Đại khái nói chung là tương đối

[ad_1]

Đại khái nói chung là tương đối

Nguyễn Thị Hậu

(TBKTSG) – Không khó để đọc hoặc nghe thấy lời đánh giá, nhận xét bằng những từ này. Nó phổ biến đến mức ghép các từ lại cũng thành một câu như “trạng từ” chỉ tình trạng hay tính chất của sự việc, hành động, thậm chí là tính cách của một con người. Thử tìm hiểu thì biết một số nghĩa như:

Đại khái: chỉ trên những nét lớn, nét khái quát, không đi sâu vào chi tiết, cụ thể.

Biết đại khái, đại khái câu chuyện chỉ có thế.

Là lối làm việc chỉ chú ý những cái chung chung, thiếu đi sâu vào những cái cụ thể làm đại khái thôi!

Đồng nghĩa: đại loại, đại thể, phiên phiến

Khẩu ngữ: qua loa đại khái

Nói chung: nói một cách bao quát, không tính đến cái có tính chất cá biệt, bộ phận: tình hình nói chung là tốt; công việc nói chung có tiến triển…

Đồng nghĩa: nhìn chung

Tương đối: ở một mức nào đó, trong quan hệ so sánh với những cái khác cùng loại; kết quả tương đối tốt, kinh tế tương đối phát triển… có nghĩa ở mức đại khái trên trung bình, có thể tạm hài lòng: hình thức trông cũng tương đối…

Đại khái, nói chung, tương đối không mang tính định lượng mà là định tính bởi không cụ thể, cảm quan, lưng chừng, không khẳng định… kiểu nhận xét nói chung như vậy không làm mất lòng ai, dễ làm vừa lòng người nghe dù có thể hiểu là không khen, đồng thời khi đánh giá tương đối thì nhận xét đó có thể là đại khái, như vậy người ta có thể dễ lẩn tránh trách nhiệm của mình.

Vì sao người ta thường bằng lòng với kiểu đánh giá này, cả từ hai phía?

Cứ theo sự giải nghĩa những từ ngữ này thì cần nhìn từ hai phía.

Hoặc bản thân sự việc hiện tượng đã thể hiện sự qua loa, không cụ thể, không đạt một chuẩn mực nào cả, không có kết quả như lẽ ra nó phải đạt.

Hoặc là thể hiện thái độ của người nhận xét một cách qua loa đại khái vì không hiểu biết cụ thể, sự hai mặt của nhận xét khi không khẳng định khen, chê, phê phán hay khuyến khích, muốn hiểu thế nào cũng được.

Nhưng cả hai bên đều bằng lòng với sự mù mờ không rõ ràng, thậm chí là giả dối.

Tất nhiên, bản thân những từ này không mang nghĩa tiêu cực hay tích cực, vì vẫn có những hiện tượng sự việc có tính chất mức độ như vậy. Nhưng khi nó phổ biến và được coi là “cần thiết” của sự đánh giá thì nhận xét không còn khách quan. Có thể thấy nguyên nhân xuất phát từ sự vô trách nhiệm. Nhân cách con người xã hội luôn gắn liền với trách nhiệm đối với chính mình và với cộng đồng. Người ta thường lo mất uy tín nhưng không coi trọng tinh thần trách nhiệm.

Có thể nhìn thấy vô số những ví dụ từ đời thường đến “chính sự” được đánh giá, nhận xét như vậy, cả bằng lời nói và văn bản, cho thấy tính đại khái, sự nửa vời và giả dối đã trở thành phổ biến trong xã hội. Bởi vì sự nửa vời dễ làm người ta hài lòng với những cái gì mình có, tự biện minh cho những yếu kém và ngại thay đổi, do đó người ta dễ dàng thỏa hiệp để có sự “ổn định”. Nhưng cứ mãi “ổn định” thì sẽ là trì trệ, lạc hậu.

Cũng như vận hành máy móc. Khi nhìn thấy những dấu hiệu trục trặc đầu tiên, hư hỏng nhẹ, đáng lẽ phải tìm ngay cách thức khắc phục thì nhiều người tự nhủ, máy vẫn chạy được, không sao, rồi đâu vào đấy. Đến khi dấu hiệu mang tính nguy cơ cũng chưa vội tìm hiểu hỏng cái gì và khắc phục như thế nào, mà lại đi tìm “đứa nào làm hỏng” vì cho rằng nhất định phải có một ai đó phá hoại thì máy mới hỏng; không nghĩ rằng, sự vận hành sai và không bảo trì máy thường xuyên chính là nguyên nhân đầu tiên. Tức là luôn đi tìm nguyên nhân khách quan mà ít khi tìm nguyên nhân từ phía chủ quan. Nếu có cũng là những nguyên nhân không thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai!

Tiếc rằng, khi chưa tìm được cái đứa làm hỏng thì máy đã ngừng chạy hoặc cho ra đời những phế phẩm! Lúc đó thì đã muộn, nếu chữa được thì máy giảm tuổi thọ, chất lượng sản phẩm giảm, nhưng hầu hết máy phải “đắp chiếu”. “Cái sảy nảy cái ung” từ thói qua loa đại khái sau đó đổ thừa không dám chịu trách nhiệm. Nhưng có vẻ như tính cách này đang phổ biến trong mọi mặt đời sống xã hội. Dần dần nó trở thành căn bệnh trầm kha và tạo thành nhân cách con người. Thói tùy tiện vô trách nhiệm có thể không làm chết người ngay lập tức nhưng nó tạo ra các phế phẩm gây hại cho con người và lãng phí cho xã hội. Khi sản phẩm là chính con người thì xã hội không có chuẩn mực, luật pháp tùy tiện, cản trở sự phát triển.

“Đại khái nói chung là tương đối” không chỉ là một cách nói mà là một cách làm, nó thể hiện tính cách lười biếng, tùy tiện và không có ý thức công dân. Hãy dạy con trẻ làm “đến nơi đến chốn” vì đó là kỹ năng, tính cách và đạo đức cần thiết đầu tiên của một con người. Mỗi người chỉ cần làm đúng công việc và làm hết trách nhiệm của mình, khi đó xã hội sẽ như guồng máy được vận hành đúng quy trình, giảm thiểu hư hỏng và giữ được độ bền máy móc. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” ngay từ điều này chứ không phải từ lý tưởng xa vời. 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —