Đại Nội Huế – Kiến trúc lịch sử vô giá

[ad_1]

Hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền nhà Nguyễn là ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. 

Hệ thống thành quách ở đây là mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có, tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế – đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh… 

Ðại Nội, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau. Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng để hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng hơn 100 công trình thì phải đến thời vua Minh Mạng vào năm 1833, mọi việc mới được hoàn tất. 

Khu vực quan trọng và rộng lớn nhất là Tử Cấm Thành xây dựng gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m, vòng tường chung quanh cao 3,5m. Trong khu vực này có gần 50 công trình kiến trúc, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)… 

Mặc dù có rất nhiều công trình lớn nhỏ được xây dựng trong khu vực Hoàng Thành, nhưng tất cả đều được đặt giữa thiên nhiên với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm, tạo nên một khung cảnh hài hòa, vừa nên thơ, vừa cổ kính. 

Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi, chiếm không đầy một nửa con số ban đầu. Nhưng là tài sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người trong suốt một thời gian dài, khu di tích Đại Nội đang dần được trả lại dáng xưa cùng các di tích khác nằm trong quần thể kiến trúc đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Được sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ của bè bạn gần xa trong cộng đồng quốc tế thông qua các cuộc vận động nhằm cứu vãn, bảo tồn và phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của di sản văn hóa Huế, nhiều di tích ở hoàng cung Huế đã từng bước được phục hồi, trở lại nguyên trạng, cùng nhiều công trình khác đang được bảo quản, sửa chữa, góp phần gìn giữ khu di tích lịch sử thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

V.T

[ad_2]

— Đăng bởi HH —