Đồng Lộc – Ngã ba huyền thoại

[ad_1]

Thời gian đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít giờ đã thành địa chỉ xanh chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng.

Hà Tĩnh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, cũng là nơi sản sinh ra biết bao thế hệ anh hùng quên mình vì Tổ quốc. Trong số các địa điểm mang dấu ấn hào hùng trên tỉnh lị này, thì ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa danh huyền thoại, mảnh đất thiêng liêng, là bản anh hùng ca về lòng quyết tâm và ý chí sắt đá vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do. 

Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Nơi này được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989, được Đảng, Nhà nước, Trung Ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm các liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc. 



Từ năm 1964 – 1972, tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, nên thời điểm đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A. Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này, được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tuyền tuyến lớn miền Nam. Vì là vị trí chiến lược như vậy nên từ năm 1964 đến 1972, Ngã ba Đồng Lộc đã bị đánh phá liên tục, và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại và đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. 

Để giữ cho mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, biết bao nhiêu xương máu của các chiến sĩ và nhân dân đã đổ xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, như bao ngày khác, 10 chị ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi các chị đang tránh bom và làm sập hầm khiến tất cả đều hy sinh. Mười cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm gồm Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), và Võ Thị Hà (17 tuổi) đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Mười đóa hoa ấy vừa độ tuổi mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của đời người đã ra đi mang theo bao khát vọng, nhiệt huyết, ý chí, và sự kiên cường chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp. 

Thời gian đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít giờ đã thành địa chỉ xanh chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, với những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời. Từ cầu Sông Nghẽn đi lên vùng cung đường ngã ba là cả một vùng lúa Đại Lộc, Tiến Lộc, Thanh Lộc, Đồng Lộc… xanh mướt. 

Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thời gian có thể khiến con người ta quên đi nhiều thứ, nhưng khó có ai đã một lần đi qua mà có thể quên Đồng Lộc. Hình ảnh Ngã ba Đồng Lộc quật khởi vươn lên giữa mưa bom lửa đạn còn ghi đậm mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Việt Tùng

[ad_2]

— Đăng bởi HH —