Doanh nghiệp xã hội – những người lầm lũi bước đi

[ad_1]

Doanh nghiệp xã hội – những người lầm lũi bước đi

Tư Giang

Koto, một doanh nghiệp chuyên giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn học nghề và tìm việc làm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn… Ảnh: MINH KHUÊ

(TBKTSG) – Mặc một bộ quần áo hoa văn đặc trưng của người dân tộc Mông, Tẩn Thị Shu rụt rè nhấp một ngụm nước. Cô bắt đầu kể về đời mình, đôi lúc dừng lại, khó khăn tìm từ tiếng Việt phù hợp.

Chuyện của Shu

Đằng sau cái vẻ giản dị đó là một tấm lòng nhân hậu bao la. Ở tuổi 30, cô gái người Mông này đang điều hành Công ty Du lịch Sapa O’Chau tại Sapa (Lào Cai) mà toàn bộ lợi nhuận của nó là dành để thuê nhà, nuôi ăn, đóng tiền học cho 35 em nhỏ người dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt.

Shu đã đeo đuổi việc thiện nguyện này cả chục năm nay, từ khi còn rất trẻ, nhưng không nhiều người hiểu. “Có người nghĩ em tốt, có người nghĩ xấu. Em không thể bắt họ phải nghĩ tốt về em, nhưng em tin việc em làm là đúng cho đồng bào mình”, Shu nói khi xuống Hà Nội tuần trước để tìm nơi ở cho 16 em học sinh thi vào các trường đại học và cao đẳng.

Chuyến đi Hà Nội của Shu còn có một mục đích khác. Cô tìm hiểu để chuyển đổi Sapa O’chau thành doanh nghiệp xã hội. Đó là cách mà Shu tin sẽ giúp giải quyết nhu cầu của những trẻ em dân tộc đang ngày càng nhiều lên, vượt quá khả năng của cô. “Em muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp xã hội để việc hỗ trợ các em bền vững hơn. Nhưng thú thực là điều đó vượt quá hiểu biết của em. Nó thực sự khó khăn”, Shu nói.

Không chỉ chuyện của Shu

“Thế nhưng họ vẫn bị nghi ngờ… Một xã hội như chúng ta lẽ ra cần khuyến khích các doanh nghiệp xã hội phát triển mạnh”.

Ông Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Khó khăn đang diễn ra với nhiều người khác đang hoạt động như Shu.

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ cách đây hơn một năm, số doanh nghiệp có thể đăng ký trở thành doanh nghiệp xã hội để giúp đỡ những người yếu thế đếm trên đầu ngón tay. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước mới chỉ có 10 doanh nghiệp xã hội được cấp phép. Đó là kết quả của việc Thông tư số 04/2016/TT-BKHĐT quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp xã hội có hiệu lực từ trung tuần tháng 5 vừa rồi. “Dù số lượng là ít ỏi nhưng điều đó cho thấy nó mở ra một chương mới tích cực hơn trong cách nhìn của Nhà nước với loại hình doanh nghiệp này”, một quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Hầu hết các doanh nghiệp xã hội này có trụ sở tại Hà Nội, trong số đó, Công ty Koto là doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy phép (ngày 12-7 vừa rồi). Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Koto được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ghi: Công ty TNHH một thành viên Koto nay được chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp xã hội. Ông Jimmy Phạm, Giám đốc Koto, cho biết ông đã nộp hồ sơ từ tháng 11-2015 nhưng đến tháng 7 năm nay, với sự giúp đỡ kiên trì và nhiệt thành của ba luật sư, ông mới xin được giấy phép chuyển đổi.

“Tôi rất mừng vì giấy phép thể hiện Nhà nước đã chính thức công nhận những doanh nghiệp xã hội như chúng tôi sau một thời gian dài nghi kỵ”, ông Jimmy Phạm bày tỏ. Hiện tại, Koto đang dạy nghề, nuôi dưỡng 300 trẻ em có hoàn cảnh rất khốn khổ, trong số đó có nhiều em từng sống lang thang trên đường phố. Kể từ khi Jimmy Phạm thành lập Koto từ năm 1992 đến nay, có hơn 1.000 em khác đã “tốt nghiệp”, và tìm được việc làm trong các quán ăn, nhà hàng, hay khách sạn. “Nhà nước không thể, và không nên đảm đương một mình những vấn đề xã hội. Lẽ ra Nhà nước cần công nhận, khuyến khích các doanh nghiệp xã hội như chúng tôi tham gia vào công việc này”, ông Jimmy Phạm nói.

Giá trị bị nghi ngờ

Doanh nghiệp xã hội, sau nhiều tranh luận, đã được đưa thành một chương trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Họ được thừa nhận là doanh nghiệp được đăng ký và thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2014; với mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Phạm Việt Hoài, người sáng lập Công ty Tâm Việt, hiện đang nuôi dưỡng, tạo việc làm cho 14 người khiếm thính, có trụ sở tại Hà Nội, nói: “Quy định như vậy chả giúp ích gì với chúng tôi”. Ngồi trên chiếc xe lăn giúp anh di chuyển hàng ngày, Hoài kể về sự thờ ơ của những cán bộ cấp phép khi bắt anh nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tới 10 lần vì những lỗi ngớ ngẩn, những lần “đấu tranh” với cán bộ thuế khi bị truy thu vô lý, hay những lần cãi cự với công an giao thông khi hàng chở đi bị “làm luật”. “Chúng tôi vẫn phải tự mày mò làm ăn, nuôi nhau, không có một đồng hỗ trợ nào từ Nhà nước. Vậy mà nhiều khi, người ta còn gây khó dễ đủ chuyện với chúng tôi”, Hoài nói.

Nhìn nhận lại quá trình thảo luận của luật, và thực trạng các doanh nghiệp xã hội hiện nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, các doanh nghiệp xã hội còn bị “nghi ngờ” vì những mục đích nhân văn của họ. Ông Cung nói: “Nhiều chủ doanh nghiệp xã hội đang lầm lũi làm không vì một danh lợi gì. Họ chỉ mong được công nhận để huy động được nhiều nguồn lực vào giúp cho những người yếu thế”. Ông Cung, người đã đi thực tế nhiều địa phương trước khi thuyết phục được rất nhiều bên để đưa doanh nghiệp xã hội thành một chương chính thức trong Luật Doanh nghiệp, nói với giọng đầy cay đắng: “Thế nhưng họ vẫn bị nghi ngờ… Một xã hội như chúng ta lẽ ra cần khuyến khích các doanh nghiệp xã hội phát triển mạnh”, ông nói.

Đáng tiếc, hệ thống luật pháp nói chung hiện nay không có sự khuyến khích cần thiết. Chẳng hạn, Luật Giáo dục nghề nghiệp, và các văn bản hướng dẫn đã đưa ra các tiêu chuẩn để được cấp phép thành lập cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp là phải có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo theo cam kết; có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định; có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu… Cụ thể, cơ sở đó phải có diện tích phòng học lý thuyết tối thiểu 1,5 mét vuông/chỗ học, diện tích phòng học thực hành tối thiểu từ 4-6 mét vuông/chỗ thực hành.

Quy định quá chặt chẽ như vậy đã hạn chế phần lớn những cá nhân khỏi cơ hội mở trường dạy nghề cho người khuyết tật, yếu thế, mà tổng số lên tới khoảng bảy triệu người trong cả nước, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. “Quy định như vậy thì miền núi, vùng sâu, vùng xa không bao giờ mở trường được. Vậy là nhiều người yếu thế ra rìa, không còn cơ hội nào nữa. Vậy tính nhân văn của pháp luật ở đâu?”, ông Cung đặt câu hỏi.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —