Đỉa

[ad_1]

Đỉa

Dương Trọng Huế

(TBKTSG) – Sẽ có người bảo tôi là khùng vì viết về con vật gì dễ thương không viết lại đi tả con đỉa gớm ghiếc bao giờ. Nhưng đã có lúc tôi nghiệm ra mình không thể hít thở lại những giây phút thủa ấu thơ mà có thể gạt con đỉa khỏi những mảnh ghép của bức tranh hoài niệm ấy.

Khi còn sống, bà ngoại tôi hay nói trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Bà tin vào khả năng tự đàn hồi và dẻo dai trường tồn của thiên nhiên vạn vật. Bà cũng bảo trời sinh ra con người, con trâu thì cũng sinh ra con đỉa, như cái thiện và cái ác song hành ở kiếp người. Mỗi khi đứa nào kỳ kèo đòi bà mua quà vặt, bà bực mình mắng là dai như đỉa. Thế là bọn nhóc chúng tôi thôi không mè nheo nữa.

Dạo ấy, cái ao nhà bà rộng mấy mẫu nằm kế bên đường cái. Ao bèo đầy ắp cá tôm. Những khi rảnh rỗi, tôi chỉ việc ra bụi tre bẻ một cành rồi tước sợi dây chuối mỏng buộc một đầu vào que tre làm cần câu. Mồi câu thì dễ lắm, chỉ lật viên gạch trên nền đất sét đặc quánh trong vườn là một đám giun đất cuống cuồng bò ra. Tôi buộc đầu còn lại của sợi dây vào thân con giun đất đã được cấu ra làm ba bốn phần mồi rồi thả xuống khoảng nước trống giữa đám bèo.

Cá sọc sọi vô cùng háu ăn, chẳng cần lưỡi câu cũng tóm được vô số. Cứ giật ngược cần câu về phía sau là có chú sọc sọi búng mình tanh tách trên bờ ao. Cá sọc sọi màu sắc sặc sỡ, đứa nào thích tặng cho bọn con gái thì chỉ cần tìm chai thủy tinh, đổ ít nước rồi bỏ cá vào là thành món quà. Đứa được tặng thì chơi chán rồi đem cho mẹ kho cá vụn.

Lắm khi mải mê câu theo đám bèo trôi, bọn trẻ nhón chân cả xuống nước. Đến lúc nhấc chân lên mới thấy vài con đỉa say sưa hút máu trên cẳng chân gày nhẵng. Chẳng đứa nào hoảng cả, chỉ việc nhổ bãi nước bọt vào bàn tay bôi lên con đỉa cho nó nhả ra. Thêm một cú ném thật mạnh qua hàng rào nữa là con đỉa bay ra ngoài đường cái. Có bữa tôi ném nhầm đỉa vào đầu cô Xoan xóm dưới đi gặt về ngang qua, bị cô thò mặt qua hàng rào chửi té tát.

Sau này ông tôi đào hố nấu vôi trong vườn thì lũ trẻ mới bỏ đỉa vào hố vôi cho chúng chết hẳn. Nhưng ao làng chẳng vì thế mà hết đỉa. Đỉa vẫn sinh sôi trong ao bèo và trên cánh đồng. Trưa hè, chỉ cần ra cầu ao khỏa nước rửa tay khẽ khua làn nước là vài ba con đỉa lặng lẽ đo nước tiến đến. Bầy trâu cày về buổi trưa thủng thẳng phì phèo lỗ mũi đầy bùn vào nước cũng không quên bỏ lại trên đường đi mấy con đỉa trâu căng mọng máu đến mức không bò nổi xuống ao. Chị em đi cấy lúa đeo xà cạp đến tận bẹn để tránh đỉa vậy mà có cô vẫn bị đỉa cắn. Có khi vết cắn thành sẹo nhưng trai làng chẳng chê sẹo đỉa cắn bao giờ.

Những lúc vụ mùa gặt hái xong, ruộng còn xăm xắp nước ngang mắt cá là lúc tôi đi bắt cá đồng. Vài cơn mưa ngập bờ ao, tràn qua bờ ruộng kéo theo đám cá trê, chuối, rô diếc. Vừa chơi vừa bắt cá chừng xế buổi là đã có nửa chậu nhôm mang về. Dĩ nhiên, chiến lợi phẩm cũng thường kèm theo vài vết máu đông khô ở chân. Có hôm tôi và tụi nhóc thử khùa nước ruộng thật lực, lùa hết bọn đỉa ra rồi tát chúng đi chỗ khác mới bắt cá.

Nhưng có đứa vẫn bị đỉa cắn. Riết rồi thành quen, có lúc ham vồ con cá chuối mẹ chúi dưới bùn non bãi ruộng, tôi mặc kệ con đỉa bò tìm mạch máu sau bắp chân.

Cứ thế, tôi lim dim mắt nhớ lại thời thơ ấu và nhận ra rằng con đỉa dẫu xấu xí là vậy vẫn dai dẳng đeo bám trong từng mảng ký ức năm xưa. Ao làng quê tôi giờ đã bị san lấp gần hết để xây nhà. Ruộng cũng đang biến mất dần khi đám thanh niên bỏ ruộng đi làm công nhân. Không còn ao ruộng thì cũng chẳng còn tôm ao cá đồng và cũng chẳng còn lũ đỉa. Bọn trẻ con giờ nhắc đến đỉa chỉ để dọa nhau rồi lè lưỡi ra dù chưa bị đỉa cắn bao giờ.

Vậy nên với tôi, vẫn có những con đỉa lặng lẽ bơi theo ký ức về một thời mùa màng phì nhiêu xanh lá với ao bèo nước vỗ bờ ì oạp như giục giã con mưa rào đến sớm hơn để san sẻ cá tôm khắp cánh đồng. 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —