Dệt may: “Chúng tôi thực sự khó khăn”

[ad_1]

Dệt may: “Chúng tôi thực sự khó khăn”

Nguyệt Trúc

Sáu tháng đầu năm, dệt may đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 12,67 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn mức tăng trưởng kỳ vọng. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG) – Đơn hàng thiếu, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp dừng đầu tư mới, thậm chí thu hẹp sản xuất… là những vấn đề mà ngành dệt may, một trong những ngành chủ lực thu về ngoại tệ nhiều nhất cho cả nước, gặp phải. Điều gì đang xảy ra với ngành này trong sau tháng đầu năm nay?

Chi phí tăng; đơn giá, đơn hàng giảm

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty May Hưng Yên, chia sẻ tổng công ty có 13 doanh nghiệp với hơn 14.000 lao động. Nếu như mọi năm, tới thời điểm này số lượng đơn hàng của tổng công ty đủ cho cả 13 công ty con làm gia công cả năm, thì năm nay, tình hình kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi chỉ có đủ đơn hàng cho công nhân làm đến hết tháng 8 và vẫn chưa ký được đơn hàng mới. Chúng tôi đang phải ăn đong”, ông Dương nói.

Ông Dương cho biết thêm: chi phí trong nước thì liên tục tăng mạnh trong khi đơn hàng ít, khách hàng yêu cầu giảm giá từ 10-15%, thậm chí giảm sâu tới 20% mà May Hưng Yên vẫn phải chấp nhận làm. “Ăn cháo còn hơn nhịn đói”, ông Dương ví von. Ông cũng tự an ủi: May Hưng Yên có tiềm lực tài chính nên còn có cháo để ăn, chứ nhiều công ty khác đang rất khó khăn, thậm chí tới bờ vực phá sản.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sông Hồng, bộc bạch: nhìn biểu đồ hoạt động kinh doanh của Sông Hồng từ năm 2011, doanh thu có biến động lúc tăng lúc giảm nhưng chi phí từ các khoản nộp thì vẫn tăng cao trong khi lợi nhuận lại liên tục giảm. “Doanh nghiệp Việt Nam lớn sao được với môi trường kinh doanh hiện nay?”, ông đặt câu hỏi.

Ba yếu tố khiến hàng dệt may nói riêng và nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung không thể cạnh tranh với các nước là chính sách tỷ giá cố định, tiền lương tối thiểu và lãi vay ngân hàng.

Ông Thịnh kể lại, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chính sách chưa nặng nề như bây giờ nên Sông Hồng và nhiều doanh nghiệp trong ngành may “có của ăn của để” và mở rộng sản xuất để có quy mô trên 10.000 lao động. Nhưng những năm gần đây tình hình đã đảo chiều khi chi phí liên tục tăng chóng mặt sau mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu, đặc biệt là chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn. Mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu là Sông Hồng mất đi khoảng 50-60 tỉ đồng. Năm nay tình hình lại càng khó khăn hơn khi doanh thu giảm, lợi nhuận giảm, đơn hàng giờ cũng không đủ. “Các doanh nghiệp đang phải nhận đơn hàng khắp nơi, có cái gì nhận cái đó để cho qua cơn bĩ cực này”, ông Thịnh nói.

Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tại Thái Nguyên, cho hay một mặt chi phí tăng cao và liên tục trong nhiều năm, mặt khác khách hàng yêu cầu giảm giá bán. Mặc dù công ty đã áp dụng đủ hình thức tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ nhưng rõ ràng với mức tăng chi phí lao động, chi phí lãi vay ngân hàng và đủ các chi phí khác thì sự cải tiến của doanh nghiệp không thể bù đắp được. Nếu thực sự không cố gắng, với chính sách nhà nước như thế này thì thặng dư, tích lũy trong những năm vừa qua mà TNG có được sẽ hết sạch.

“Để kiếm được một đơn hàng vào thời điểm này chúng tôi phải vật lộn, chiến đấu và cạnh tranh khốc liệt, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà với cả doanh nghiệp ở các nước khác… Chúng tôi thực sự khó khăn!”, ông Thời nói.

Còn theo vị giám đốc một công ty sản xuất giày xuất khẩu tại Bình Dương, khách hàng đang rời bỏ Việt Nam chủ yếu là để tìm đến các nước có chi phí sản xuất thấp như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ… Tại những nước này, chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Việt Nam, trong đó, họ không quy định tiền lương tối thiểu tăng theo hàng năm và tỷ lệ bảo hiểm xã hội chỉ chừng 18% (Việt Nam là 22%). Đó là chưa kể việc đến năm 2018, doanh nghiệp tại Việt Nam có thể phải đóng bảo hiểm xã hội trên tổng quỹ tiền lương, tức bao gồm cả các phụ cấp khác. Bà nêu nhận định: “Đơn hàng chựng lại, chi phí lao động ngày càng tăng, đến một lúc nào đó, doanh nghiệp tại Việt Nam không chịu nổi sức ép về gia tăng giá lao động, khách hàng phải gánh thêm chi phí này nên họ cũng không chịu và họ sẽ rời bỏ”. Bà cho biết thêm là năm nay, chi phí lao động chiếm khoảng 65-70% tổng giá thành sản xuất của công ty, thay vì 60-65% như năm trước.

Bà cũng cho biết trước đây công ty của bà từng tính chuyện mở rộng sản xuất tại các tỉnh miền Tây, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, công ty đã từ bỏ ý định. Không những vậy, trong những năm trước, số lao động của công ty thường duy trì ở mức 2.000 công nhân, hiện chỉ còn khoảng 1.500 công nhân, để giảm chi phí. Việc huy động thêm lao động chỉ diễn ra khi cần thiết.

Tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong sáu tháng đầu năm đạt 12,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng kỳ vọng và chỉ đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas, cho hay đây là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm qua. Đáng chú ý, sự tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.

Theo Vitas, việc thiếu đơn hàng trước mắt các doanh nghiệp vẫn có thể khắc phục được nhưng từ tháng 8 trở đi, đơn hàng có vẻ “đuối”, đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh. “Tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành khó đạt được 29 tỉ đô la Mỹ chứ chưa nói tới mục tiêu 31 tỉ đô la Mỹ đưa ra hồi đầu năm”, ông Cẩm nói.

Đâu là nguyên nhân khiến ngành dệt may lao đao tới vậy? Theo ông Cẩm, nguyên nhân là do ngành này đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nước đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka. Ấn Độ đang tập trung nguồn lực cũng như chính sách từ phía nhà nước để phát triển ngành dệt may. Campuchia, Myanmar… được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU.

Bên cạnh yếu tố bên ngoài, chính sách trong nước không “nuôi dưỡng” mà lại gây áp lực tới doanh nghiệp như việc tăng lương tối thiểu và một số quy định kiểm tra chuyên ngành không hợp lý.

Phân tích của ông Nguyễn Xuân Dương, May Hưng Yên cho thấy, ba yếu tố khiến hàng dệt may nói riêng và nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung không thể cạnh tranh với các nước là chính sách tỷ giá cố định, tiền lương tối thiểu và lãi vay ngân hàng.

Cụ thể, chính sách tỷ giá của Việt Nam ổn định và neo vào đồng tiền mạnh là đô la Mỹ, trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đã điều chỉnh giảm rất mạnh: euro đã mất 18% giá trị; yen Nhật 17%; nhân dân tệ 8%… Đồng thời, đồng tiền các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như ASEAN, Ấn Độ, Bangladesh cũng giảm từ 10-20%. “Như vậy, chỉ riêng yếu tố tỷ giá đã làm cho hàng dệt may đắt hơn so với các nước khác từ 10-16%”, ông Dương nói.

Bên cạnh yếu tố tỷ giá, lãi vay ngân hàng trong nước từ 8-10%/năm, cao gấp hai đến ba lần so với các nước đối thủ khác hay tiền lương tối thiểu liên tục tăng bình quân từ 12-15% cũng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng chóng mặt.

Theo ông Dương, nếu cộng cả ba yếu tố trên thì hàng dệt may của Việt Nam đang đắt hơn các nước từ 20-30% khiến doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể cạnh tranh được, đơn hàng theo đó chuyển đi sang các nước khác.

Chính vì những khó khăn kể trên, đã có rất nhiều doanh nghiệp dừng hoài bão mở rộng sản xuất để đón đầu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thậm chí thu hẹp hoạt động.

Theo trang Emerging Textiles, thị trường nhập khẩu quần áo của EU trong quí 1-2016 nhìn chung hồi phục trở lại sau khi trải qua khủng hoảng nghiêm trọng vào năm ngoái khi đồng euro và bảng Anh mất giá. Nhìn chung, nhập khẩu hàng dệt may của EU trong quí 1-2016 có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước về số lượng và kim ngạch tính theo euro, nhưng giảm nhẹ về kim ngạch tính theo đô la Mỹ.

Trong quí đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc sang EU giảm 9,9% về số lượng và giảm 12,2% về giá trị tính theo đô la Mỹ. Sự sụt giảm này được bù đắp bằng sự tăng trưởng xuất khẩu của nước khác vào EU, trong đó, nổi bật nhất là Bangladesh. Trong quí 1-2016, xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang EU tăng 8,1% về số lượng và 8% về kim ngạch tính theo đô la Mỹ.

Nếu chỉ tính đến hàng may mặc thuộc chương 61 (quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc) thì Bangladesh có thể nhanh chóng trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường EU tính về số lượng, và thị phần cũng đã lên đến 27,8% so với mức 31,9% của Trung Quốc. Tuy nhiên, tính về kim ngạch, Bangladesh chỉ chiếm 21,8%, còn cách xa mức 30,5% của Trung Quốc.

Xếp sau Trung Quốc và Bangladesh là Thổ Nhĩ Kỳ và Campuchia. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng thị phần dệt may tại EU cả về số lượng và kim ngạch, còn nhập khẩu dệt may từ Campuchia đã tăng 18% về số lượng và 20,7% về kim ngạch tính theo đô la Mỹ trong quí 1-2016.

Nếu tính cả giai đoạn 5 năm vừa qua, xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc sang EU đã giảm 20% về số lượng, trong khi nhập khẩu từ Bangladesh tăng 60%. Xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia qua thị trường này cũng đã đạt hơn gấp đôi. Xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam và Pakistan sang thị trường EU cũng tăng mạnh, nhưng không tăng ngoạn mục như Bangladesh và Campuchia.

Cũng theo trang Emerging Textiles, tính trong 5 năm qua, những nước có đồng tiền yếu hơn đã có lợi thế về giá khi xuất khẩu sang EU. Trung bình giá xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 16%, Ấn Độ giảm 21% và Sri Lanka giảm 26%, tính theo giá đô la Mỹ.

Thu Nguyệt

 

Cơ giới hóa sản xuất có là giải pháp thoát hiểm?

Các ngành thâm dụng lao động như dệt may, thủy sản, da giày là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất trước việc tăng lương tối thiểu hàng năm. Vậy việc cơ giới hóa sản xuất có giúp họ giảm phụ thuộc vào việc tăng lương tối thiểu hay không?

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên: Trong lĩnh vực thời trang thì… không

Các khâu có thể tự động hóa được như đóng cúc, thùa khuy… thì chúng tôi đã tự động hóa rồi. Thực tế, đối với ngành thời trang thì không ai mặc giống ai, có nhiều kiểu, nhiều size và mức sống ngày càng khá lên thì nhu cầu tiêu thụ hàng thời trang càng đa dạng. Tại Mỹ, người nữ đang tiêu dùng 123 sản phẩm may mặc/năm, người nam tiêu dùng 90 sản phẩm may mặc/năm. Do đó, đặt vấn đề cơ giới hóa trong lĩnh vực thời trang là viển vông. Các công ty may chỉ cơ giới hóa một số công đoạn nào đó thôi, còn lại vẫn phải làm thủ công.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): Dệt được, may không

Lương tối thiểu cao và liên tục tăng trong thời gian qua nên bản thân doanh nghiệp đã thay đổi bằng cách tự động hóa nhiều công đoạn sản xuất. Đối với ngành sợi, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa hoàn toàn nên đã giảm được từ 450 lao động xuống còn 250 lao động cho nhà máy năm vạn cọc. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã có nhà máy tự động hóa gần hết với nhiều máy móc cực kỳ hiện đại. Ngành dệt và ngành nhuộm hoàn tất cũng đã đầu tư tự động hóa, số lao động sử dụng trong nhà máy giảm đi rất nhiều, thậm chí giảm tới 60% lao động.

Đối với ngành may lại là chuyện khác, chúng ta không thể tự động hóa toàn bộ với ngành thời trang vì nó đa dạng, phong phú về văn hóa, kiểu dáng, nhất là thời trang phụ nữ. Hiện nay, một số công đoạn trong ngành may đã được tự động hóa như thùa khuy, dập cúc…Trước một người lao động ngồi một máy nhưng giờ có những công đoạn một người lao động có thể ngồi hai máy hoặc ba máy.

Trong tổng chuỗi giá trị ngành dệt may thì ngành may chiếm tới 82% tổng nhu cầu lao động, ngành sợi, dệt, nhuộm chỉ chiếm 18%. Do đó, việc tự động hóa cũng không giảm được đáng kể tổng lực lượng lao động trong toàn ngành dệt may nói chung.

Tại một số nước phát triển, các sản phẩm đồ thể thao, đồ bơi, thun đã được tự động hóa toàn bộ, kể cả công đoạn may. Tôi đã chứng kiến một robot sản xuất một áo sơ mi nam chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, giá thành rất đắt, khoảng 1.200 đô la Mỹ/sản phẩm thì không ai mua được. Đây có thể chỉ là kỳ vọng trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Hay là chọn làm những gì máy không làm được

Tại Mỹ, do giá gia công tăng cao nên họ đã bắt đầu sản xuất máy không cần may. Vừa rồi tôi đi hội chợ về ngành dệt may ở Nhật Bản và Mỹ thì ngành dệt đã dệt được luôn ra áo, không cần qua công đoạn may.

Đúng là ngành thời trang sẽ khó có khả năng tự động hóa hoàn toàn nhưng trước xu hướng chi phí cho lao động tăng cao như vậy thì tự động hóa cũng là giải pháp cần tính tới. Theo tôi, những gì rẻ nhất thì tự động hóa được nhưng cái gì cao cấp thì làm bằng lao động. Để tồn tại, có thể các doanh nghiệp Việt Nam phải đi theo hướng sẽ làm những gì máy móc không thể làm được.

Một điều cần tính tới là nếu tự động hóa ngày càng được áp dụng trong ngành dệt may thì sẽ có một lực lượng lao động lớn thất nghiệp. Đây là kịch bản không ai mong muốn.

Kiều Phong ghi

 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —