Để ngân sách có lợi tối đa

[ad_1]

Để ngân sách có lợi tối đa

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nhà đầu tư đang chờ công bố giá khởi điểm của lô cổ phiếu Vinamilk (VNM) sắp được đấu giá trên sàn chứng khoán vào ngày 2-12 tới. Ảnh: Một dây chuyền sản xuất sữa của Vinamilk. Ảnh TL

(TBKTSG) – Thị giá cổ phiếu Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đạt đỉnh cao nhất 156.000 đồng (sau khi chia tách và trả cổ tức) vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2016. Hiệu ứng tăng giá của Vinamilk được hỗ trợ mạnh bởi thông tin Chính phủ quyết định thoái hết vốn nhà nước tại đây từ năm ngoái. Quyết định nêu rõ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được giao lập đề án thoái vốn trình Chính phủ. Tuy nhiên phải gần một năm sau, ngày 23-9-2016 SCIC mới họp báo chính thức công bố việc thoái vốn tại Vinamilk đợt đầu, giảm sở hữu nhà nước từ 44,7% xuống còn 35,7%.

Ngày 2-12 tới được ấn định là thời điểm đấu giá cổ phiếu Vinamilk. Thị trường vẫn đang chờ công bố giá khởi điểm. Giá này sẽ phải dựa chủ yếu vào thị giá Vinamilk trên sàn. So với giá đỉnh, hiện giá Vinamilk đã giảm 11,2% còn xấp xỉ 138.000 đồng/cổ phiếu.

Sản xuất và kinh doanh sữa đã được xác định là ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Thủ tướng cũng chỉ đạo trong thoái vốn Vinamilk không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, mà chào bán công khai, mọi nhà đầu tư đều có quyền tham gia. Mục tiêu đã rõ ràng: việc thoái vốn phải mang lại hiệu quả kinh tế tối đa cho ngân sách. Nói thẳng là Nhà nước bán được giá càng cao, ngân sách càng có lợi.

Thế nhưng phải đến cuối tháng 9-2016 SCIC mới công bố việc thoái vốn và sau đấy là thời gian để chọn lựa nhà tư vấn quốc tế cùng nội địa. Việc thoái vốn được ấn định vào đúng thời điểm thị trường đang trầm lắng, khối ngoại liên tục bán ròng và Vinamilk là cổ phiếu bị nước ngoài bán ròng nhiều nhất.

Ở đây dường như thiếu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thời điểm để việc thoái vốn ở Vinamilk đạt được mức giá tốt nhất, không phải giá đỉnh thì ít nhất cũng không cách quá xa giá đỉnh. Thông thường bán cổ phần cho đối tác chiến lược, những tổ chức bắt buộc phải nắm giữ khoản đầu tư từ 3-5 năm không được chuyển nhượng, giá bán có thể được chiết khấu 5-10% so với thị giá trên sàn. Nhưng cổ phiếu Vinamilk được chào bán công khai cho mọi đối tượng, không có điều khoản nắm giữ lâu dài, có nghĩa là sau khi mua, nhà đầu tư có thể giao dịch ngay. Việc chiết khấu ở đây cần phải được nhìn nhận dưới góc độ thực tế đó.

Việc thoái vốn Vinamilk lần này có ý nghĩa quan trọng, mở màn cho việc thoái vốn nhà nước ở Habeco, Sabeco và một số công ty niêm yết khác. Có một thực tế cần phải chỉ ra, đó là khi SCIC thoái vốn ở các doanh nghiệp niêm yết nhỏ và trung bình, SCIC luôn chọn thời điểm giá đang trong giai đoạn đi lên, nên giá bán thường cao hơn thị giá. Không ít cá nhân, tổ chức đã mua lô lớn theo giá thỏa thuận để làm chủ doanh nghiệp. Vì sao kinh nghiệm này không được vận dụng trong việc thoái vốn ở Vinamilk? Tất nhiên quy mô doanh nghiệp khác nhau, không thể áp dụng nguyên xi một bài, song chọn thời điểm thoái vốn và tạo sức cầu trước khi thoái vốn là việc không thể bỏ qua.

Phải chăng việc thoái 9% vốn ở Vinamilk phải thực hiện bằng được trong tháng 12 bất chấp VN-Index cao thấp để ngân sách có thêm nguồn thu? Vậy việc thoái phần vốn còn lại ở Vinamilk, ở Habeco, Sabeco sẽ thế nào?

Bán vốn nhà nước là bán tài sản quốc gia và những “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk nền kinh tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đã đến lúc phải tập hợp, xây dựng một đội ngũ chuyên bán vốn nhà nước với những người có kinh nghiệm, năng lực, trình độ bài bản để làm lợi cho quốc gia ở mức tối ưu.     

[ad_2]

— Đăng bởi HH —