Có một cái rất nhỏ ít bị ngó

[ad_1]

Có một cái rất nhỏ ít bị ngó

Lưu Thị Lương

(TBKTSG) – Mình có thói quen thích đọc, tò mò đọc, háo hức như đứa con nít mới được vỡ mặt chữ, từ đó sinh ra cái tật đọc đủ thứ. Nhớ hồi bắt đầu biết chữ, hễ thấy thứ gì có chữ là đọc coi cho hết. Coi chừng chó dữ. Nhà bán. Miếng báo cũ gói xôi, gói bánh mì… Thậm chí lớn rồi vẫn chịu khó và khó chịu đọc những thứ rải rác ven đường. Khoan cắt bê tông. Cấm đổ rác. Rút hầm cầu. Nhà cho thuê. Cần người ở ghép. Cần nữ phục vụ ngoại hình đẹp. Đất nền siêu rẻ, chạy 5 phút tới trung tâm thành phố…

Rồi từ từ, chẳng còn món hàng gì gói bằng giấy nữa. Chất dẻo mà mình cứ quen miệng gọi là bao, bịch nylon đã thay thế giấy. Chất dẻo trong suốt, màu mè, thường thì không có chữ. Vậy là chẳng còn gì để đọc cho đỡ ghiền con mắt.

Không dè, thói quen này được sống lại từ hồi báo giấy báo mạng, đài truyền thanh, đài truyền hình đồng loạt và thường xuyên đưa những tin tức về chuyện ăn uống hàng ngày. Lúc thì bắt gọn, khi thì bắt quả tang nào là xe tải chở hàng, nào là cơ sở chế biến đồ ăn đồ uống không bao bì, không nhãn mác. Thế là tự nhiên mỗi lần cầm những bao bì đựng món ăn đồ uống, mình lại cố nheo cho tới híp mắt mà đọc cho biết, cho tường tận những chữ số li ti, lí tí in chi chít trên đó. Nói vậy thôi, dễ gì đọc được, nếu không có cái kính lúp nhấc lên, nhấc xuống cho chữ nở to ra.

Vậy, đọc gì trước đây?

Lon, chai nước ngọt có ga và không ga, nước trái cây, bia rượu, nước mắm, nước tương, tương ớt, nước sốt tẩm ướp, dầu ăn, chay mặn đều dùng được.

Vỏ hộp bánh kẹo, kem, sữa…

Cá, thịt đóng hộp, mì gói, snack…

Những đồ tươi sống đã qua chế biến đóng gói như há cảo, chả lụa, chả giò, chả cá…

Trên mỗi cái bao bì sặc sỡ luôn có một chỗ đầy đặc chữ số nhỏ không thể tỏ. Cứ nheo mắt hết sức có thể và sẽ đọc thấy như sau, từ trên xuống dưới. Ví dụ trà chanh gồm có đường, chất điều chỉnh độ axit, chất tạo ngọt, màu thực phẩm, hương chanh tự nhiên (Lưu ý! Hương chứ không phải mùi). Ví dụ chả giò tôm cua gồm rất ít phần trăm tôm cua, rất nhiều phần trăm thịt mỡ, chất độn rau củ, và một lô một lốc chất phụ gia đương nhiên là hóa chất được ký hiệu bằng những chữ số rất bác học mà những người đã từng đạt điểm cao môn hóa khi học bậc trung học cũng không biết. Tra “gu – gồ” mới biết E là mã số dùng để chỉ phụ gia thực phẩm. Chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống ôxy hóa, chất điều chỉnh độ axit, chất tạo đặc, chất nhũ hóa, chất ổn định, chất điều chỉnh độ pH, chất chống đông vón, chất điều vị, chất tạo ngọt, chất tạo bọt…Tóm lại là nhiều vô thiên lủng. Đọc đều đều vậy mà chỉ nhớ được mỗi số E621 là bột ngọt.

Còn nữa, nhãn trên chai dầu ăn có loại ghi palm oil, có loại olein là palm oil tinh chế, có loại canola… Nhãn chai nước mắm khi thì ghi độ đạm, khi thì ghi độ N, cộng thêm mùi cá, mấy chất phụ gia, vài chất bảo quản. Và thắc mắc chẳng biết hỏi ai, tinh chất cá là cái thứ gì?

Tình cờ, nhà có đứa cháu ba đời đang học ngành quản trị kinh doanh. Một bữa vừa đi học về, nó làm bộ mặt nghiêm trọng nhắc nhở bà con: “Nếu có mấy chữ cong cong như cái khóa sol ở đầu khuông nhạc là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Cả nhà nghe xong, ngơ ngác: “Vậy nữa sao!?”.

Thời đại nghe nhìn khiến người ta làm biếng đọc. Mà một tỉ năm nữa, chắc cũng chưa có loại chữ in phát ra tiếng khi có tay người chạm vào, như kiểu đồ dùng cảm ứng. Vậy thôi, cứ tập thói làm siêng đọc bao bì cho lành. Cũng như cho ngần ngại, cho đỡ áy náy, lo lắng, phập phồng, hồi hộp cái chuyện “ẩm thực vi tiên”. Lỡ có bị mắc bệnh ngặt nghèo cũng đỡ kêu trời xanh sao không thấu.

Ậy, đó là còn chưa rảnh để đọc vỏ chai dầu gội dầu, dầu tắm, kem dưỡng da, son môi, má hồng… Mấy thứ đó không trực tiếp nuốt vào bụng, chắc cũng không đến nỗi!? Hén! 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —