Dĩ hòa liệu có vi quý?

[ad_1]

Dĩ hòa liệu có vi quý?

Bảo Uyên

(TBKTSG Online) – Daniel Degrood (quốc tịch Mỹ) là một giáo viên dạy yoga và đã sống hơn 11 năm tại TPHCM. Thời gian gần đây, Daniel bỗng nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook sau hành động chặn xe ô tô đi sai làn đường trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1). Đây không phải lần đầu anh làm việc này. Trả lời một tờ báo, Daniel cho biết đã từng hàng chục lần chặn xe máy, ô tô, xe buýt đi lấn tuyến, ngược chiều. Trước Daniel, cũng đã từng có nhiều người nước ngoài kiên quyết chặn xe lưu thông sai quy định ở Hà Nội.

Daniel Degrood chặn ô tô đi sai làn trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TPHCM) – Ảnh: Zing.vn

Những video clip ghi lại hình ảnh các ông Tây chặn xe vi phạm luật giao thông luôn nhận được hàng ngàn lượt like (thích) và share (chia sẻ) trên các diễn đàn, mạng xã hội. Đa số đều tán thưởng, khen ngợi hành động này.

Điều này cho thấy, trước những hành động thiếu ý thức khi tham gia giao thông, người Việt cũng có tâm lý bức xúc, ngán ngẩm chứ không hề vô cảm. Thế nhưng tại sao chúng ta không thấy người Việt nào thực hiện những hành động phản tỉnh cộng đồng một cách quyết liệt như cách mà Daniel đã làm?

Báo chí từng đưa nhiều câu chuyện về những người tình nguyện đứng ra phân luồng giao thông vào giờ cao điểm kẹt xe hay sửa xe miễn phí giúp người dân khi có triều cường, mưa lớn ngập đường. Rõ ràng, những “soái ca” Việt trên đường phố không thiếu. 

Hành động nào cũng đáng quý trọng cả nhưng dường như người Việt chỉ xuất hiện ở những tình huống mang tính chất giúp đỡ, hỗ trợ mà không phải là đích thân đứng ra ngăn cản một hành động xấu. Phải chăng nó xuất phát từ tâm lý “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm, né tránh các tình huống buộc phải đưa ra quyết định?

Nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Duy Hải và nhóm sinh viên cộng sự (Đại học Văn Hiến) đăng trên Tuổi Trẻ ngày 11-10 cho thấy một câu trả lời tương tự. Khi phỏng vấn 400 người dân sinh sống dọc hai bên đường Trường Sa và Hoàng Sa (quận Bình Thạnh) về việc bảo vệ môi trường tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kết quả khảo sát chỉ ra những con số khá hạn chế về thái độ bảo vệ môi trường của người dân. Tỷ lệ người dân lập tức nhắc nhở người xả rác xuống kênh chỉ chiếm 29,8%. Tỷ lệ người dân sẵn sàng báo với các cơ quan chính quyền khi thấy người khác xả rác chỉ chiếm 5,8%. Khi nhìn thấy người khác đánh bắt cá tại kênh, chỉ có 17,3% số người được khảo sát nói rằng họ sẵn sàng lên tiếng nhắc nhở. Khi thấy người khác tiểu tiện, phóng uế xuống kênh thì chỉ có 16% lập tức nhắc nhở và 8% báo cho cơ quan chính quyền. Nguyên nhân chủ yếu cho thái độ thiếu tích cực này là sợ bị hành hung, chửi mắng hoặc bị trả thù.

“Dĩ hòa vi quý”, tránh xung đột vẫn là tư duy chủ đạo của rất nhiều người Việt trong các vấn đề thường nhật như giao thông, môi trường, thói quen sinh hoạt… Người ta khuyên nhau “một sự nhịn là chín sự lành”. “Nhịn” hay “hòa” đều có tác dụng giảm bớt căng thẳng, hạn chế xung đột, giữ gìn yên ổn. Nhưng khi pháp luật bị vi phạm, an toàn giao thông bị ảnh hưởng, kiên trì “dĩ hòa” liệu có thể “vi quý” mãi được?

Với Daniel, câu trả lời rõ ràng là “không”. Anh cho biết nguyên nhân khiến anh làm việc này một cách kiên định và quyết liệt trước hết là vì chính bản thân mình. Những năm đầu sống ở Việt Nam, khi chứng kiến cảnh người tham gia giao thông thiếu ý thức, tuy rất ngao ngán nhưng anh vẫn bỏ qua, cho đến một lần anh bị xe đi lấn tuyến ngược chiều đâm phải. Từ đó, Daniel quyết định phải lên tiếng, nhắc nhở và ngăn chặn những hành động vi phạm luật giao thông.

Đương nhiên, khi thực hiện hành động phản tỉnh cộng đồng một cách quyết liệt, anh cũng vấp phải rất nhiều trở lực. Thực tế, trong số hàng chục lần chặn xe đi sai làn, Daniel đã thường xuyên bị tài xế có lời lẽ, hành động xúc phạm và đe dọa dùng vũ lực. Nhưng anh không e ngại điều này, không phải chỉ nhờ “có thân hình to lớn” mà còn bởi anh tin mình đang làm một điều đúng. Phản ứng mạnh mẽ trước cái sai, có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân. Nhưng nếu bỏ qua bằng một cái chép miệng hay lắc đầu, việc bạn trở thành nạn nhân cũng không phải là điều không thể xảy ra.

Hành xử theo kiểu “một sự nhịn chín sự lành” sẽ mang đến cho bạn hòa khí, tránh va chạm, rắc rối nhưng bầu không khí ấy chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Mâu thuẫn không được giải quyết mà chỉ tích tụ, sẽ có lúc nó đến điểm bùng phát – một tai nạn, sự cố xảy ra và bạn thành nạn nhân.

Phương châm sống ấy còn vô tình tước đi của bạn quyền được cảm thấy tổn thương và quyền được phản ứng với nguyên nhân gây nên tổn thương. Daniel kể rằng có rất nhiều người hôm ấy chứng kiến anh chặn ô tô đi sai làn nhưng chỉ biết đứng đó quay phim, chụp ảnh. Họ không hề đả động gì đến chiếc xe chạy ngược chiều kia. Phải chăng những người này cũng quên mất rằng mình đang là “nạn nhân” khổ sở trong dòng xe ách tắc mà chiếc ô tô kia là một trong những nguyên nhân gây nên?

Daniel nói anh không muốn chặn xe của ai. Anh chỉ muốn nhìn thấy điều gì đó thay đổi. Sự thay đổi đó hẳn nhiên sẽ không đến từ những cái chép miệng hay lắc đầu – những thứ chỉ chứng minh bạn là một chứng nhân bàng quan chứ không phải là một tác nhân tích cực trước một vấn đề xã hội. 

Những người dân sống quanh bờ kênh Nhiêu Lộc có thể thờ ơ, chịu nhịn những hành vi thiếu văn minh nhưng không thể không đối mặt với một thực tế: nếu không làm gì, dòng kênh sẽ ngày càng ô nhiễm, người phải nhận lấy mùi xú uế từ dòng kênh bẩn đầu tiên chính là họ.

“Dĩ hòa” đâu có nghĩa là bạn sẽ có được bình yên.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —