Còn đâu động lực tăng trưởng!

[ad_1]

Còn đâu động lực tăng trưởng!

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nhiều doanh nghiệp dệt may xuất khẩu thiếu đơn hàng vào những tháng cuối năm nay. Ảnh: TL TBKTSG.

(TBKTSG) – Trong nhiều năm qua xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, nhưng từ năm ngoái động lực này đã giảm sút nghiêm trọng và đà tụt dốc đó thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong những tháng đầu năm nay.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tính đến giữa tháng 7-2016 chỉ còn tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đây rõ ràng là con số rất đáng báo động so với mức tăng bình quân tới 18%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 17,2%/năm trong giai đoạn năm năm trước đó.

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân làm xuất khẩu những tháng đầu năm của Việt Nam giảm tốc là do kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường chủ chốt của Việt Nam giảm. Bên cạnh đó, nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt nhóm hàng nông, thủy sản, cũng gây áp lực mạnh lên xuất khẩu của Việt Nam.

Nhận định trên không sai, nhưng chắc chắn không phải là nguyên nhân chủ chốt vì sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu giờ vẫn tốt hơn những năm trước đây và tình hình xuất khẩu cũng mâu thuẫn với hàng loạt cơ hội được mở ra sau khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước. Lời giải thích hợp lý hơn cho hiện tượng giảm sút đà tăng trưởng xuất khẩu chính là ở những nguyên nhân chủ quan ở trong nước. Đó có thể là cơ chế chính sách chưa hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp; xuất khẩu vẫn dựa vào thâm dụng lao động, cạnh tranh bằng giá cả là chính; và do làm ăn gian dối khiến cho khách hàng phải tăng cường đề phòng.

Tại một hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức vào đầu tuần trước, các doanh nghiệp dệt may đã nêu ra bức tranh khá ảm đạm khi ngày càng có nhiều khách hàng có xu hướng chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng chỉ ra nhiều bất cập về quy định, thủ tục hồ sơ xuất khẩu làm xói mòn sức cạnh tranh của họ, như thủ tục và tần suất kiểm tra kiểm dịch động thực vật, thủ tục kiểm tra hóa chất với hàng mẫu và các vướng mắc khác khi doanh nghiệp nhập máy móc thiết bị, nhất là thiết bị in… Các doanh nghiệp trong những ngành xuất khẩu chủ lực khác như da giày, thủy sản cũng gặp phải những trở ngại tương tự.

Bên cạnh đó, việc các nước dựng lên ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật và áp dụng chế độ kiểm tra khắt khe hơn với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp. Nhưng suy cho cùng đây cũng là lỗi của chúng ta. Cụ thể, đó là việc chúng ta vẫn cho phép dùng nhiều loại hóa chất cho nông sản mà nhiều nước trên thế giới đã cấm hoặc hạn chế sử dụng; cùng với đó là sự làm ăn gian dối, như bơm tạp chất vào tôm và sử dụng hóa chất, kháng sinh vô tội vạ. Nguy hiểm hơn là sự gian dối còn được tiếp tay bởi những cán bộ biến chất của nhà nước. Vụ kiểm nghiệm khống để lưu hành hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản và hóa chất xử lý cải tạo môi trường nuôi thủy sản mới bị phát hiện là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, cơ cấu hàng xuất khẩu cũng là một điểm yếu cố hữu của Việt Nam. Nhìn vào 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong sáu tháng đầu năm nay, có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết là những ngành đều sử dụng số lượng lao động rất lớn và chủ yếu gia công lắp ráp ở công đoạn cuối. Vì thế, mỗi khi có biến động về chi phí nhân công, như tăng tiền lương tối thiểu hay phí công đoàn, bảo hiểm xã hội… sẽ tác động mạnh đến chi phí sản xuất và lập tức làm suy yếu sức cạnh tranh, vốn chủ yếu bằng giá cả, của doanh nghiệp.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —