Cảnh báo ngộ độc sắn nếu ăn không đúng cách

Củ sắn có hàm lượng tinh bột khá cao, giá trị dinh dưỡng như một số loại của khoai lang, khoai tây, khoai môn… Nó chứa nhiều cacbonhydrate cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể, ngoài ra còn có kali và chất xơ.

Vì thế đây là một món ăn khá quen thuộc ở nhiều vùng quê và miền núi.Do có nhiều tinh bột, củ sắn còn được dùng để chế bột làm bánh, làm mạch nha và chế rượu, chất xơ ngăn ngừa táo bón và các bệnh tim mạch. Sắn còn có tác dụng cân bằng lượng nước trong máu.

Ngoài ra, củ sắn còn được ứng dụng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo làm giấy, dệt, làm chất kết dính. Sắn thái lát, phơi khô có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi lợn và gia súc.

Tuy có khá nhiều công dụng, nhưng sắn củ chủ yếu được dùng làm thức ăn chăn nuôi do nó có chứa độc tố. Nếu không biết chế biến hoặc ăn không đúng cách rất dễ bị ngộ độc.

Nếu không phải người chuyên trồng sắn thì khó có thể nhận biết được. Loại sắn ngọt (mọi người vẫn thường ăn) có hàm lượng HCN ít hơn nhưng cũng có thể gây nguy hại nếu không chế biến đúng cách. Nguyên nhân là chất này không bị phá hủy bởi nhiệt độ sôi. Ăn phải hàm lượng HCN có thể bị ngộ độc.

Chất độc trong sắn là HCN. Chất này có nhiều trong sắn cao sản. Loại sắn này thường dùng để sản xuất bột ngọt hoặc làm thức ăn cho gia súc, chứa nhiều độc tố, vị đắng, người ăn rất dễ bị ngộ độc. Sắn cao sản có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước, loại cây thấp, cuống lá đỏ nhạt, ngọn non màu xanh nhạt, đốt dày, lá màu xanh lục.

Biện pháp phòng tránh độc:

– Không sử dụng sắn cao sản, sắn đắng để ăn. Nếu nghi ngờ là các loại sắn này thì tuyệt đối không được ăn.

– Với sắn ngọt, phải chế biến ngay sau khi dỡ sắn, nếu không thì phải vùi củ xuống đất.

– Lột sạch vỏ rồi ngâm vào nước, tốt nhất là nước gạo.

– Đầu củ chứa nhiều độc nên phải cắt bỏ.

– Luộc đến lúc sôi thì mở vung cho chất độc thoát ra.

– Khi luộc nên thay nước 2-3 lần để loại bỏ chất độc.

– Nên ăn sắn với đường hoặc mật để trung hòa độc tố trong sắn.

– Không nên ăn vào buổi tối vì có thể các triệu chứng ngộ độc xảy ra vào ban đêm sẽ không phát hiện kịp hoặc không kịp thời đưa đi cấp cứu.

– Không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là trẻ em.

– Không ăn sắn lúc đói vì sẽ dễ bị ngộ độc hơn.

– Nếu thấy sắn có vị đắng thì không được ăn nữa.

– Với món lá sắn muối chua, phải rửa lá thật sạch, ngâm nước lâu hoặc luộc kĩ trước khi ăn.

– Sắn nướng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ngộ độc sắn. Vì vậy tốt nhất không nên ăn theo kiểu này.