mất một thời gian khá dài đeo đuổi xin giấy phép mở TTTM nhưng ở thời điểm đó vẫn chưa được (sau này Lotte Shopping đã được đồng ý). Khi đó, dư luận đặt câu hỏi, tại sao đều là hai nhà đầu tư bán lẻ lớn của nước ngoài nhưng người được, người không?

Tuy nhiên, sự việc trên không phải là lần đầu diễn ra. Vào giữa năm 2008, ngay cả các cơ quan quản lý cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài cũng bất ngờ khi thấy Parkson đưa vào hoạt động TTTM Parkson C.T gần sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đó, trao đổi với TBKTSG, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) đều khẳng định là không có giấy phép mở TTTM mới cho Parkson tại khu vực này. Tuy nhiên, trung tâm Parkson C.T đến nay vẫn hoạt động xuyên suốt. Những thắc mắc này, ngay sau đó, được lãnh đạo Parkson Việt Nam tiết lộ rằng TTTM Parkson Flemington là do một công ty 100% vốn trong nước làm chủ đầu tư và Parkson chỉ là đơn vị được thuê làm quản lý điều hành. Dự án Parkson C.T cũng vậy.

Giới kinh doanh bàn tán, việc được thuê làm quản lý của Parkson như thế nào thì chưa rõ, nhưng về cơ bản hai trung tâm đầu tư theo hình thức 100% vốn trong nước này lại đều mang tên Parkson và người tiêu dùng đến hai trung tâm này đều hưởng một số tiện ích giống như bốn trung tâm khác mà Parkson đã đầu tư kinh doanh trực tiếp.

Theo giới kinh doanh, trường hợp của Parkson không phải là cá biệt, vậy Parkson và những doanh nghiệp khác có bị coi là lách luật trong kinh doanh bán lẻ?

Và thành lập nhiều pháp nhân

Tuy nhiên, hướng đi được cho là từ lâu nhất và tồn tại đến nay của một số nhà bán lẻ nước ngoài là thành lập nhiều pháp nhân để được mở nhiều điểm bán rộng khắp. Cụ thể là trường hợp của tập đoàn Casino (Pháp) với 33 điểm bán Big C nhưng có nhiều pháp nhân khác nhau. Trong đó, riêng tại TPHCM, có tám điểm bán nhưng lại có đến năm pháp nhân do một công ty con của Casino hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam thành lập.

Một chuyên gia tư vấn đầu tư cho rằng: quy định ENT hiện còn “mơ hồ”, chưa có hướng dẫn cụ thể về nhu cầu kinh tế và cụ thể hóa các tiêu chí xem xét cấp phép, mỗi địa phương làm mỗi kiểu dẫn đến doanh nghiệp khó quyết định trong kinh doanh. Điều này buộc họ tìm hướng đi khác là lập nhiều pháp nhân, để ít nhất mỗi pháp nhân này được mở một điểm bán. Hiện luật pháp không cấm một doanh nghiệp thành lập nhiều pháp nhân.

Đó là chưa kể, đặc thù trong ngành bán lẻ, điều quan trọng là tìm mặt bằng. Các mặt bằng kinh doanh thuộc sở hữu của nhiều doanh nghiệp ở những địa phương khác nhau. Do đó, nếu muốn mở kinh doanh tại các mặt bằng này thì nhà bán lẻ phải hợp tác với chủ sở hữu những mặt bằng đó. Nếu 33 mặt bằng Big C đang kinh doanh đều khác chủ thì buộc Casino phải thành lập 33 pháp nhân riêng chứ không thể nhập thành một pháp nhân được. Còn việc Casino kết nối tất cả 33 điểm bán này thành một tên gọi và vận hành theo hệ thống là chuyện dễ hiểu trong việc liên kết nhằm tạo sự nhận biết thương hiệu và tận dụng lợi thế của nhau trong vận hành để giảm chi phí, tạo sức mạnh cạnh tranh.

Chuyên gia này cho rằng ngay cả đơn vị bán lẻ trong nước như Saigon Co.op cũng làm điều này. Saigon Co.op đã thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID) để giao nhiệm vụ phát triển hệ thống siêu thị Co.opmart ở nhiều tỉnh, thành. Để có mặt bằng kinh doanh tại mỗi địa phương, SCID cũng liên kết với các chủ khu đất ở các địa phương bằng cách thành lập những pháp nhân riêng “Vậy ở đây có hay không chuyện “lách luật” trong kinh doanh (theo cách đánh giá hiện nay đối với tập đoàn Casino)?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.

Trở lại vụ việc của Big C, theo các chuyên gia, hệ thống luật pháp bao giờ cũng tồn tại kẽ hở. Việc các doanh nghiệp tận dụng kẽ hở này là lẽ tự nhiên. Bịt kẽ hở là chức năng của Nhà nước. Không thể cứ có một kẽ hở luật pháp được phát hiện ra thì lại bắt doanh nghiệp gánh chịu, dẫn đến môi trường kinh doanh rủi ro, bất an.

Theo báo Tuổi Trẻ, phía cơ quan thuế nhận định Big C Việt Nam có dấu hiệu né quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Cụ thể, “trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ (ngày 18-5-2016), Bộ Công Thương cho biết các công ty thuộc hệ thống Big C Việt Nam đều hoạt động dưới hình thức công ty độc lập, hạch toán kế toán xác định lãi lỗ theo từng đơn vị, tức là xác định doanh thu, chi phí và kê khai, nộp thuế riêng.

Thậm chí tại một số địa phương, các công ty này hoạt động theo mô hình công ty độc lập, quản lý chi nhánh hạch toán phụ thuộc như Big C Hải Phòng quản lý một số chi nhánh phụ thuộc tại Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang; hoặc Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nhật quản lý 17 chi nhánh phụ thuộc tại 17 tỉnh, thành phố khác nhau…”.

 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —